Chủ đề năm nay nhằm nêu bật nhận thức về bệnh tăng huyết áp trên toàn thế giới, thúc đẩy các phương pháp đo huyết áp chính xác và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kiểm soát tăng huyết áp để sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp 17/5-2023 có thông điệp “Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống lâu hơn. |
Theo các chuyên gia, bệnh tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng, bệnh có diễn biến âm thầm nhưng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tăng huyết áp được chuẩn đoán là khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị. Kiểm soát huyết áp cao là rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác và thậm chí tử vong.
Biến chứng của bệnh tăng huyết áp cao gây tổn thương ở các cơ quan như tim, não, thận, mắt... Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ không khuyến khích các thiết bị đo huyết áp ở cổ tay hoặc ngón tay vì chúng có thể cho kết quả kém tin cậy hơn.
Ngưỡng chẩn đoán bệnh huyết áp cao có thể dao động nhẹ tùy theo từng cách đo huyết áp khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào trị số huyết áp có được sau khi đo huyết áp đúng quy trình được thực hiện bởi cán bộ y tế, phân độ huyết áp được chia thành các cấp như sau:
Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg
Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg.
Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥100 mmHg.
Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
Nếu huyết áp không cùng mức để phân loại thì chọn huyết áp tâm thu hay tâm trương cao nhất
Để kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp theo các chuyên gia, người dân cần thay đổi lối sống bằng cách giảm thừa cân. Sở dĩ như vậy là huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên; thừa cân cũng có thể gây ra gián đoạn hô hấp khi người bệnh ngủ (ngưng thở khi ngủ), làm tăng huyết áp hơn nữa.
Giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì, giảm dù chỉ một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp. Nói chung, huyết áp có thể giảm khoảng 1 mm thủy ngân (mm Hg) với mỗi kg (khoảng 2,2 pound) trọng lượng bị mất.
Bên cạnh đó, người dân cần tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mm Hg. Điều quan trọng là phải tiếp tục tập thể dục để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Mục tiêu chung là dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày.
Tập thể dục cũng có thể giúp giữ cho huyết áp tăng cao không chuyển thành huyết áp cao (tăng huyết áp). Đối với những người bị tăng huyết áp, hoạt động thể chất thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn.
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Một chế độ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao.
Giảm muối (natri) trong chế độ ăn uống. Ngay cả khi giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 6 mm Hg. Ảnh hưởng của lượng natri lên huyết áp khác nhau giữa các nhóm người.
Nói chung, giới hạn natri ở mức 2.300 miligam (mg) mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, lượng natri thấp hơn 1.500 mg mỗi ngày hoặc ít hơn là lý tưởng cho hầu hết người lớn. Để giảm natri trong chế độ ăn uống cần:
Bên cạnh đó, cần tìm kiếm các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng natri thấp. Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn: Chỉ một lượng nhỏ natri xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm; hầu hết natri được thêm vào trong quá trình chế biến. Sử dụng các loại thảo mộc hoặc gia vị để tăng thêm hương vị cho thức ăn.
Hạn chế uống rượu, bia: Số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả.
Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
Ngoài ra, cần bỏ thuốc lá bởi hút thuốc lá làm tăng huyết áp, ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Ngủ ngon hơn: Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm trong vài tuần, có thể góp phần làm tăng huyết áp. Một số vấn đề có thể làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, chứng khó ngủ nói chung (mất ngủ).
Giảm căng thẳng: Căng thẳng cảm xúc lâu dài (mãn tính) có thể góp phần làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, không thể xác định được nguyên nhân gây ra căng thẳng, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật và tìm cách giảm căng thẳng.
Không tự ý sử dụng thuốc dự phòng Covid-19
Lo lắng trước tình trạng số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, không ít người đã tìm đến những loại thuốc được bày bán trên mạng với quảng cáo có tác dụng phòng ngừa, điều trị dự phòng Covid-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, đây là những quan niệm sai lầm.
Một vài loại thuốc được rao bán như thuốc chữa cúm của Nhật hay thuốc kháng virus của Nga đều ẩn chứa những nguy cơ tới sức khỏe của người dùng nếu sử dụng một cách bừa bãi. Đơn cử như thuốc chữa cúm của Nhật chỉ có tác dụng khi người dùng mắc cúm và không có tác dụng dự phòng Covid-19.
Ngoài ra, việc sử dụng vô tội vạ có thể làm tăng các tác dụng phụ, gây nguy hiểm cho người bệnh. Còn đối với thuốc kháng virus của Nga, loại thuốc này chỉ có tác dụng trong 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng mà không có tác dụng dự phòng Covid-19.
Trên thực tế, các thuốc kháng virus Nga, có loại có tác dụng và có loại không tác dụng trong việc ngăn sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Hiện tại, thuốc kháng virus molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép cũng phải được sử dụng đúng đối tượng và thời gian.
Việc dùng thuốc kháng virus cũng chỉ sử dụng trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Các thuốc này cũng có nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ và phải được giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh các rủi ro đáng tiếc.
Chỉ dùng các thuốc kháng virus này khi có chỉ định của bác sĩ. Việc uống thuốc kháng virus Nga để dự phòng không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà có thể gây những ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua, dùng thuốc dự phòng Covid-19 theo mách bảo. Ngoài việc không tác dụng, tốn tiền... thì việc tự ý sử dụng thuốc cúm Nhật hay thuốc kháng virus Nga để dự phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 còn khiến gan, thận bị quá tải, và xuất hiện tâm lý chủ quan, từ đó lơ là các biện pháp phòng, chống khác.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên hoang mang khi số ca Covid-19 hiện nay gia tăng. Mỗi người nên duy trì nguyên tắc đeo khẩu trang nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn tay.
Điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, người dân không nên tích trữ, tùy tiện sử dụng những loại thuốc trôi nổi mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Khi thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh nên thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Có thể dự phòng bằng việc tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19, thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý.
Người bệnh tử vong do Covid-19 thường ở nhóm nguy cơ cao
Theo thống kê của Bộ Y tế từ ngày 15/4 - 16/5, nước ta ghi nhận 15 ca tử vong do Covid-19. Sau khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong thời gian qua, các chuyên gia y tế nhận định, tất cả ca tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện một trường hợp nào người bệnh tử vong không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, ước tính tỷ lệ tử vong hiện nay chiếm 0,47% số bệnh nhân nằm viện.
Các bệnh nhân Covid-19 phải nằm viện đều có bệnh nền, có triệu chứng nặng. Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều hầu hết được điều trị tại nhà hoặc được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ở mức 0,37%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới (0,99%).
Đây là con số thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác điều trị Covid-19 suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, để giảm tử vong, các cơ sở y tế cần tiếp tục cảnh giác với Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh.
Các đơn vị hồi sức, chạy thận, có những bệnh nhân nặng đang điều trị phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca Covid-19, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi nếu xảy ra lây nhiễm, thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng;
Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.
Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM quá tải, các tỉnh, địa phương buộc phải giữ bệnh nhân lại điều trị.
Cùng với tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan Covid-19 trong bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh cần nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh.
Khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định; đặc biệt chú trọng bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao.
Người đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của Covid-19 phải được xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.
Cơ sở y tế theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng Covid-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gen để phát hiện sớm những biến thể mới của virus.
Các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gen, phát hiện sớm những biến thể.
Đặc biệt, các cơ sở y tế lưu ý những trường hợp không có bệnh nền mắc Covid-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng làm tăng tình trạng nặng.