Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trước hết phải có bước đột phá trong việc hạn chế số lượng cấp phó.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại, các cơ quan sử dụng ngân sách có quá nhiều cấp phó, nếu mỗi cơ quan giảm được một cấp phó thì đã tinh giản được hàng chục ngàn biên chế?
Nếu nói chung chung là có quá nhiều cấp phó thì phiến diện, mà phải có phân tích cụ thể xem cơ quan nào đó có 5-7 cấp phó là ít hay là nhiều, vì nhiều cơ quan có tính đặc thù. Ví dụ, Bộ Ngoại giao hiện có đến 7 thứ trưởng, nhưng không phải thứ trưởng nào cũng điều hành công việc ở Bộ, mà nhiều người được bổ nhiệm làm thứ trưởng, sau đó đi làm đại sứ đến một số địa bàn trọng điểm (vì ở đó cần hàm đại sứ ở cấp thứ trưởng).
Sau khi hết nhiệm kỳ, họ quay trở lại vẫn tiếp tục làm thứ trưởng hoặc là để điều đi làm đại sứ ở khu vực khác hoặc là một thứ trưởng khác sẽ đi làm đại sứ, nên không thể nói Bộ Ngoại giao có 5-7 thứ trưởng là nhiều.
Hay như nhiều cơ quan ở Trung ương, có cục, vụ số lượng cấp phó chiếm đến một nửa biên chế, nhưng nhiều người trong số này mới từ địa phương lên, trong khi chờ đợi phân công nhiệm vụ mới thì tạm thời làm cấp phó hoặc nhiều người được bổ nhiệm làm cấp phó để chuẩn bị đi luân chuyển về địa phương. Trong khi chờ đợi luân chuyển họ vẫn làm cấp phó nên cũng không thể nói cấp phó là nhiều hay ít.
Nếu loại bỏ một số lĩnh vực có tính chất đặc thù như ngoại giao, thanh tra, kiểm toán…, thì các lĩnh vực còn lại cần phải giảm bớt cấp phó, thưa ông?
Muốn giảm được cấp phó thì phải thay đổi cơ chế, nếu cơ chế không thay đổi thì khó có thể giảm được. Cụ thể, bộ trưởng, trưởng ngành triệu tập họp, nếu vụ trưởng, cục trưởng, tổng cục trưởng bận thì phải cử cấp phó đi thay, cấp phó này bận thì cấp phó khác đi thay, chứ cấp chuyên viên, thậm chí trưởng, phó phòng không thể đi thay được.
Tương tự, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, nếu bộ trưởng bận thì thứ trưởng phải đi họp thay, thứ trưởng phụ trách lĩnh vực bàn trong cuộc họp bận thì thứ trưởng khác phải đi thay vì cấp tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng không được quyền thay mặt bộ ngành báo cáo và càng không được quyền phát biểu với tư cách đại diện cho bộ, ngành.
Chính cái cơ chế này đã tạo ra nhiều cấp phó không cần thiết. Theo tôi, muốn giảm được cấp phó, cần phải thay đổi lại cơ chế theo hướng không nhất thiết phải yêu cầu cấp phó đi dự họp, mà có thể ủy quyền cho những người trực tiếp tham gia công việc, hiểu rõ công việc tham dự các cuộc họp bàn về nội dung mà họ phụ trách, họ có thể phát biểu với tư cách chuyên gia, còn quan điểm cụ thể của bộ, ngành chủ quản về nội dung đó thì có thể thể hiện bằng văn bản.
Như vậy thì cũng khó lòng tinh giản được biên chế vì cần phải có người… đi họp?
Họp hành quá nhiều cũng khiến biên chế công chức, viên chức phình to. Vì vậy, muốn tinh giản biên chế cần phải hạn chế các cuộc họp không cần thiết, nhiều cuộc họp không thực sự cần thiết thì gom lại với nhau.
Theo ông, liệu Quốc hội có cần phải thực hiện một cuộc giám sát chuyên đề về chất lượng, số lượng công chức, viên chức nói chung, cấp phó trong các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng không?
Hiện đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải, tinh giản biên chế công chức, viên chức cũng như số lượng cấp phó trong các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước. Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện.
Cụ thể, việc bổ nhiệm, tuyển dụng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn cụ thể của từng người, chứ không được xuất phát từ tình cảm cá nhân và đặc biệt không được tìm mọi cách để hợp lý hóa vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức đã tuyển dụng, hợp lý hóa “cái ghế” của cấp phó được bổ nhiệm.
Trước mắt, các cơ quan sử dụng ngân sách cứ thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải, tinh giản biên chế công chức, viên chức cũng như số lượng cấp phó, sau một thời gian có thể cũng cần thiết phải có cuộc giám sát chuyên đề về lĩnh vực này.
Quy định mới về tinh giản biên chế: TGĐ cũng mất việc Theo Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, đối tượng có thể mất việc mở rộng đến thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng... của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Vì sao Bộ giảm, Tổng cục và Cục phình to? 5 năm tinh giản, biên chế tăng 20% |
Mạnh Bôn