Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của luật khá rộng, liên quan đến viên chức, cán bộ là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập, chiếm số đông trong biên chế sự nghiệp của cả nước. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng ngày càng đông đảo. Do đó, nội dung Luật Nhà giáo thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Nhấn mạnh ngày 20/11 là ngày đặc biệt, hạnh phúc của hơn 1,6 triệu thầy, cô giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, điều này còn đặc biệt hơn khi vào ngày này, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Trong các nội dung thảo luận, vấn đề “dạy thêm - học thêm” nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong thời gian qua từ các đơn vị quản lý, thầy cô giáo, bậc phụ huynh và các em học sinh.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đưa ra số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong "làn sóng" giáo viên bỏ nghề thời gian vừa qua, có tới 61% giáo viên ở tuổi dưới 35 và một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là thu nhập không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt, trong khi họ là những người trẻ, đang trong độ tuổi phấn đấu, học tập, nâng cao trình độ và chưa có tích lũy.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đưa ra số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, 61% giáo viên dưới 35 tuổi nghỉ việc vì thu nhập không đảm bảo |
Trước thực tế đó, vấn đề “dạy thêm” càng được quan tâm, đặc biệt với hai luồng ý kiến đồng tình và cấm dạy thêm.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho rằng, việc học thêm là một nhu cầu của xã hội. Theo ông, tại điểm c khoản 2 Điều 11 về các hành vi bị nghiêm cấm có việc "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức".
Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn, bởi vì, có một thực tế là hiện nay nhiều con em của công nhân, viên chức khi phụ huynh tăng ca buổi chiều hay làm muộn không đón con được, có thể gửi gắm các con cho thầy cô giáo đưa về nhà quản lý, đến 8-9 giờ tối mới đón được con. Như vậy, thay vì cấm thì chúng ta cần phải có một cơ chế quản lý phù hợp.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) tranh luận tại phiên họp |
Cũng với nội dung này, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) nhắc đến việc tăng lương để giải quyết vấn đề dạy thêm, theo bà đó là tính toán chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.
Bà Thủy đồng tình với ý kiến của đại biểu Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) và cho rằng phải quy định việc học thêm, dạy thêm cho thật cụ thể và phù hợp thực tiễn. Bởi, trong thực tế, việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và học thêm cũng là nhu cầu có thật của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển thì các cháu càng được gia đình đầu tư học tập.
Bà Thủy chỉ ra, không chỉ các cháu học tập chưa tốt mới phải đi học thêm mà học sinh có năng lực học tập tốt vẫn có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao kiến thức hơn nữa, nhất là các học sinh có nguyện vọng dự thi vào các trường chất lượng, tham gia các kỳ thu học sinh giỏi các cấp.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) có cùng quan điểm khi cho rằng, việc học thêm là một nhu cầu thực tế của nhiều học sinh, phụ huynh và gia đình. Trong đó, học sinh yếu, kém có nhu cầu kèm thêm để tiến bộ; nhiều học sinh khá thì muốn được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) nhắc đến việc tăng lương để giải quyết vấn đề dạy thêm, theo bà là chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống |
Đồng thời, bên cạnh việc khuyến khích người học tự học, tự nghiên cứu thì việc đũng cần xem dạy thêm như một nghề có thu. Thực tế nhiều thời điểm, chúng ta đã cấm học thêm, dạy thêm, nhưng việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra. Việc cấm học thêm, dạy thêm có lúc còn làm cho tình trạng này càng khó quản lý.
Để đáp ứng được nhu cầu của người học; để quản lý việc dạy thêm, học thêm có hiệu quả, theo bà Hiền, cần bổ sung quy định này vào dự thảo luật, quy định nhà giáo có quyền dạy thêm như một hoạt động chính đáng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đưa ra ví dụ, bác sĩ có thể mở phòng mạch tư để khám, chữa bệnh, đó là điều rất tốt, vậy vì sao thầy cô giáo không thể mở lớp dạy thêm, dạy cho chính học sinh của mình? Theo ông, Luật không cần quy định cụ thể hoạt động nào không được kinh doanh mà nên trao quyền này cho địa phương và nhà trường quy định.
Hiểu được những trăn trở xoay quanh vấn đề “dạy thêm” đối với các thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Đối với việc dạy thêm của nhà giáo, đang có nhiều ý kiến. Chúng tôi đang chủ trương không cấm việc dạy thêm, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn".
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã trao đổi. Qua 37 ý kiến, trong đó có 2 ý kiến tranh luận, còn lại các ý kiến phát biểu thì ông cảm nhận đó đều là các ý kiến bày tỏ đồng tình, ủng hộ thống nhất hoặc thống nhất cao đối với luật này.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn. |
Còn phần lớn các ý kiến đều góp ý vào các nội dung cụ thể, xu hướng là nên tăng thêm các nội dung chi tiết, vì rất nhiều người đều băn khoăn đã có quy định nhưng cảm thấy còn chưa chi tiết, cần cụ thể hơn, tinh tế hơn, thực tế hơn, khả thi hơn.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu rất đầy đủ; nghiên cứu từng ý kiến một. Việc gì đã rõ có thể đưa ngay vào luật, những ý kiến khác có thể quy định trong Nghị định, Thông tư. Bởi vì, đối với hoạt động của ngành giáo dục thì ngoài Luật Nhà giáo còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều các quy định liên quan đến hoạt động chuyên môn từ dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, còn rất nhiều các quy định nữa, cho nên một luật này không thể bao quát hết được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.