Tài chính - Chứng khoán
Tỉnh táo để lựa chọn trái phiếu trên thị trường
Tư Thuần - 01/11/2022 16:17
Với việc các khuôn khổ pháp lý được củng cố và hoàn thiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về chất, hướng tới phát triển bền vững hơn.

Sự điều chỉnh cần thiết để thị trường trái phiếu phát triển bền vững

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá trầm lắng trong 9 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh thông tư 16/2021/TT-NHNN đi vào hiệu lực với những điều kiện chặt chẽ về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bộ Tài chính cũng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường. Ngoài ra, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực với rất nhiều điểm mới và các quy định chi tiết, chặt chẽ khiến thị trường cần một khoảng thời gian thích nghi, ít nhất là 6 tháng.

Tuy nhiên, thực tế, đây là “khoảng lặng” cần thiết cho sự trở lại bền vững của thị trường trái phiếu. Về mặt vĩ mô, cần phải khẳng định rằng, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp giảm sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, qua đó giúp chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Vì vậy, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kênh huy động vốn này là chủ trương nhất quán Chính phủ. 

Ở các thị trường phát triển, trái phiếu là kênh huy động vốn hữu hiệu.

Tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được Chính phủ xác định rõ trong đề án phát triển với tầm nhìn đến năm 2030 đạt quy mô 20% GDP. Theo dữ liệu và đánh giá của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây, quy mô này hiện đã đạt khoảng 15% GDP, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi so sánh với các nước trong khu vực, ví dụ tại Malaysia, quy mô này đã đạt tới 56% GDP, Singapore đạt 38% GDP, Thái Lan đạt 25% GDP…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đã khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tiềm năng; các khuôn khổ pháp lý đang được hoàn thiện, cùng sự giám sát chặt chẽ của Bộ Tài chính để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Với các nhà đầu tư trái phiếu, thực tế vài năm qua đã cho thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả hơn so với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, trước đây, nhà đầu tư trong nước tỏ ra ít quan tâm tới những yếu tố như uy tín của tổ chức phát hành hay tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mà họ đầu tư. Do đó, những biến động gần đây đã phần nào thay đổi nhận thức của nhà đầu tư, việc lựa chọn đầu tư hiện tại sẽ phụ thuộc vào tìm hiểu doanh nghiệp phát hành trái phiếu. 

Chưa kể, theo FiinRatings, dù điều kiện xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Nghị định 65 trở nên nghiêm ngặt hơn trước, nhưng bù lại nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được bảo vệ nhiều hơn khi có cơ chế báo cáo và trách nhiệm cam kết cao hơn, với quyền biểu quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do họ sở hữu.

“Liên tiếp các cảnh báo và các vụ việc gần đây liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến cho nhận thức của nhà đầu tư đối với rủi ro từ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp thay đổi đáng kể. Do vậy, phần bù rủi ro để các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn đối với kênh này cũng tăng thêm”, báo cáo VCBS nhấn mạnh.

Tỉnh táo để lựa chọn “hàng tốt” trên thị trường

FiinRatings nhận định, sau khi tâm lý thị trường dần ổn định qua các sự vụ mà cơ quan chức năng vừa xử lý, Nghị định 65 với cơ chế mới dần đi vào thực tiễn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở lại phát huy giá trị của một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, cũng như một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư bên cạnh kênh tiết kiệm truyền thống, nhất là khi trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được kiện toàn về các tiêu chí an toàn theo Nghị định 65 và có lợi tức hấp dẫn hơn.

Nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ các quy định pháp luật, nghiên cứu kỹ các thông tin về doanh nghiệp và trái phiếu phát hành, trước khi quyết định đầu tư.

Hiện tại, ngân hàng và bất động sản luôn duy trì vị thế nhóm nhà phát hành lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi thường chiếm tới hơn 70% giá trị phát hành toàn thị trường (số liệu Fiiin Group). Trong đó nhóm bất động sản đang là đối tượng khiến giới đầu tư lo ngại trước áp lực đáo hạn lớn kể từ quý IV/2022. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có hồ sơ kinh doanh hiệu quả và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng trên thị trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu và đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả đối với doanh nghiệp.

Thực tế, trên thị trường có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp do các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả phát hành, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang hoạt động trong môi trường vĩ mô tích cực và nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Chẳng hạn, với các doanh nghiệp hoạt động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa, các yếu tố vĩ mô và vi mô của thị trường đều rất tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. Tầng lớp trung lưu cao (upper middle class) ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho tới năm 2030. Đây cũng là lý do các nhà đầu tư tổ chức, định chế tài chính nước ngoài đang chuyển hướng đầu tư lĩnh vực kinh doanh bền vững như tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh này, trái phiếu của các nhà phát hành như VNM, MWG, MSN… được xem là nhóm có rủi ro thấp, và vì lẽ đó thường có lãi suất ở mức thấp hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại.

“Lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao và thời gian qua đã có một số doanh nghiệp bất động sản có năng lực tín dụng thấp đã nâng lãi suất phát hành nhằm thu hút nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành, đặc biệt là nhà phát hành chưa niêm yết là rất yếu. Đầu tư trái phiếu thường có kỳ hạn dài từ 3 đến 5 năm và do đó, không chỉ lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất cao, mà các yếu tố về chất lượng nhà phát hành và các điều khoản để đảm bảo quyền lợi là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý”, FiinRatings cho biết.

Chẳng hạn, Masan vừa phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất khoảng hơn 10%, trong bối cảnh lãi suất gửi ngân hàng nhích nhẹ. Mức lãi 10%/năm không quá “hấp dẫn”, nhưng phù hợp với mức độ rủi ro thấp của trái phiếu.

Tại Việt Nam, Masan là doanh nghiệp tiêu dùng – bán lẻ được nhiều “ông lớn” lựa chọn để hợp tác (SK, TPG, Alibaba…). Công ty đã huy động thành công gói tín dụng hợp vốn trị giá 600 triệu USD với lãi suất ưu đãi 6,5%/năm. Gói tín dụng đã được đăng ký vượt mức bởi gần 40 tổ chức tài chính, cho thấy sự tin tưởng của các định chế tài chính vào hồ sơ tín dụng của Masan và năng lực huy động vốn với các điều khoản hấp dẫn của Công ty đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường toàn cầu.

Trong talkshow “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/10 vừa qua, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM - Công ty Chứng khoán DSC cho biết, theo nghiên cứu của ông và cộng sự thời gian vừa qua với các trái phiếu sắp đáo hạn thì mức độ rủi ro trên thị trường trái phiếu không lớn, ngay cả với nhóm trái phiếu bất động sản có nhiều “sự việc” xảy ra vừa qua thì số lượng trái phiếu “cần theo dõi thêm” cũng chỉ khoảng 2-3%.

Theo ông Huy thì thị trường trái phiếu hiện không có rủi ro hệ thống, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp tốt, uy tín và có thương hiệu trên thị trường có thể yên tâm vì đây là các doanh nghiệp đều có phương án phát hành tốt, trái phiếu có tài sản đảm bảo và nguồn vốn huy động từ trái phiếu được thực hiện cho các kế hoạch kinh doanh triển vọng.

Tin liên quan
Tin khác