Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Cả 4 chủng virus này đều có khả năng gây bệnh. |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 11 - 17/10), toàn TP.Hà Nội ghi nhận 403 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 57 ca so với tuần trước đó.
Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đống Đa (37 ca); Ba Đình (31 ca), Hà Đông (31 ca); Thanh Oai (26 ca); Đan Phượng (23 ca)… Trong tuần thành phố ghi nhận thêm 24 ổ dịch sốt xuất huyết tại 14 quận, huyện.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca sốt xuất huyết của Hà Nội là 4.563 trường hợp, chưa có ca tử vong, giảm 80,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả giám sát của CDC Hà Nội tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho rằng, ngành Y tế Thủ đô cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung quyết liệt việc diệt lăng quăng, bọ gậy.
Cùng với đó, TP cần huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phòng, chống sốt xuất huyết.
Ngay trong tuần này, tại những khu vực có kết quả giám sát chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, Sở Y tế Hà Nội đề nghị phải tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao, nhằm đánh giá tình hình, từ đó triển khai các biện pháp phù hợp và kịp thời.
Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng công cộng, cống rãnh... Tuy nhiên, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, xóm ngõ hoặc sân thượng, công trình xây dựng… Vì vậy, cần loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng là nơi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.
Cần vệ sinh nhà cửa, lật úp hết nơi muỗi trú ẩn để diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành.
Ðể diệt muỗi có hiệu quả hơn, nên phun thuốc vào buổi sáng, vì loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng và thời gian trước lúc mặt trời lặn. Điều cần lưu ý, các loại thuốc phun diệt côn trùng có thời gian hiệu lực tốt trong 6 tháng kể từ khi phun.
Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Cả 4 chủng virus này đều có khả năng gây bệnh.
Vì vậy, nếu người từng mắc sốt xuất huyết, trong thời gian mắc bệnh cơ thể có thể tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, miễn dịch được tạo thành chỉ đặc hiệu đối với từng chủng riêng lẻ. Người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại chủng virus cũ nhưng vẫn có thể nhiễm chủng mới nên có thể tái mắc sốt xuất huyết.
Về điều trị bệnh, nhiều người cho rằng khi sốt xuất huyết chỉ uống bù điện giải, không nên uống nước dừa vì không có tác dụng bù nước và khó nhận biết biến chứng.
Điều này là hoàn toàn sai lầm, trong sốt xuất huyết, việc sốt cao nhiều ngày liên tục sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước, mất dịch. Việc bù dịch đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống Oresol.
Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân khó uống Oresol. Việc này có thể thay thế bằng uống nước dừa, nước cam, nước bưởi, nước chanh để bù lại lượng dịch đã mất. Hơn nữa, các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự vững bền của thành mạch.
Cảnh giác với bệnh sốt mò
Vừa qua tại khoa Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 bệnh nhân Sốt mò biến chứng suy đa tạng.
Bệnh nhân vào viện với biểu hiện sốt dài ngày, tổn thương đa cơ quan: suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương gan thận, ức chế tủy xương. Cả 2 trường hợp đã được điều trị tích cực từ tuyến dưới nhưng chưa tìm ra được căn nguyên vi sinh gây bệnh vì vậy điều trị không đáp ứng.
Các bệnh nhân chuyển lên điều trị tại khoa Hồi sức truyền nhiễm trong tình trạng suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan), các bác sỹ đã khám và phát hiện vết loét do sốt mò điển hình, được điều trị kháng sinh đặc hiệu(Doxycyclin) và điều trị hỗ trợ suy tạng. Sau điều trị bệnh nhân đáp ứng tốt, hết sốt, các tạng hồi phục dần, và được xuất viện sau 2 tuần điều trị.
Dấu hiệu có thể gợi ý bệnh nhân bị sốt mò: Dịch tễ sống hoặc có đi đến những vùng rừng, núi nhiều cây cối rậm rạp, đây là những nơi có ấu trùng mò trú ẩn
Sốt thời gian dài hay gặp từ 10 đến 14 ngày mà không có vị trí ổ nhiễm khuẩn rõ ràng
Có sưng hạch vùng ngoại vi đặc biệt tại các vùng ẩm ướt như nách, bẹn. Kèm theo đó gần vị trí nổi hạch có vết loét điển hình do mò đốt (là vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, nhẵn, bề mặt lõm, đóng vảy đen, không đau, không ngứa), tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp không phát hiện được vết loét
Theo các chuyên gia y tế, một số biện pháp phòng tránh bệnh sốt mò: Hạn chế các hoạt động trong rừng núi khi không cần thiết
Nếu bắt buộc phải sống, làm việc trong điều kiện nguy cơ cao như vậy cần các biện pháp bảo vệ cơ thể tránh bị ấu trùng mò đốt: Mặc đồ che kín cơ thể, tẩm hóa chất diệt côn trùng lên quần áo chăn màn, xịt thuốc vào không gian hoặc bôi thuốc xua đuổi côn trùng lên da.
Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Rickettsia tsutsugamushi, truyền sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng là sốt, sưng đau hạch (thường thấy ở hạch khu vực quanh vết mò đốt), phát ban ngoài da.
Biến chứng thường gặp là viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa tạng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên bệnh có thể được điều trị và phục hồi tốt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dị vật đường tiêu hóa nguy hiểm thế nào?
Ngày 19/10/2024, khoa Nội soi tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam, 38 tuổi được chuyển đến từ bệnh viện huyện Bắc Quang, Hà Giang.
Hai tuần nay bệnh nhân thấy đau bụng và khó tiêu, nội soi dạ dày ở tuyến trước thấy khối dị vật là bã thức ăn ứ đọng nhưng chưa can thiệp để lấy ra được.
Bệnh nhân đến khoa trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm nôn nhiều. Quá trình nội soi thấy khối dị vật là bã thức ăn màu vàng đặc quánh, đen đặc lòng thân vị dạ dày gây hạn chế lưu thông. Ngay lập tức, ekip tiến hành cắt nhỏ từng phần khối bã thức ăn bằng dụng cụ đặc biệt, việc “xé nhỏ” dị vật.
May mắn vì bệnh nhân được phát hiện sớm nên khối dị vật chưa gây biến chứng loét hay chảy máu dạ dày. Sau can thiệp bệnh nhân ổn định và được hướng dẫn theo dõi tại nhà.
Khai thác bệnh sử được biết gần đây bệnh nhân có ăn lượng lớn quả ngoã mật trồng tại vườn nhà cùng mật ong trong thời gian dài, đặc biệt khi đói.
Cây ngõa mật là một trong những loại trái cây nhiều chất xơ, sử dụng một lượng lớn thực phẩm có nhiều chất xơ và tanin như hồng, ổi, sung, măng có thể là một trong những nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, chúng dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc, lâu ngày to dần lên gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, nôn buồn nôn, chảy máu tiêu hoá do loét ở vị trí cọ sát tỳ đè, tắc ruột,…
Do vậy, mọi người nên hạn chế sử dụng thức ăn chứa nhiều chất xơ và tanin, nhất là không nên ăn khi đói, ăn chậm nhai kỹ và uống nhiều nước.
Nếu gặp tình trạng đau bụng, buồn nôn sau khi vô tình nuốt phải mảnh thức ăn lớn hoặc ăn các chất chát dính thì nên đến cơ sở y tế uy tín để sớm phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.