Các dị tật tiêu hóa có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm
Dị tật bẩm sinh là những phát triển bất thường về cấu trúc, chức năng, có biểu hiện ngay từ khi mới sinh ra hoặc ở các giai đoạn muộn hơn nhưng có nguyên nhân ngay từ trước sinh… Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan của cơ thể, trong đó dị tật bẩm sinh ống tiêu hóa thường gặp nhất.
Theo các chuyên gia, dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan của cơ thể, trong đó dị tật bẩm sinh ống tiêu hóa thường gặp nhất. |
Các dị tật đường tiêu hóa có thể điều trị khỏi, ít ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng và sự phát triển sau này của trẻ, hạn chế tối đa tái phát nhờ chăm sóc đúng cách sau phẫu thuật.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn tiêu hóa, chậm lớn, táo bón, không thể đi đại tiện… hoặc biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như hoại tử ruột.
Bé Minh (5 tuổi, Lạng Sơn) đi khám tại bệnh viện do khoảng 1 tháng nay, gia đình phát hiện có khối phồng vùng bẹn phải. Khối phồng ngày một to hơn kèm theo đau, trẻ khó khăn khi vận động mạnh. Sau thăm khám, bác sĩ chỉ định siêu âm bụng, Xquang ngực và thực hiện bộ xét nghiệm phẫu thuật tiêu hóa. Kết quả cho thấy trẻ bị thoát vị bẹn bên phải.
Trường hợp tương tự, bé Trí (3 tuổi, Hà Nội) xuất hiện khối phồng vùng bẹn bên phải từ lúc 6 tháng tuổi. Khối phồng tăng kích thước khi trẻ khóc, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày nên gia đình lựa chọn theo dõi.
Nhận thấy khối phồng ngày một to hơn, gia đình đưa Trí đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Kết quả siêu âm của trẻ có khối thoát vị bẹn bên phải.
Thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh hay gặp nhất trong các loại thoát vị thành bụng, là tình trạng một trong các tạng ổ bụng rời vị trí, chui qua ống bẹn xuống bìu làm tăng áp lực chỗ thoát vị.
Khối thoát vị sẽ to ra khi đi lại, vận động mạnh, gây ra biến chứng nguy hiểm khi ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng, dẫn tới hoại tử ruột. Thoát vị bẹn ở trẻ có thể gặp ở một hoặc cả hai bên, tỷ lệ thoát vị bẹn bên phải nhiều hơn bên trái.
PGS-TS.Triệu Triều Dương, Giám đốc chuyên môn Ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, đối với trẻ sơ sinh bị thoát vị bẩm sinh có thể chờ ống phúc tinh mạc tự bít. Phương pháp phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở được lựa chọn trong điều trị cho trẻ nhỏ và người lớn tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Hầu hết các dị tật đường tiêu hóa thường có biểu hiện sớm, dễ nhận biết trong quá trình chăm sóc trẻ. Số ít trường hợp phát hiện muộn khi ở tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành.
Với thoát vị bẹn, bệnh có thể nhận biết khi trẻ xuất hiện khối u phồng ở vùng bẹn. Nếu trẻ nằm yên rất khó phát hiện vì khối thoát vị chui về ổ bụng, vùng bẹn trở về trạng thái bình thường.
Kích thước khối u phòng tăng lên khi trẻ vận động mạnh, chạy nhảy, ho, quấy khóc hoặc rặn. Cha mẹ có thể quan sát thấy khối thoát vị chuyển động dọc theo ống bẹn khi trẻ chạy nhảy.
Khối thoát vị sờ thấy ở dạng khối mềm, nắn không đau. Bệnh nặng lên khi khối thoát vị bị nghẹt, không trở lại ổ bụng khiến cho u phồng sưng đau. Các cơn đau quặn dữ dội, bụng trướng khiến trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa, nôn hoặc buồn nôn, quấy khóc…
Thoát vị bẹn là một trong những dị tật bẩm sinh hay gặp, cùng với bệnh teo thực quản, nang ống mật, hẹp hậu môn, sa trực tràng…. Các triệu chứng của dị tật sẽ khác nhau tùy theo vị trí bất thường từ thực quản đến hậu môn.
Tiến bộ trong chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện các dị tật đường tiêu hóa, từ đó giúp gia đình theo dõi, chủ động thăm khám và lựa chọn thời điểm thích hợp tăng hiệu quả điều trị.
Khi trẻ ra đời, cha mẹ, người thân trong quá trình chăm sóc trẻ cần biết các dấu hiệu thường gặp để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Chẩn đoán dị tật bẩm sinh phụ thuộc vào vị trí bất thường dọc theo đường tiêu hóa.
Dị tật đường tiêu hóa nếu bị bỏ sót, chẩn đoán chậm, chỉ định điều trị muộn, khi có biến chứng sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị và sự phát triển của trẻ, tăng nguy cơ tử vong.
Hầu hết tình trạng dị tật đường tiêu hóa có thể phát hiện sớm, điều trị bằng phẫu thuật. Can thiệp sớm có thể điều trị hiệu quả, giảm các biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, các tạng dính vào nhau, dập các tạng bên trong khi có tác động từ bên ngoài…
Ngừng tim vì uống nhầm rễ cây lá ngón để chữa mất ngủ
Thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận 1 trường hợp nữ bệnh nhân tên T.T.T (46 tuổi, ở Vũ Quang, Hà Tĩnh) ngộ độc rễ cây lá ngón rất nguy kịch.
Trước đó, khoảng 6h30 ngày 4/7, bệnh nhân T uống 500-600ml nước thuốc sắc từ rễ cây phơi khô (dân địa phương thường gọi là rễ cây cóc). Sau uống 10 phút, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng méo miệng, mệt lả.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào trạm y tế xã sau đó chuyển đến bệnh viện huyện Vũ Quang. Trong khoảng 15 phút trên đường di chuyển đến bệnh viện, ý thức bệnh nhân giảm dần, gọi hỏi không đáp ứng.
Tại bệnh viện huyện Vũ Quang, bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, truyền dịch, sau đó tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, kéo dài 5-10 phút, tím tái. Bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng ngừng tuần hoàn, được các bác sĩ xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Sau 15 phút bệnh nhân có mạch trở lại. Tuy nhiên, sau đó 10 phút, bệnh nhân tiếp tục ngừng tuần hoàn lần thứ 2. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, sau 3 phút, bệnh nhân có mạch trở lại.
Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê.
Theo người nhà bệnh nhân T, có 3 người cùng uống nước thuốc sắc từ rễ cây cóc phơi khô vào buổi tối trước ngày bệnh nhân T sử dụng, cùng với mục đích giúp ngủ ngon. 3 người này cũng có biểu hiện chóng mặt, mệt lả, nhưng rất may không biến chứng nặng.
Đại diện Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Sau khi làm các kiểm tra và xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc cây lá ngón.
Rễ cây lá ngón chứa lượng độc tố cao nhất so với các bộ phận khác của cây. Ngay khi ăn vào miệng, chất độc sẽ gây đau, rát, buốt miệng, sau đó xuống dạ dày làm bỏng, co thắt dạ dày, bỏng đường tiêu hóa, gây nôn…
Sau đó chất độc ngấm vào máu, đến thần kinh, thân não, tủy sống sẽ gây kích thích khiến bệnh nhân co giật, co thắt cơ trơn gây nôn và sau đó sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo các bác sĩ, ngộ độc cây lá ngón xảy ra trong thời gian rất nhanh. Nhiều trường hợp bệnh nhân không qua khỏi dù đã được đưa đến các cơ sở y tế.
Trừ những trường hợp sử dụng một lượng rất nhỏ thì có thể qua khỏi nếu được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân T nêu trên đã uống một lượng lớn nước của rễ cây lá ngón - nơi chứa nhiều độc tố nhất, mà không hề hay biết vì có thể đã nhầm với rễ cây cóc. Hiện bệnh nhân tiên lượng rất xấu.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên ăn, uống những loại cây mà không rõ về tên gọi và không biết có chứa độc tính hay không.
Sẽ rất rủi ro nếu không may ăn hoặc uống phải những loại cây có chứa độc tố. Khi phát hiện người bị ngộ độc, người dân cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên tự ý chữa bệnh bằng các loại cây thuốc không được kiểm chứng.