Y tế - Sức khỏe
Tính đủ giá dịch vụ khám bệnh trước ngày 01/01/2025
Khánh Linh - 05/01/2023 10:52
Sáng ngày 5/1, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sáng ngày 5/1/2023.

Quy định các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Liên quan đến nội dung về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quy định tại Điều 110, bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định của dự thảo Luật không mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế, chưa thể hiện vai trò quản lý nhà nước về giá khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.

Các đại biểu đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ, nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá.

Các đại biểu cũng đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như là về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo...

“Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, quy định các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội báo cáo.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Các chi phí được đề xuất gồm: (i) chi phí nhân công bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định; (ii) chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác; (iii) chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; (iv) chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Liên quan đến quy định căn cứ định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm rõ là bao gồm yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá và quan hệ cung cầu của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, chủ trương, chính sách, pháp luật về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong từng thời kỳ và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Dự thảo Luật cũng đã điều chỉnh quy định về nguyên tắc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng (i) bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh; (ii) hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh; (iii) rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cần thiết, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm phù hợp các căn cứ định giá.

Quy định thẩm quyền của Bộ Y tế trong việc quy định phương pháp định giá, quy định giá của một số loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc, căn cứ của Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải thực hiện kê khai giá, niêm yết giá bảo đảm công khai, minh bạch và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

“Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 01/01/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại khoản 9 Điều 120 của dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày.

Giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở tư nhân phụ thuộc vào mức đầu tư của cơ sở đó

Liên quan đến ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện công lập và tư nhân.

Theo Chương trình làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự
án Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào sáng 6/1.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có mức đầu tư khác so với các cơ sở của Nhà nước, do vậy, việc quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở tư nhân phụ thuộc vào mức đầu tư của cơ sở đó", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất với Luật Giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép được quy định việc quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở tư nhân phải được thực hiện theo nguyên tắc, căn cứ định giá của Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như quy định tại khoản 8 Điều 110.

Đồng thời, để quản lý giá, dự thảo Luật cũng đã quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kê khai giá, niêm yết giá bảo đảm công khai, minh bạch và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá như thể hiện tại khoản 9.

Quy định này vừa đảm bảo Nhà nước kiểm soát giá dịch vụ y tế, bảo đảm quyền của người bệnh; đồng thời, bảo đảm quyền tự quyết của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Tin liên quan
Tin khác