Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 8/5: Điều trị tích cực cho nạn nhân ngộ độc thực phẩm
D.Ngân - 08/05/2024 10:53
Một gia đình có 10 người nằm trong hơn 500 người ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai, vừa được điều trị tích cực tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.

Nỗ lực điều trị cho bệnh nhân ngộ độc

Sáng 7/5, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (42 tuổi, Đồng Nai) vui mừng cho biết, 4 chị em chị nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM từ ngày 1/5 đang chuẩn bị làm thủ tục để ra viện. Sáu người còn lại được điều trị tại bệnh viện địa phương, trong đó mẹ chị Thảo có triệu chứng nhẹ nên được theo dõi tại nhà.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện.

Chị Thảo cho biết, chiều ngày 30/4, gia đình chị mua 10 ổ bánh mì từ tiệm bánh mì Băng ở TP. Long Khánh về dùng. Bữa ăn đó có chị, mẹ ruột, em gái, em trai, em dâu, 3 chị em con cậu và 2 người phụ việc cho gia đình.

Chị Thảo, em gái, em dâu và mẹ chị mỗi người chỉ ăn nửa ổ bánh mì, còn lại mỗi người một ổ. Tối hôm đó, em trai chị Thảo có triệu chứng ngộ độc lúc nửa đêm, sau đó em gái cũng có triệu chứng tương tự lúc 2 giờ sáng.

Cả hai đều đau bụng đi tiêu chảy liên tục, nôn ói, sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ. Lúc này, tình trạng sức khỏe của hai chị em đều nặng, người mệt lả, chóng mặt, có lúc cảm thấy mờ mắt dù đã truyền nhiều dịch và chăm sóc tích cực tại bệnh viện địa phương. Gia đình quyết định chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.

Đến ngày hôm sau, 2/5, chị Thảo, em dâu, mẹ chị và những người còn lại đều có triệu chứng ngộ độc, phải nhập viện. Chị Thảo và em dâu có triệu chứng muộn hơn, lúc đầu chỉ là cơn đau quặn bụng, nhưng lúc sau tăng lên, kèm sốt lạnh run, tiêu chảy, nhức đầu, nôn ói liên tục, ho nhiều đuối sức, được người nhà tức tốc đưa lên Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM cấp cứu vào chiều và tối ngày 2/5.

Ngay khi nhập viện, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Trí, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, nhận thấy đây có thể là biểu hiện của tình trạng ngộ độc thực phẩm vì có nhiều người trong gia đình cùng ăn món bánh mì và có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt giống nhau.

Bệnh nhân được làm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, soi phân. Kết quả, bạch cầu và CRP trong máu tăng cao cho thấy có tình trạng nhiễm trùng, siêu âm có ứ dịch các quai ruột, dày thành ruột, điều này cho thấy bệnh nhân viêm dạ dày ruột cấp cần nhập viện để theo dõi và điều trị.

Bốn chị em chị Thảo được bác sĩ chẩn đoán viêm ruột do ngộ độc thực phẩm nên đã được tích cực điều trị, dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch, dùng men tiêu hóa, thuốc chống co thắt ruột, thuốc bảo vệ niêm mạc đường ruột.

Trong quá trình điều trị, người bệnh còn xuất hiện tình trạng nặng ngực, khó thở nên đã được theo dõi sát và đánh giá, theo dõi chức năng hô hấp, và các biến chứng tim mạch kèm theo. Sau 4 ngày điều trị, 4 chị em sức khỏe ổn định, được xuất viện trong tình trạng gần như hồi phục hoàn toàn.

Đây là 10 người ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Băng ở TP Long Thành, Đồng Nai vào hai ngày 30/4 và 2/5 vừa qua.

Hiện ghi nhận hơn 560 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Trong số ngộ độc có 12 ca nặng phải chuyển viện tuyến trên. Nặng nhất là bé trai 6 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, vẫn hôn mê sâu, thở máy, lọc máu. Một trường hợp nặng khác là bệnh nhi 7 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện sức khỏe tiến triển hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, trường hợp 4 chị em nhập viện kịp thời, được bác sĩ tích cực điều trị nên đã vượt qua được giai đoạn nguy nan, sức khỏe dần ổn định.

Cả 4 chị em được chẩn đoán là viêm dạ dày ruột do ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do ăn phải thực phẩm nhiễm độc, quá trình nhiễm độc của thức ăn có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào từ quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng thực phẩm, như ô nhiễm nước, đất, không khí, cũng như việc bảo quản và chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày khi sử dụng thực phẩm nhiễm độc và thường có triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như tiêu chảy, đau bụng, sốt, nôn ói, đau đầu, đau cơ.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh như lượng độc tố ăn phải, cũng như sức khỏe của từng người. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi trong vòng 48 giờ.

Tuy nhiên, nếu thấy các triệu chứng ngộ độc kéo dài cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị, phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng như mất nước, nhiễm trùng huyết, sốc…

Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu ngoài biểu hiện ở đường tiêu hóa và kèm theo các triệu chứng như rối loạn thần kinh (đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt), rối loạn tim mạch, có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng)…

Bác sĩ Trí cũng cho biết thêm, ngộ độc thực phẩm là tình trạng thường xuyên xảy ra đặc biệt là trong mùa nắng nóng kéo dài, thức ăn dễ bị ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn nếu không được quản lý thích hợp.

Tình trạng này đã xảy ra nhiều nơi và gây ra những vụ dịch lớn nghiêm trọng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 600 triệu ca bệnh được ghi nhận (gần 1/10 người dân số thế giới) và 420.000 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (hoặc độc tố của chúng), chất độc hóa học, chất độc tự nhiên có trong thực phẩm.

Để phòng ngừa bệnh lý này, mọi người cần lưu ý ăn uống vệ sinh, an toàn thực phẩm, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đặc biệt, khi thấy những triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài lâu hơn 2-3 ngày, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Hai tình huống nếu có cục máu đông sau tiêm vắc-xin Covid-19

AstraZeneca mới đây đã thừa nhận vắc-xin Covid-19 của mình có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây ra các cục máu đông. Đây là nguyên nhân gây tắc mạch máu, dẫn đến suy giảm trí nhớ, đau đầu, đau tim, thậm chí đột quỵ.

Tại Việt Nam, AstraZeneca là vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm đầu tiên và nhiều nhất. Thừa nhận gần đây của hãng dược phẩm này khiến không ít người hoang mang vì đã tiêm từng tới 2 mũi vắc-xin AstraZeneca.

Thậm chí, trên mạng xã hội, một số ý kiến còn cho rằng những ai từng tiêm vắc-xin này nên đi xét nghiệm D-dimer hoặc các xét nghiệm đông máu khác để yên tâm.

D-dimer là một xét nghiệm sinh hóa, được dùng để kiểm tra tình trạng huyết khối trong máu. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, việc làm này là không cần thiết, hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở khoa học, tốn thời gian và tốn tiền.

Bác sĩ cho hay tác dụng phụ gây đông máu và giảm tiểu cầu ở vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca chỉ xảy ra với xác suất rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ người bị tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin hãng này là rất hiếm.

Bên cạnh đó, D-dimer sinh ra trong quá trình cục máu đông trong cơ thể phân hủy và tan rã. Quá trình tạo và tan cục máu đông diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ.

Có 2 tình huống nếu một người gặp tác dụng phụ gây đông máu sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Trường hợp đầu tiên là cục máu đông lớn, gây biến cố như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ nhồi máu cơ tim... Lúc này, người bệnh có thể biết ngay mình cótác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca.

Trường hợp 2 là cục máu đông nhỏ. Lúc này, cục máu đông sẽ tan dần, thường sau tối đa 4 tuần là không còn nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer trong máu.

Do đó, việc xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca..

Việc xét nghiệm có thể có ý nghĩa nếu mọi người làm xét nghiệm trong vòng 6-8 tuần sau khi tiêm. Ngoài ra, xét nghiệm D-dimer chỉ có chỉ số cao đối với các bệnh nhân tắc tĩnh mạch chi, tắc mạch phổi, đông máu rải rác động mạch hoặc đột quỵ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho hay, người dân đã tiêm vắc-xin cách đây 2 năm không cần quan tâm về tác dụng phụ này nữa, bởi chúng chỉ xảy ra trong vòng 90 ngày sau tiêm.

Ông cũng cho hay một người bình thường vẫn có hiện tượng tăng đông, ví dụ khi bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, cũng gây tiểu cầu thấp. Người dân không nên khi gặp trường hợp này lại "đổ thừa" cho việc từng tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

"Nếu quá lo sợ, bạn có thể đi tầm soát bệnh đột quỵ để theo dõi các chỉ số mỡ máu, huyết áp. Khi có hiện tượng tắc mạch, người dân phải khám chuyên sâu hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác