Ngành sư phạm “lên ngôi” với điểm đầu vào cao ngất
Mùa tuyển sinh 2024, nhiều người bất ngờ khi điểm đầu vào ngành sư phạm của hầu hết các trường đại học vươn lên tầm “top”, gần chạm ngưỡng 30 điểm (thang điểm 30). Nhiều ngành mới mở cũng có mức điểm chuẩn từ 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn của trường dao động từ 22 đến 29,3 điểm. Hai ngành sư phạm Lịch sử và sư phạm Ngữ văn có mức điểm trúng tuyển cao nhất với 29,3 điểm. Điểm chuẩn ngành sư phạm Địa lý của trường này xếp vị trí thứ hai với 29,05 điểm.
Trong khi đó, nhóm ngành đào tạo giáo viên, sư phạm Mỹ thuật có đầu vào thấp nhất nhưng cũng mức 22,69 điểm.
Mùa tuyển sinh 2024, nhiều người bất ngờ khi điểm đầu vào ngành sư phạm của hầu hết các trường đại học vươn lên tầm “top”, gần chạm ngưỡng 30 điểm (thang điểm 30). Nhiều ngành mới mở cũng có mức điểm chuẩn từ 9 điểm/môn mới trúng tuyển. |
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiều ngành lấy đến trên 28 điểm, như: Sư phạm Ngữ văn 28,83 điểm; Sư phạm Lịch sử 28,83 điểm; Sư phạm Lịch sử- Địa lý 28,42 điểm…
Với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử cùng lấy 28,6 điểm.
Trường Đại học Cần Thơ, ngành sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất trường năm nay với 28,43 điểm. Các ngành có mức trên 27 điểm gồm: sư phạm Địa lý 27,9; sư phạm Ngữ văn 27,83; Giáo dục công dân 27,31.
Trước đây, từng có giai đoạn, sư phạm dường như là lựa chọn cuối cùng khi mà các thí sinh trượt ở các ngành học khác mới nghĩ đến. Tuy nhiên quan điểm này đã không còn đúng, thể hiện rõ nhất ở số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao mà chỉ tiêu lại ít.
Điểm lại điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông một số môn năm nay có mức điểm trung bình khá cao. Tỉ lệ thí sinh đạt từ 8 điểm/môn trở lên khá nhiều.
Ví dụ, điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay là 7,23 điểm; điểm trung vị là 7,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,0 điểm.
Cụ thể: điểm 8,0 có 85.990 thí sinh; điểm 8,25 có 70.526; điểm 8,5 có 72.249 thí sinh; điểm 8,75 có 57.136 thí sinh; điểm 9,0 có 49.254 thí sinh; điểm 9,25 có 26.758 thí sinh; điểm 9,5 có 14.198 thí sinh; điểm 9,75 có 1.843 thí sinh; điểm 10 có 02 thí sinh đạt được.
Vì thế, cả nước có 377.956/ 1.050.132 thí sinh đạt điểm Ngữ văn từ 8,0 trở lên, chiếm tỉ lệ 35,99%; nếu tính từ điểm từ 9,0 trở lên có 92.055 thí sinh, chiếm tỉ lệ 8,76%.
Trước những ý kiến của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết một phần rất lớn trong số 1,6 triệu thầy cô giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học được. |
Điểm thi tốt nghiệp cao, vô hình chung “đẩy” điểm chuẩn vào các ngành sư phạm cao lên. Bên cạnh đó còn nguyên nhân đó là những tín hiệu tốt từ cơ chế dành cho ngành giáo dục sẽ được thay đổi đáng kể trong tương lai.
Vì thế đại biểu quốc hội Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đã chia sẻ trong cuộc họp sáng 20/11: "Trong những mùa tuyển sinh gần đây đã hết cái thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” bởi các trường đại học có điểm đầu vào ngành sư phạm cao “ngất ngưởng”.
Tín hiệu đáng mừng, thay đổi cơ chế dành cho nhà giáo
Sáng 20/11, Quốc hội họp, bàn về Luật Nhà giáo với nhiều tín hiệu từ cơ chế. Trong đó các vấn đề về lương, các chính sách đãi ngộ... cùng nhiều vấn đề liên quan dành cho thầy cô được các đại biểu quốc hội đóng góp ý kiến sôi nổi.
Đại biểu Trần Văn Thức - Thanh Hoá nhận định: Mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức các ngành khác, nhất là khối đoàn thể trên cùng địa bàn. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Phó chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9. |
Hay như đại biểu Hoàng Ngọc Định - Hà Giang nhấn mạnh điều kiện sống dành cho các thầy cô giáo ở vùng cao. Để bảo đảm điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, ông đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở, đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Trước những ý kiến của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết một phần rất lớn trong số 1,6 triệu thầy cô giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học được. Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng cho biết chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Phó chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Thanh cho biết các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết 25 và Kết luận số 91 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Đồng thời Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9.