Thời sự
Tin vào trí tuệ của nhân dân mới có thể trưng cầu ý dân
Quang Hà - 23/06/2015 16:58
Góp ý với dự án Luật trưng cầu ý dân tại Hội trường Quốc hội chiều nay (23/6), hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần thiết phải ban hành luật này. Đó là bước đi quan trọng để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực thi Hiến pháp, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) góp ý, trong thực tiễn, cùng với sư phát triển của xã hội, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, dân chủ xã hội được mở rộng và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội dù chưa có được 1 cuộc trưng cầu ý dân nào được tổ chức nhưng ý chí, nguyện vọng của nhân dân đã đi vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với sự phát triển mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, việc Quốc hội ban hành Luật trưng cầu dân ý là 1 bước đi quan trọng để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực thi Hiến pháp, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo cần nhấn mạnh thêm quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, đó là trọng dân, tin dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh)

 

“Quan điểm này cần đươc quán triệt, quán xuyến xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật. Quan điểm trọng dân, tin dân là quan điểm mà Đảng ta luôn nhắc tới trong Cương lĩnh, đường lối, trong các nghị quyết của Đảng và trong pháp luật. Nhận thức đầy đủ sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc thực chất là yêu cầu của Đảng ta để tránh dân chủ hình thức hoặc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân xảy ra ở nơi này, nơi khác. Luật phải thể hiện sâu sắc niềm tin của Quốc hội đối với nhân dân nhưng trong quan điểm nêu ra trong tờ trình về dự án Luật tôi chưa thấy rõ ý này”, đại biểu Tâm nói.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ ngày 3/6/2015, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành, bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật này vì các quy định của luật còn chung chung và chưa có thực tiễn.

Một số ý kiến đề nghị Luật cần làm rõ sự khác nhau giữa trưng cầu dân ý và lấy ý kiến nhân dân, khi có Luật trưng cầu ý dân thì có còn hình thức lấy ý kiến nhân dân không. Đề nghị làm rõ phạm vi và hiệu lực của việc trưng cầu (thăm dò) ý kiến nhân dân, có thể chia thành 3 loại: hiệu lực trên toàn quốc; hiệu lực của cộng đồng, của địa phương; không có hiệu lực bắt buộc mà chỉ mang tính tham khảo.

Phiên thảo luận cũng cho thấy còn hàng loạt vấn đề bất đồng trong việc tổ chức, thiết kế dự án Luật trưng cầu ý dân. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn nặng về quy định trình tự, thủ tục mà thiếu các quy định mang tính quy phạm. Đề nghị chỉnh lý lại theo hướng quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, còn trình tự, thủ tục nên quy định tại văn bản hướng dẫn. Vấn đề quan trọng là tuyên truyền để người dân hiểu về trưng cầu ý dân, còn quy trình, thủ tục nên viện dẫn thực hiện theo Luật bầu cử. Ý kiến khác cho rằng, Luật chỉ nên quy định về quy trình, thủ tục trưng cầu ý dân, còn nội dung trưng cầu ý dân là do Quốc hội quyết định.

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có 1 Chương về phúc quyết Hiến pháp để giải quyết một cách trọng vẹn vấn đề Quốc hội làm Hiến pháp, đưa ra dân phúc quyết toàn bộ Hiến pháp, không nên trưng cầu từng điều khoản của Hiến pháp mà phúc quyết toàn bộ. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Một số ý kiến cho rằng, quy trình trưng cầu ý dân còn nặng nề như quy trình tổ chức bầu cử, rất khó thực hiện, nội dung quy định chưa rõ ràng; dự thảo chưa đáp ứng được mong muốn của người dân; nhiều quy định chưa bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp, cần bám vào quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.

Kết thúc phiên thảo luận tại Hội trường chiều nay, Quốc hội chưa đưa ra bất cứ kết luận nào về thời điểm ban hành dự án Luật đặc biệt này.  

Tin liên quan
Tin khác