Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 13/10: Tiêm vắc-xin sởi tại TP.HCM đạt tỷ lệ cao
D.Ngân - 13/10/2024 09:37
Tính đến thời điểm hiện nay, tại TP.HCM, đã có 99% trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đã được tiêm.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ cao

Tính đến hết ngày 11/10, tổng số mũi tiêm vắc-xin sởi tích lũy trên địa bàn Thành phố là 218.298 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 45.774 mũi (đạt 100%), trẻ từ 6-10 tuổi là 147.003 mũi (đạt 98,72%). Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi đạt 99% theo kế hoạch.

Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, còn 3 quận huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95% gồm Tân Phú, quận 3 và Cần Giờ. Sở Y tế đề nghị UBND các quận huyện này cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch tại quận huyện; đối với những quận huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.

Trong ngày 11/10, TP ghi nhận 22 ca sốt phát ban nghi sởi được báo cáo (1 ca sởi xác định phòng xét nghiệm, 21 ca sởi nghi ngờ lâm sàng), có 10/22 quận huyện, thành phố có số ca sốt phát ban nghi sởi bao gồm: Quận 5 (1 ca), quận 6 (1 ca), quận 8 (2 ca), quận 10 (2 ca), quận 12 (2 ca), Bình Chánh (1 ca), Bình Tân (1 ca), Củ Chi (2 ca), Tân Phú (2 ca), TP.Thủ Đức (8 ca). 

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy đến nay ghi nhận được là 1.346 ca (567 ca sởi xác định phòng xét nghiệm, 507 ca sởi nghi ngờ lâm sàng và 272 ca loại trừ sởi).

Các quận, huyện có số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy cao gồm có: Bình Chánh (290 ca), Bình Tân (257 ca) và TP.Thủ Đức (128 ca).

Mỗi năm có gần 100.000 người bệnh thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp

Ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành, và mỗi năm có khoảng gần 100.000 người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp.

Trong 2 năm qua, số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại nước ta tăng gần 20%, đặc biệt là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành.

GS-TS.Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam cho biết, trong 2 năm qua, theo báo cáo số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại nước ta đã tăng gần 20%, đặc biệt là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành.

Hiện nay, ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành, và mỗi năm có khoảng gần 100.000 người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp, trong đó có 40.000 - 50.000 ca can thiệp đặt stent mạch vành được thực hiện để cứu sống bệnh nhân.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như can thiệp nhịp, can thiệp các bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn và mạch máu ngoại biên…

Còn theo GS-TS.Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch Thường trực hội Tim mạch học Việt Nam, tim mạch can thiệp là một lĩnh vực ngày càng phát triển, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng và tiên phong trong chẩn đoán và nhất là điều trị những bệnh lý tim mạch phức tạp.

Nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật can thiệp tim mạch ngày càng được phổ biến hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh.

Trong những năm gần đây, ngành Tim mạch tại Việt Nam nói chung và đặc biệt chuyên ngành Tim mạch can thiệp đã đạt được những bước tiến vượt bậc, hội nhập sâu rộng với thế giới và áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên toàn cầu.

Hiện nay, có thể nói tất cả các bệnh lý tim mạch đều có thể được chẩn đoán và điều trị ngay trong nước một cách nhanh chóng, hiệu quả.

 Ba gánh nặng dinh dưỡng trẻ em Việt phải đối mặt

PGS-TS.Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thể thiếu, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi; thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Sức khỏe là vốn quý của đời người, khởi đầu là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và tiếp theo từ 2-12 tuổi. Khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi, đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người.

Chính vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường đã trở nên cấp thiết, cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.

PGS-TS.Trần Thanh Dương cho biết số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt nam là 18,2% (thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (24,8%) và Tây Nguyên (25,9%). Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm).

Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường, trong đó kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em, nhất là ở khu vực thành thị.

Đồng thời, tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.

Về phát triển thể chất người Việt, tại Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng 10 năm qua, chiều cao trung bình của người Việt Nam dần cải thiện nhờ những tiến bộ trong dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Cùng đó, thể lực và sức bền cũng đã có sự thay đổi.

Hiện chiều cao trung bình của nam giới Việt là 168,1 cm và chiều cao nữ giới khoảng 156,2 cm. So với giai đoạn 10 năm trước, chiều cao trung bình của nam tăng 3,7 cm và nữ tăng 1,4 cm. Tuy nhiên, sự chênh lệch chiều cao giữa Việt Nam và thế giới vẫn là khoảng cách không nhỏ. Chiều cao trung bình trên thế giới hiện là 176,1 cm đối với nam và 163,1 cm đối với nữ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, "thấp bé, nhẹ cân" không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện chế độ ăn, cộng thêm luyện tập thể thao, ngủ đủ giấc... thì tầm vóc của người Việt sẽ tiếp tục được cải thiện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc phát triển chiều cao phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%.

Tin liên quan
Tin khác