Tưởng mắc dạ dày không ngờ lại bị nhồi máu cơ tim
Đa số các trường hợp nhồi máu cơ tim có triệu chứng điển hình, dễ nhận biết thông qua dấu hiệu lâm sàng như đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi…
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, một số bệnh nhân không có những triệu chứng này, làm chậm trễ quá trình cấp cứu, chẩn đoán và điều trị.
Thống kê cho thấy cứ 3 người bị nhồi máu cơ tim nhập viện thì có một người không bị đau ngực. Bệnh nhân có tiền sử trào ngược dạ dày - thực quản hơn 3 năm. Cách nhập viện một tuần, bà bị khó tiêu, chướng hơi, tưởng đây là triệu chứng của bệnh dạ dày tái phát nên uống thuốc theo toa cũ.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đây bà hay bị trào ngược, thỉnh thoảng đau bụng, ợ hơi lại tự đi mua thuốc, uống vài ngày là khỏi, nhưng lần này triệu chứng không giảm sau một tuần, cơn đau bụng âm ỉ không dứt, trầm trọng hơn sau khi ăn. Bà đến bệnh viện khám.
Bác sỹ Dương Thanh Trung, khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, nhận định bà Tâm đến viện trong trạng thái tỉnh táo, không đau ngực hay khó thở, chỉ đau âm ỉ vùng trên rốn, cảm giác căng tức bụng. Điều này khiến các bác sĩ nghĩ tới tình huống nhồi máu cơ tim cấp.
Thông thường, nhồi máu cơ tim ở phụ nữ lớn tuổi ít biểu hiện dấu hiệu điển hình, người bệnh thường có triệu chứng bệnh tiêu hóa như trào ngược, khó tiêu, đau thượng vị.
Bệnh nhân được chỉ định đo điện tim, xét nghiệm men tim, siêu âm tim tầm soát. Kết quả xác định nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên.
Đây là một biểu hiện của hội chứng mạch vành cấp tính, xảy ra khi tổn thương mạch vành gây tắc nghẽn một phần, dẫn đến nhu cầu oxy của tim không được đáp ứng, làm hoại tử cơ tim và có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo bác sỹ Minh, các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có biểu hiện rất khác nhau về triệu chứng và mức độ. Đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất ở cả hai giới.
Đối với phụ nữ, dấu hiệu thường ít điển hình hơn bao gồm khó thở, đau hàm, đau vùng lưng, choáng váng, buồn nôn và nôn.
Cá biệt có trường hợp triệu chứng giống với bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản như nữ bệnh nhân, hoặc tương tự biểu hiện của bệnh cúm.
Điều này rất nguy hiểm vì khiến bệnh nhân lầm tưởng, nhất là những người có tiền sử bệnh tiêu hóa, hô hấp.
Họ tự ý mua thuốc uống, một thời gian dài không khỏi mới đến viện thì đã bỏ lỡ giờ vàng, làm giảm hiệu quả điều trị thậm chí để lại biến chứng sau nhồi máu cơ tim.
Thực tế, khoảng 5% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có thể bị sốc tim với tỷ lệ tử vong là 40-50%. Nhận biết triệu chứng cảnh báo đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh được điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim cấp.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu điển hình (đau nặng ngực lan đến vai, cổ, hàm hoặc lưng, khó thở, buồn nôn, choáng váng, chóng mặt) và không điển hình (đau vùng thượng vị, nôn ói, khó tiêu, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi), nên đến bệnh viện khám ngay.
Cảnh báo biến chứng bệnh sởi
Sau 10 ngày sốt, bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn.
10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi và sung huyết vùng kết mạc mắt. Bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau ở hiệu thuốc gần nhà về uống nhưng không thấy có cải thiện.
Sau 6 ngày tự uống thuốc điều trị tại nhà, bệnh nhân vẫn đau đầu, sốt cao, người mệt nhiều, khó thở, sung huyết kết mạc mắt gây khó chịu nhiều và xuất hiện ban đỏ ở vùng đầu, mặt sau lan xuống vùng cổ, ngực.
Bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế tuyến dưới và được chuyển đến Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khi nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân vẫn sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng.
Sau một ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân tiếp tục chuyển biến nặng hơn với tình trạng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực can thiệp hỗ trợ thở ô-xy lưu lượng cao và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn.
Các triệu chứng bệnh sởi được xác định rõ ràng, xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh sởi. Cùng với biến chứng viêm phổi do virus sởi gây ra kèm theo tiêu chảy, biểu hiện nhiễm trùng của bệnh nhân cũng có xu hướng tăng.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều, mức độ suy hô hấp đã được cải thiện rõ rệt, các chỉ số đã về mức ổn định, ban nổi toàn thân,
Bác sỹ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virus sởi gây nên, lây qua đường hô hấp. Sởi có các biểu hiện sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, tiêu hóa.
Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não. Bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra.
Người lớn mắc bệnh sởi thường gặp ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ là những người chưa bao giờ tiêm vắc-xin phòng sởi; người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; những người có bệnh nền và bệnh suy giảm miễn dịch; điều trị hóa chất, ung thư…
Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.
Bác sỹ Phúc khuyến cáo, hiện nay trên thế giới có nhiều loại vắc-xin sởi được sản xuất dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc-xin đôi phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella).
Sau khi tiêm, vắc-xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi... Vì vậy, để phòng bệnh sởi người dân nên đi tiêm phòng vắc-xin sởi.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục tăng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua, toàn Thành phố ghi nhận 612 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 110 trường hợp so với tuần trước (502 trường hợp, 0 tử vong).
Số ca mắc phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông 74 ca mắc; Cầu Giấy, Thanh Oai đều ghi nhận 43 ca; Nam Từ Liêm (41); Đống Đa (36); Ba Đình (33); Thanh Xuân (27); Thường Tín, Hai Bà Trưng (26); Hoàng Mai, Đan Phượng (22); Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Thanh Trì (20).
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân: Quan Hoa (Cầu Giấy) và Yên Nghĩa (Hà Đông) đều ghi nhận 16 ca; Tự Nhiên (Thường Tín), Khương Đình (Thanh Xuân), Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) mỗi nơi 11 ca; Vạn Thái (Ứng Hòa) 10 ca; Văn Chương (Đống Đa), Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), Hữu Bằng (Thạch Thất) đều ghi nhận 9 ca.
Cộng dồn 2024, toàn Thành phố ghi nhận 5.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023 (28.483/4).
Về ổ dịch sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 26 ổ dịch tại 13 quận, huyện: Thanh Oai 5; Hoàn Kiếm 4; Phú Xuyên 3; Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Gia Lâm, Phúc Thọ mỗi nơi 2; Ba Đình, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thanh Trì mỗi nơi 1. Cộng dồn 2024, toàn TP ghi nhận 301 ổ dịch, còn 48 ổ dịch đang hoạt động.
Ngành y tế Thủ đô cũng đã thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; tiếp tục giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi-rubella tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện công tác thống kê báo cáo theo quy định.
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hàng năm.
Trong tuần tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục thường trực bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các đơn vị tăng cường các hoạt động chuyên môn giám sát, phát hiện, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân.
Ngoài ra, ngành y tế chú trọng truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng, não mô cầu...
Với các bệnh có vắc-xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.