Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 20/10: Cảnh giác với bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa
D.Ngân - 20/10/2024 10:04
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, bệnh lý tim mạch-thận-chuyển hóa đang là vấn đề đặc biệt cần quan tâm hiện nay.

Cảnh giác với bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa

Theo ông Khoa, với số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường trên thế giới lên đến 537 triệu người, bệnh nhân suy tim trên 60 triệu người và đặc biệt bệnh nhân thận mạn tính trên 850 triệu người. Đây là gánh nặng bệnh tật với sức khỏe người dân và nền y tế của mỗi một quốc gia.

Bệnh lý tim mạch-thận-chuyển hóa đang là vấn đề đặc biệt cần quan tâm hiện nay.

Bệnh phối hợp giữa bệnh tim mạch, thận và rối loạn chuyển hoá đang trở thành thách thức lớn trong y tế hiện đại. Những bệnh lý này không chỉ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật lên hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình, đặc biệt trên nhóm người cao tuổi cùng một lúc có nhiều bệnh cần chăm sóc và điều trị.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, trong những năm qua Bộ Y tế đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các chương trình phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch, thận tiết niệu và các rối loạn chuyển hoá.

Các hướng dẫn chẩn đoán về bệnh tim mạch, nội tiết- đái tháo đường, thận tiết niệu đã được ban hành khá đầy đủ, thường xuyên được cập nhật, giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có tài liệu thực hành, nâng cao chất lượng quản lý và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đòi hỏi chúng ta cần phải có cách tiếp cận tổng thể và đa chiều hơn, đặc biệt là sự phối hợp liên ngành giữa các chuyên khoa tim mạch, thận và nội tiết.

TS.Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế cũng cho rằng, bệnh lý tim mạch-thận-chuyển hóa thường đồng mắc và thúc đẩy lẫn nhau làm nặng thêm tiên lượng của người bệnh, đồng thời tạo thêm gánh nặng cho vấn đề chẩn đoán, điều trị cũng như cho hệ thống y tế nếu không được tầm soát, phát hiện, điều trị và quản lý một cách toàn diện trên đồng thời cả ba khía cạnh.

Thông tin thêm về gánh nặng bệnh lý tim mạch, theo GS-TS.Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, bệnh lý tim mạch-thận-chuyển hóa thường giảm nghiêm trọng tuổi thọ bệnh nhân, đặc biệt nếu cùng tồn tại.

Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là nguyên nhân của hơn 80% bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD) trên toàn cầu. Bệnh tim mạch ảnh hưởng đến 40% bệnh nhân đái tháo đường và ít nhất 30% bệnh nhân đái tháo đường có bệnh lý tim mạch.

Rối loạn chức năng tim làm tăng thêm gánh nặng về thận và trao đổi chất. Bất thường về tim ảnh hưởng đến sự tiến triển và kết cục của bệnh thận và chuyển hóa.

Tại Việt Nam, có 55% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đã xuất hiện biến chứng, chi phí điều trị biến chứng chiếm 70% tổng chi phí điều trị bệnh nhân đái tháo đường và trong các biến chứng, điều trị biến chứng tim mạch chiếm chi phí lớn nhất.

Thêm nhiều ca cấp cứu, suýt bỏ mạng do uống nước kiềm chữa bệnh

Bệnh viện Bạch Mai thông tin, thời gian qua, tại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do uống nước kiềm chữa bệnh. Điển hình như bệnh nhân P.T.M (60 tuổi, Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật.

Bệnh nhân được chuyển tuyến vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân M cho thấy rõ nhiều chỉ số bất thường.

Theo lời bệnh nhân, do có nhiều bệnh lý dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân… nên khi nghe người làng truyền tai nhau về địa chỉ uống nước chữa bách bệnh ở ngay trong khu vực, bà M cũng tìm đến và xin được chữa trị.

"Ở đó, họ không khám mà chỉ hỏi về tình trạng bệnh và được hướng dẫn chữa trị bằng cách hằng ngày uống nước được lấy từ máy lọc, có thể pha thêm 1 chút muối cho dễ uống và không ăn gì. Ngày uống tối thiểu khoảng 5 - 6 lít nước, trong khoảng 10 - 15 ngày", bà M cho biết về phác đồ điều trị.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 5 ngày uống nước và nhịn ăn, bà M đã không thể đứng vững, bắt đầu nôn liên tục, phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận chùm ca bệnh cũng dùng cách uống một loại nước được giới thiệu là nước kiềm để chữa bệnh.

Ba bệnh nhân này bị suy thận đang phải chạy thận nhân tạo chu kỳ ở BV Đa khoa Lai Châu song đã ngừng chạy thận, xuống Thanh Oai uống nước chữa bệnh với cách thức giống với bệnh nhân M ở Sóc Sơn: Ngày uống 6 lít nước, nhịn ăn hoàn toàn trong 15 - 20 ngày. Tuy nhiên, các bệnh nhân này chỉ uống khoảng 2 - 3 ngày đã xuất hiện tình trạng khó thở, hôn mê phải đưa đi cấp cứu.

Các bệnh nhân bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do biến chứng quá tải dịch trên bệnh nền suy thận mạn và được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu cấp cứu ngay khi tiếp nhận. 

Điều đáng nói, kết quả xét nghiệm lượng Urê, Kali và Creatinin trong máu tăng rất cao: Urê gấp 3 lần bình thường, Creatinin gấp 10 - 15 lần bình thường.

Những bệnh nhân này may mắn được lọc máu kịp thời, tránh khỏi tử vong, được điều trị tới khi ổn định và trở lại lịch trình chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sức khỏe và cuộc sống.

Cơn đau thắt ngực cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

Người đàn ông đột ngột đau ngực trái, lan ra cánh tay và đau hơn khi gắng sức. Khi nhập viện được bác sĩ chẩn đoán hẹp mạch vành.

Ông P.V.T., 64 tuổi (trú Quảng Ninh), được đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp cứu trong tình trạng đau ngực trái lan ra cánh tay, đau tăng khi gắng sức.

Kết quả thăm khám và chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị hẹp mạch vành 90%. ThS. Đinh Danh Trình, Phó khoa Tim mạch, cùng ê-kíp đã can thiệp đặt 2 stent đoạn bị hẹp. Sau can thiệp, sức khỏe người bệnh đã ổn định.

Bác sỹ Trình cho biết cơn đau thắt ngực không ổn định xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành nuôi cơ tim, thường do nguyên nhân xơ vữa động mạch dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ lòng mạch.

Triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định sẽ dữ dội và kéo dài hơn. Cơn đau thắt ngực có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ đau tăng dần.

Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau thắt ngực không ổn định, như hút thuốc lá, những người bị xơ vữa động mạch, động mạch giòn và cứng, người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì... Bên cạnh đó, tuổi tác, giới tính, chủng tộc cũng tạo nên những nguy cơ gây đau thắt ngực không ổn định.

Để phòng ngừa đau thắt ngực không ổn định cũng như các bệnh mạch vành, bác sỹ Trình khuyến cáo người dân cần xây dựng lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thícCó kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress; thực hiện chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các chất dinh dưỡng;

Tập thể dục mỗi ngày vừa giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao đề kháng; duy trì cân nặng hợp lý, tránh để thừa cân béo phì. Đặc biệt, khác với đau thắt ngực ổn định thì cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện. Nếu không dự phòng điều trị tốt, người bệnh sẽ có nguy cơ cao không qua khỏi.

Vì vậy, khi thấy dấu hiệu của đau thắt ngực không ổn định, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và xác định chính xác tình trạng sức khỏe để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác