Tỷ lệ mắc Glaucoma cao
Thuật ngữ “Glaucoma” (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Glaucoma là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn.
Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù lòa do Glaucoma bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Glaucoma đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, chưa có điều tra toàn quốc về căn bệnh này, tuy nhiên kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Mắt Trung ương hiện vài năm trước đối với nhóm người trên 35 tuổi tại tỉnh Thái Bình và Nam Định cho thấy, có 94% người dân tham gia khám sàng lọc còn lơ mơ hoặc không biết gì về bệnh Glaucoma.
Tỷ lệ Glaucoma trong một số cộng đồng dân cư nghiên cứu chiếm tới 2,2% (ở Nam Định) và 2,4% (tại Thái Bình).
Một vấn đề đáng báo động là người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glaucoma do sử dụng corticoid kéo dài.
Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Nếu dùng những thuốc này trong thời gian dài, có thể dẫn đến mắt bị Glaucoma.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cũng chỉ rõ: Bệnh nhân bị Glaucoma góc mở, có tiền sử tra mắt bằng thuốc có chứa corticoid kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma nhập viện khi bệnh đã trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp, nguy cơ mù lòa cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao.
Các chuyên gia lĩnh vực nhãn khoa cho biết: Những người thường có nguy cơ mắc bệnh Glaucoma trong độ tuổi trên 40 (tuổi càng cao, khả năng bị Glaucoma càng lớn); những người ruột thịt của bệnh nhân Glaucoma (yếu tố di truyền); bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp; những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu… là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glaucoma.
Một số triệu chứng lâm sàng thường gặp khi mắc căn bệnh này là: Bệnh thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh.
Biểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn xương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay.
Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết dử mắt, mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục…
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi có những triệu chứng như trên người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời. Mục đích điều trị Glaucoma nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác.
Bệnh nhân khi đã mắc bệnh Glaucoma nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Nguy cơ mù lòa vì virus herpes
Một bệnh nhân tại TP.HCM đến bệnh viện trong tình trạng vùng da trên mí mắt phải mọc nhiều mụn nước lan rộng thành chùm, sưng đau rát, cộm ngứa, một số mụn nước bị loét, rỉ dịch… Bệnh nhân cho biết, hốc mắt phải bỗng nhiên nổi những mụn đỏ nhỏ sau một lần đi tập thể dục buổi sáng ở công viên.
Nghĩ bị kiến ba khoang đốt, bà vệ sinh mắt bằng nước muối, bôi một loại thuốc mỡ kháng sinh cho mắt nhưng tình trạng không cải thiện. Ngày thứ 3, vùng mí mắt mọc mụn nước, lan rộng và rỉ dịch, gây sưng mắt, phù mi trên khiến bà có cảm giác nặng mi.
Người bệnh được kê thuốc uống kháng virus nhằm giảm khả năng lây truyền HSV trong đợt bệnh và ức chế virus trong cơ thể, thuốc giảm đau và thuốc bôi làm lành da. Sau 6 ngày, tình trạng sưng đau, nặng mắt giảm, chùm mụn rộp khô dần, lành tốt.
Theo một báo cáo hồi tháng 1/2024 của Thư viện Y học quốc gia Mỹ, khoảng 1,5 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh viêm giác mạc do herpes.
Trong đó, có 40.000 trường hợp mới bị suy giảm thị lực một mắt nghiêm trọng hoặc mù lòa mỗi năm. Có tới 60% ca loét giác mạc ở các nước đang phát triển là do virus herpes simplex và 10 triệu người trên toàn thế giới có thể mắc bệnh herpes ở mắt.
Theo các bác sĩ của Bệnh việnh Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, herpes là bệnh da liễu rất thường gặp ở cả nam và nữ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 3,7 tỷ người dưới 50 tuổi (67%) bị nhiễm HSV type 1 trên toàn cầu. Cũng như lậu, giang mai, chlamydia trachomatis… HSV cũng là bệnh lây lan qua đường tình dục (STIs).
Người bệnh HSV còn lây lan sang người khác qua qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các vết lở loét sau khi các mụn nước bị vỡ. Sinh con qua ngả âm đạo, ôm hôn, da chạm da, dùng chung dao cạo râu, dụng cụ làm móng, xăm môi… là các đường lây truyền bệnh herpes phổ biến.
Trẻ em dễ bị nhiễm HSV từ bố mẹ, người thân qua các sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày. Đặc biệt, có nhiều người nhiễm bệnh hàng chục năm nhưng không có triệu chứng mụn rộp đặc trưng (người lành mang bệnh).
Như trường hợp bệnh nhân B., rất khó để xác định nguồn lây. Có thể người bệnh nhiễm từ người khác, hoặc đã mắc bệnh trước đó. Khi gặp điều kiện thuận lợi như có vết thương hở vùng mắt do cào gãi, côn trùng đốt, hoặc hệ miễn dịch suy giảm… khiến virus tiềm ẩn bùng phát gây bệnh.
Với người nhiễm HSV, hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các thuốc kháng virus (kháng siêu vi) phát huy tác dụng tốt nhất trong 72 giờ “vàng” đầu tiên sau khi triệu chứng khởi phát.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo nếu có các bất thường ở vùng mắt như nổi mụn nước thành cụm, đau rát, ngứa, sưng nề… cần tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Không tự chữa bệnh bằng mẹo như: đắp cơm nóng, lá trầu, hơ đũa bếp hoặc tự mua thuốc uống… có thể khiến bệnh nặng hơn.
Người mắc HSV, nhất là ở vùng sinh dục có nguy cơ cao bội nhiễm (nhiễm thêm virus, vi khuẩn, vi nấm) hoặc tăng nguy cơ mắc STIs.
Người suy giảm miễn dịch như: mắc bệnh tiểu đường, ung thư, đang xạ trị, hóa trị, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, người nhiễm HIV… khi mắc HSV sẽ dễ bị tái phát và trở nặng hơn. Phụ nữ nhiễm HSV nên cần thăm khám da liễu trước khi sinh thường để lên phương án điều trị, tránh lây nhiễm cho trẻ.