Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 30/12: Phòng khám Thẩm mỹ Rita bị đình chỉ hoạt động
D.Ngân - 30/12/2024 09:23
Công ty TNHH Phòng khám Thẩm mỹ Rita vừa bị phạt 147 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng vì các hành vi vi phạm như không lập sổ khám bệnh đầy đủ, không có giấy phép hoạt động và quảng cáo dịch vụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Từ ngày 22 đến ngày 28/12/2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và các dịch vụ liên quan.

Xử phạt nhiều cơ sở y tế tư nhân vi phạm pháp luật

Ngày 26/12/2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra cơ sở tại số 17 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, nơi có 2 đơn vị đăng ký kinh doanh, gồm Hộ kinh doanh Lê Thu Trang và Công ty TNHH Phòng khám quốc tế VHAN. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng như kinh doanh không có giấy phép hoạt động hợp pháp.

Trong đợt kiểm tra này, nhiều cơ sở kinh doanh thẩm mỹ bị xử phạt.

Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trái phép. Quảng cáo sai sự thật về dịch vụ "giảm béo", gây thiệt hại cho khách hàng, trong đó có người khai báo thiệt hại lên tới 750 triệu đồng.

Điều đáng chú ý là cơ sở này đã từng bị xử phạt nhưng tiếp tục tái phạm và thay đổi tên, đồng thời có liên hệ với các cơ sở khác cũng bị Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý. Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều cơ sở vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, cụ thể như sau:

Công ty TNHH Phòng khám Thẩm mỹ Rita (314 Cao Thắng, phường 12, quận 10) bị phạt 147 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng vì các hành vi vi phạm như không lập sổ khám bệnh đầy đủ, không có giấy phép hoạt động và quảng cáo dịch vụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Hộ kinh doanh Lyn Beauty Spa (122 Xóm Chiếu, phường 14, quận 4) bị phạt 26,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng do vi phạm trong việc sử dụng thuốc, chất và thiết bị can thiệp vào cơ thể người và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Nha khoa Tân Đông (10/1 Trịnh Thị Dối, huyện Hóc Môn) bị phạt 45 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh khi không có giấy phép hoạt động.

Thẩm mỹ Blue Sky (17E Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận) bị phạt 19,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề 6 tháng do vi phạm quy chế hồ sơ bệnh án và không bảo đảm đầy đủ thuốc thiết yếu.

Công ty TNHH An House Spa (35 Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) bị phạt 95 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng vì vi phạm trong việc sử dụng thuốc và quảng cáo dịch vụ chưa được cấp phép.

Công ty TNHH Vincare's (114 Ngô Quyền, quận 5) bị phạt 45 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép.

Công ty TNHH Master Vũ Vương (37 Hoa Hồng, quận Phú Nhuận) bị phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng vì vi phạm sử dụng thuốc và thiết bị can thiệp vào cơ thể người, quảng cáo dịch vụ không có giấy phép.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Long Group (89 Nguyễn Văn Thương, quận Bình Thạnh) bị phạt 70 triệu đồng vì quảng cáo thực phẩm và mỹ phẩm có tác dụng chữa bệnh mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Công ty TNHH La Beauté (177/21 đường 3/2, quận 10) bị phạt 60 triệu đồng vì kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng và không an toàn cho người sử dụng.

Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Lê Vân (2B31/1 ấp 2, huyện Bình Chánh) bị phạt 180 triệu đồng vì vi phạm trong quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm và sản xuất thiết bị y tế khi chưa thực hiện thủ tục công bố.

Công ty TNHH Sally Group (90 đường số 11, quận Gò Vấp) bị phạt 57,5 triệu đồng vì vi phạm về nhãn hàng hóa và quảng cáo sản phẩm không đúng quy định.

Công ty TNHH Một thành viên Dược liệu Thuận Phát (47 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5) bị phạt 5,6 triệu đồng vì bán dược liệu không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan (Hộ kinh doanh nhà thuốc số 16, quận Bình Thạnh) bị phạt 800.000 đồng vì kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân khi lựa chọn cơ sở y tế, thẩm mỹ, khám bệnh, chữa bệnh cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng dịch vụ.

Người dân có thể tra cứu thông tin cơ sở y tế tại https://tracuu.khambenh.gov.vn hoặc liên hệ với Sở Y tế qua đường dây nóng 0989.401.155 để cung cấp thông tin giúp Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường y tế an toàn và minh bạch.

TP.HCM: Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025.

Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm giả, kém chất lượng. Công tác này nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dịp lễ Tết và các lễ hội Xuân sắp tới.

Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được triển khai từ ngày 20/12/2024 đến hết ngày 25/3/2025 trên toàn địa bàn TP.HCM. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại tất cả các tuyến, từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Một trong những mục tiêu quan trọng là kiểm soát an toàn thực phẩm trong các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả và phụ gia thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng sẽ được giám sát chặt chẽ, nhằm phát hiện và ngừng ngay các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra các làng nghề chế biến thực phẩm và các sản phẩm có yếu tố nguy cơ cao về an toàn thực phẩm trong dịp lễ Tết, bao gồm cả việc ngăn chặn ngộ độc thực phẩm do rượu methanol và các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Công tác kiểm tra cũng sẽ bao gồm việc kiểm soát an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhằm bảo đảm thực phẩm tiêu thụ trên thị trường là an toàn, chất lượng.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kêu gọi các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố tham gia tích cực trong công tác truyền thông, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và người kinh doanh về các quy định và yêu cầu an toàn thực phẩm trong dịp lễ Tết và mùa lễ hội.

Các đơn vị cũng sẽ công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phương tiện truyền thông sẽ được huy động để phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến lĩnh vực này.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Các cơ quan chức năng sẽ kịp thời cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2025 và mùa lễ hội Xuân.

Người dân có thể tham gia phòng ngừa vi phạm về an toàn thực phẩm qua các kênh thông tin của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM để hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm và đảm bảo sức khỏe cộng đồng trong dịp Tết.

Thanh Hóa: Xử phạt và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở khám chữa bệnh không phép

Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở khám chữa bệnh hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền xử phạt lên tới 90 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động của cả hai cơ sở trong 18 tháng.

Cụ thể, cơ sở Incheon Healthcare do ông Tống Văn Hưng (sinh năm 1972, địa chỉ tại 20/318/99, đường La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) làm chủ, đã bị xử phạt 45 triệu đồng.

Cơ sở này hoạt động tại số 15 Nguyễn Cẩn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

Tương tự, cơ sở EMC Health Care do bà Lê Thị Nga Dung (sinh năm 1986, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) làm chủ, đã bị xử phạt 45 triệu đồng vì cũng hoạt động khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. Cơ sở này tọa lạc tại số 04, Bùi Khắc Nhất, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Cả hai cơ sở đều bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 18 tháng kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.

Trước đó, Sở Y tế Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất hai cơ sở này. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở đang cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho khách hàng mà không có giấy phép hoạt động hợp pháp.

Ngoài ra, các cơ sở này còn sử dụng thiết bị y tế để phục vụ điều trị, trong khi nhân viên tại đây không thể cung cấp bằng cấp chuyên môn phù hợp. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Trong tháng 1/2024 đến nay, đã có 53 trường hợp vi phạm được xử lý, với tổng số tiền phạt lên đến gần 700 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm này liên quan đến các cơ sở y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khám chữa bệnh răng hàm mặt.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Thanh Hóa cũng thực hiện công khai các thông tin vi phạm trên website, Fanpage và các nhóm Zalo, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong việc lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh uy tín và tuân thủ quy định pháp luật.

Khuyến cáo từ Sở Y tế Thanh Hóa: Người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin cơ sở y tế trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở không có giấy phép hoạt động hợp pháp, để tránh những rủi ro về sức khỏe và quyền lợi.

Tin liên quan
Tin khác