Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 9/8: Chấn chỉnh các cơ sở y tế quảng cáo "chữa khỏi bệnh đồng tính"; Bình Dương đang "khát" nhân lực y tế
D.Ngân - 09/08/2022 08:35
Nhiều thông tin phản ánh về việc một số cơ sở khám, chữa bệnh và một số bác sĩ tự nhận là “chữa khỏi bệnh đồng tính”.

Đồng tính không phải là bệnh

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước về việc chấn chỉnh các cơ sở quảng cáo chữa khỏi bệnh đồng tính, công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vì vậy đồng tính không thể "chữa", không cần "chữa" và cũng không thể làm cách nào thay đổi được.

Từ ngày 17-5-1990, WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Kể từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). WHO cũng xác định "đồng tính không phải là bệnh", mà là những người có xu hướng tính dục với người đồng giới.

Ảnh minh hoạ

Đồng tính và chuyển giới đã được WHO đưa ra khỏi chương Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, trong Danh mục các bệnh quốc tế (ICD) lần lượt vào năm 1990 và 2019.

Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lí của mình quán triệt các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám, chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Khi tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kì thị đối với các đối tượng này;

Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh; 

Không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi dưới 25%

Tối 8/8, Bộ Y tế đã thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta: Tổng số mũi tiêm vắc-xin ở Việt Nam là 248.850.332.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm trên cả nước là: 12.795.167, trong đó mũi 1: 8.220.102 trẻ (đạt tỷ lệ 72%);

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 54%: Hà Nội (53,1%); Hà Tĩnh (48,2%); Đà Nẵng (38,6%); Quảng Nam (42,6%); TP Hồ Chí Minh (46,9%).

Mũi 2: 4.575.065 trẻ (đạt tỷ lệ 40,1%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 25% là: Hà Nội (19,8%); Vĩnh Phúc (24,6%); Đà Nẵng (16,3%); Quảng Nam (13,1%); Khánh Hòa (18,5%)..

3 tỉnh tiêm cao: Ninh Thuận (73,2%); Sóc Trăng (81,9%); Vĩnh Long (69,6%); Bạc Liêu (73,2%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3 là: Tổng số có 48.644.946 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 74,1%):

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp: Quảng Nam (54,1%); Bình Định (55,7%); Khánh Hòa (54,6%); Đồng Nai (46,6%); Cần Thơ (53,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (97,0%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 10.772.447 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 57%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Vĩnh Phúc (33,9%); Bắc Cạn (35,8%); Nghệ An (26,5%); Quảng Trị (32,8%); Đà Nẵng (36,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Hà Tĩnh (99,6%); Điện Biên (99,3%); Quảng Bình (97,1%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 đạt: 3.374.044 trẻ (đạt tỷ lệ 38,1%).

5 tỉnh tiêm mũi mũi 3 thấp: Hà Tĩnh (17,8%); Đà Nẵng (13,5%); Phú Yên (9,9%); BR-VT (12,1%); Đồng Nai (20,1%)..

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (81,0%); Sóc Trăng (74,4%); Trà Vinh (76,8%).

TP. Hồ Chí Minh: Liên tiếp các ca ngộ độc methanol

Thời gian qua, TP. HCM liên tục ghi nhận các trường hợp ngộ độc methanol do uống rượu không rõ nguồn gốc.

Ngày 5/8, theo đó, một nhóm 8 sinh viên tổ chức đi ăn sau khi hết giờ làm thêm. 2 người tử vong, 6 người đi cấp cứu trong đó có 4 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo lời kể, nhóm sinh viên đã ăn nhậu cùng nhau và uống hết 5 lít rượu pha với nước ngọt. Được biết, 5 lít rượu có sẵn trong kho của quán từ tháng 5 và cho tới nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc từ đâu.

Ngày 7/8, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận P.T.Q (21 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng. Trước ngày nhập viện, anh Q. đã đi uống rượu cùng anh T.C.T và bạn bè. Hôm sau, bệnh nhân mệt, nôn ói nhiều và người nhà phải đưa đi cấp cứu.

Chiều ngày 7/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân đều ở TP. HCM. 3 bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm độc chất methanol.

Sáng 8/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa mới tiếp nhận thêm 5 trường hợp nhập viện trong tình trạng mệt, nôn ói sau khi uống rượu, nghi bị ngộ độc methanol do uống phải rượu pha với cồn rửa tay có chứa methanol.

Bệnh nhân cho biết, trước ngày nhập viện đã đi uống rượu với 4 người bạn có "pha nhầm" chai cồn rửa tay vào rượu. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng, nôn ói nhiều. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu 242.25mg/dL.

Sau khi uống vào cơ thể, methanol được hấp thu và chuyển hóa thành formaldehyde và sau cùng là thành formic acid. Đây là một chất rất độc làm tổn thương gan, thận, thần kinh và toan hóa máu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có khả năng tử vong nhanh.

Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê....

Bình Dương đang "khát" nhân lực y tế

Theo Sở Y tế Bình Dương cho biết, hiện tỉnh đang cần tuyển gần 800 y, bác sĩ.  Trong đó nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là điều dưỡng. Hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng ở Bình Dương vẫn còn thấp, trong khi đây là lực lượng rất quan trọng.

Tỉnh Bình Dương đã có một số chính sách đặc thù để cho y bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã.

Sau thời gian chống dịch, tỷ lệ nhân viên y tế hệ công lập ở Bình Dương nghỉ việc gia tăng. Năm 2021, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc là 162 người. Trong đó có 24 bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa, 66 dược sĩ, điều dưỡng, 72 nhân viên khác.

Trong năm 2022, có 166 người nghỉ việc, bỏ việc tại các đơn vị công lập. Trong số này, có 35 bác sĩ, 60 điều dưỡng-nữ hộ sinh; 6 kỹ thuật viên y và 65 nhân viên y tế khác nghỉ việc, bỏ việc.

Việc y, bác sĩ nghỉ việc tiếp tục làm tăng áp lực lên ngành y tế công lập vốn đã thiếu hụt nhân lực. Chính vì thế năm 2022, Bình Dương cần tuyển dụng gần 800 chỉ tiêu viên chức y tế để bổ sung nhân lực cho ngành.

Tin liên quan
Tin khác