Nguy hiểm khi bỏ điều trị tiểu đường
Anh H.M. (51 tuổi, Gia Lai) nhập viện trong tình trạng ngón áp út chân phải sưng to, đau nhức, mưng mủ. Anh tự mua kháng sinh về uống, dùng thuốc sát khuẩn bôi nhưng không đỡ; đến khi ngón chân sưng to hơn, thâm tím anh mới tới bệnh viện tỉnh. Vì nhập viện trễ, ngón chân đã hoại tử nhiều, phải cắt cụt ngón chân.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân tiểu đường. |
Về nhà, anh M. tự ngâm ngón chân vừa cắt cụt vào nước muối với ý nghĩ cho mau lành. Nhưng chưa được một tuần, da bàn chân của anh bong tróc, sưng phù, đau không đi được, vết thương bốc mùi thối rữa. Anh được vợ và hàng xóm cõng ra bến xe, đưa tới Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.
Tiến sĩ bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết anh M. nhập viện trong tình trạng sốt cao, chân đau nhức không thể đi, phải ngồi xe lăn, vết thương ngón chân bị cắt cụt nhiễm trùng nặng, rỉ mủ.
Kết quả siêu âm cho thấy các mạch máu ở cẳng chân đã hẹp, xơ vữa do kiểm soát đường huyết không tốt trong thời gian dài. Nếu không được xử lý, vết hoại tử có thể lan rộng dẫn đến nguy cơ cắt cụt nguyên bàn chân ở vị trí cao hơn.
Ngay lập tức, người bệnh được truyền kháng sinh mạnh, cắt lọc các mô hoại tử, làm sạch vết thương nhiều lần. Bên cạnh đó, mỗi bữa ăn tại bệnh viện của anh M. đều được bác sĩ điều chỉnh để tránh tăng đường huyết quá mức; đồng thời hiệu chỉnh liều thuốc kiểm soát đưa đường huyết về mức ổn định. Sau 2 tuần, anh M. hết đau nhức, vết thương lành lặn và được về nhà.
TS.Trần Hữu Thanh Tùng dặn anh M. uống thuốc đều đặn và tái khám thường xuyên để kiểm tra tình trạng bệnh. Không tự xử lý vết thương tại nhà, đặc biệt không ngâm vết thương với nước muối vì có thể gây nhiễm trùng nặng, thậm chí có thể phải cắt cụt hết bàn chân.
Anh M. phát hiện bị đái tháo đường vào năm 2019 trong lúc nhập viện do tai nạn giao thông. Khi đó, vết thương ở mũi của anh chảy máu nhiều, nhiễm trùng lâu lành do bệnh đái tháo đường. Khi ra viện, bác sĩ dặn anh uống thuốc đái tháo đường thường xuyên. Tuy nhiên, sau 1 năm anh thấy sức khỏe bình thường nên bỏ uống thuốc.
Qua trường hợp nêu trên bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không bỏ điều trị, tự điều chỉnh liều lượng thuốc hay đổi thuốc. Khi có vết thương ở chân, không tự ý điều trị vết thương tại nhà và tuyệt đối không ngâm chân vào nước muối hoặc nước nóng.
Với người có sức khỏe bình thường, việc ngâm chân vào nước ấm, nước muối có một số lợi ích nhất định. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường không nên ngâm chân vào nước nóng vì có thể gây bỏng chân. Bởi người đái tháo đường có thể mất cảm giác bàn chân, không cảm nhận được nhiệt độ của nước.
Ngâm chân (kể cả với nước muối) trong môi trường nước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, nồng độ muối trong nước quá cao cũng gây tác dụng ngược ảnh hưởng tới vết thương gây nhiễm trùng, hoại tử, tăng nguy cơ cắt cụt chân do biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Những người bệnh đái tháo đường lâu năm nếu kiểm soát đường huyết không tốt sẽ gây ra một loạt tổn thương lên mạch máu lớn, nhỏ, thần kinh; trong đó có mạch máu nuôi và thần kinh của chân. Kèm tình trạng đường huyết cao khi có cơ hội (vết xước, vết thương hở trên da), vi khuẩn dễ xâm nhập, sinh sôi với tốc độ nhanh chóng gây viêm, nhiễm trùng, hoại tử, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Tùng khuyên: khi có vết thương nhẹ, người bệnh đái tháo đường có thể sơ cứu trước khi tới bệnh viện với các bước sau: cầm máu, rửa sạch vết thương, sát trùng, băng bó vết thương.
Người bệnh đái tháo đường không nên bỏ qua mọi dấu trầy xước, vết thương nào trên cơ thể, đặc biệt ở bàn chân. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần tới bệnh viện để được bác sĩ khám, điều trị sớm, phòng biến chứng.
Phát hiện nhiễm ký sinh trùng khi điều trị ho kéo dài
Bệnh nhân H.T.H (44 tuổi, Nghệ An) bị ho nhiều và đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Dù đã đi khám và điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nhưng tình trạng ho dữ dội của chị H. chưa dứt điểm. "Mỗi đợt ho, tôi có thể ho cả tiếng không dứt, thậm chí không kiểm soát được cả việc đi tiểu lúc ho", chị H. cho hay.
Sợ mang bệnh trọng như ung thư, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Kết quả khám cho thấy phổi của chị H. không có tổn thương khu trú (u cục).
Tuy nhiên, qua kết quả xét nghiệm máu có tăng bạch cầu ái toan, bác sĩ nghi ngờ chị có nhiễm ký sinh trùng nên giới thiệu chị sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám chuyên sâu.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho hay, bệnh nhân H. vào viện trong tình trạng ho kéo dài hơn một năm, ho không có đờm, không sốt.
Khi tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, kết quả xét nghiệm cho thấy chị dương tính với 3 loại ký sinh trùng là giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, giun đầu gai.
Sau khi điều trị 2 đợt thuốc, tình trạng ho của bệnh nhân đã thuyên giảm. Sau 1 tháng uống thuốc, bệnh nhân đã âm tính với sán lá gan, giun đầu lươn, triệu chứng ho giảm tới 80-90%.
Tuy nhiên, ở tháng thứ 2 sau điều trị, những cơn ho quay lại hành hạ chị H. Trong lần tái khám, chị phát hiện mình mắc thêm bệnh sán lá phổi.
"Mặc dù không phải ung thư, nhưng việc nhiễm tới mấy loại ký sinh trùng tôi rất lo lắng, sụt cân. Không ngờ việc ăn nhiều rau sống, rau thủy canh khiến tôi bị tình trạng bệnh lý như vậy", chị H. chia sẻ.
Theo TS.Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ký sinh trùng rất đa dạng, nhiều loại. Nên có những người không nghĩ mình mắc bệnh vẫn có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ thói quen ăn uống, vật nuôi trong nhà.
Theo bác sĩ Thu Phương, một người có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng cùng một lúc. Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng có thể đến từ ăn uống, lao động không dùng các biện pháp phòng hộ,...
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, nhất là qua thực phẩm, mọi người cần: Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông.