Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 9/4: Triển khai mô hình can thiệp, phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh
D.Ngân - 09/04/2024 09:14
Sở Y tế Hà Nội vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2025.

Can thiệp, phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh, kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017 - 2021 tại 90 trường, các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017 - 2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh); học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8%, trung học cơ sở là 16,8%, trung học phổ thông là 11,3%.

Tỷ lệ học sinh gia tăng nhanh theo các năm, thừa cân béo phì ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành, trong đó một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân béo phì lên tới 55,7%.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế Hà Nội với Sở GD&ĐT Hà Nội trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng; phòng, chống tai nạn thương tích; đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây, thừa cân béo phì.

Ảnh minh hoạ

Theo đó, liên ngành Sở Y tế Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 4342/KHLN-YT-GDĐT về việc triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2025.

Mục tiêu của mô hình này nhằm nâng cao nhận thức, hành vi về dinh dưỡng hợp lý của phụ huynh, học sinh và nhà trường trong phòng, chống thừa cân, béo phì, chủ động phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây lúc trường thành

Mô hình sẽ thực hiện 5 mục tiêu gồm đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp.

Cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành Y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân béo phì tại trường học và gia đình. Tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp.

Giai đoạn này được thực hiện tại Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm); Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông)...

Cảnh báo sản phẩm thực phẩm vi phạm quy định về quảng cáo trên một số website

Qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện website: vanxuantonuplus.vn quảng cáo phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vạn Xuân Tố Nữ Plus, website duocphamthanhmong.com quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus do Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma (địa chỉ: Mỹ Gia 3-24, Vinhomes Bến Đoan, Phường Bạch Đằng, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm và đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Mong, Giám đốc Công ty khẳng định Công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhi đồng 2 được công nhận đủ điều kiện ghép tạng từ người hiến sống và người hiến chết não

Ghép tạng là phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế cơ quan bệnh bằng cơ quan tương ứng của người khác.

Đây được coi là biện pháp điều trị cuối cùng, mang lại sự sống cho các bệnh suy chức năng tạng giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị bảo tồn như suy thận mạn, một số bệnh gan mạn tính, bệnh chuyển hóa, cũng như các bệnh lý ác tính. Các cơ quan có thể thay thế, cấy ghép có thể kể đến: tim, thận, gan, phổi, ruột, tụy và tủy xương.

Trên đối tượng bệnh nhân trẻ em, ghép thận được thực hiện rất có hiệu quả trên những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, những bất thường bẩm sinh của thận hoặc đường tiết niệu, hay xơ hóa cầu thận,…

Tương tự như vậy rất nhiều các bệnh lý tại gan yêu cầu phải ghép gan như nhóm các bệnh lý gây xơ gan ứ mật (teo đường mật bẩm sinh, Alagille, …), các u nguyên phát tại gan (u nguyên bào gan, ung thư thế bào gan,…),…

Ghép tạng có thể có nhiều hình thức, tùy theo nguồn gốc tạng ghép mà chia ra làm hai hình thức chính đó là Ghép tạng từ người hiến chết não và Ghép tạng từ người hiến sống.

Vì nhiều lí do, trong đó có các vấn đề về tín ngưỡng, phong tục tập quán mà nguồn tạng ghép từ người hiến chết não ở Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung còn tương đối hạn chế. Chính vì thế ghép tạng từ người hiến sống rất đang được ưu tiên áp dụng, phương pháp này đặc biệt phù hợp với bệnh nhân nhận tạng là trẻ em.

Bệnh viện Nhi đồng 2 là một trong các bệnh viện Nhi đầu tiên tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em từ rất sớm, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện từ năm 2004 và ghép gan từ năm 2005; ghép tế bào gốc được triển khai từ 30/12/2020.

Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện thành công 33 ca ghép gan, 30 ca ghép thận, 10 ca ghép tế bào gốc tự thân; các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn làm chủ kĩ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc theo Quy trình tuyển chọn bệnh nhân, tuyển chọn người cho tạng, quy trình chăm sóc điều trị trước trong và sau ghép đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động thường quy.

Ngày 2/4/2024, Bộ Y Tế ra quyết định số 785/QĐ-BYT về việc công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não tại Bệnh viện.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, định hướng trong thời gian tới Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ cố gắng phấn đấu làm chủ kỹ thuật ghép tim, ghép tuỵ và ghép tế bào gốc dị ghép (ngoài các kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đồng ghép) hướng đến thành lập Trung tâm ghép tạng Nhi tại toà nhà kỹ thuật cao sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào 30/4/2025.

Tin liên quan
Tin khác