Doanh nhân
Tinh thần dân tộc, tinh thần doanh nhân: Động lực phát triển đất nước
Như Loan - 13/10/2014 07:16
 Trao đổi với Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Thọ chia sẻ những suy nghĩ của mình về tinh thần dân tộc, tinh thần doanh nhân ở góc độ động lực để phát triển đất nước.
TIN LIÊN QUAN

Những khó khăn của nền kinh tế đang dần trôi qua, nhưng thời điểm này khi nhìn lại những nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nhân Việt trong những năm qua, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới (2008) đến nay, ông có cảm nghĩ như thế nào?

   
  Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám dốc VietinBank  

Nước ta đã hội nhập kinh tế tương đối sâu rộng với thế giới, khi kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng, kinh tế của ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên cộng đồng doanh nhân Việt Nam luôn năng động sáng tạo tìm mọi cách vượt khó vươn lên, một mặt bám sát thị trường trong nước, mặt khác phát huy vị thế ngày càng cao của Việt Nam để tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu tư ra thế giới.

Các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều, điều mà trước đây còn rất khiêm tốn. Khó khăn ngày càng thúc đẩy các doanh nghiệp năng động hơn, tìm ra những cơ hội mới thuận lợi để sản xuất kinh doanh, hoàn thành sứ mệnh của mình là tạo ra của cải góp phần xây dựng đất nước.

Chúng tôi, những người trong Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trước khó khăn luôn hun đúc ý chí: Vượt khó và vượt khó thành công. 

Theo ông, trong những lúc khó khăn, tinh thần dân tộc và tinh thần doanh nhân của doanh nhân Việt đã được thể hiện ra sao?

Tinh thần dân tộc và tinh thần doanh nhân Việt xuất phát từ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Khi hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nhân Việt Nam đều khao khát hướng tới đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh, không thua kém các nước trên thế giới, nâng cao hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, tránh tình trạng xuất khẩu mặt hàng thô với giá rẻ, nhập khẩu hàng chế biến với giá cao, bỏ trống công nghiệp phụ trợ hoặc tỷ lệ nội địa trong sản phẩm quá thấp, tỷ lệ gia công chiếm quá cao…

Các doanh nghiệp đều mong muốn khẳng định mình bằng tài năng trí tuệ của người Việt Nam và tiếp thu tri thức của nhân loại. Tinh thần dân tộc ấy đã hun đúc bản lĩnh doanh nhân và trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nhân luôn đi đầu và đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

   
     

Hơn nữa, doanh nhân Việt không chỉ phát triển kinh doanh, làm giàu cho mình, làm ra ngày càng nhiều của cải, vật chất, sản phẩm cho xã hội, đóng góp cho cộng đồng mà còn tham gia trực tiếp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ. Gần đây nhất, cộng đồng doanh nhân Việt đã chung tay cùng dân tộc hướng về biển đảo quê hương. 

Đến nay, VietinBank đã dành hơn 4.500 tỷ đồng để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Từng CBNV, từng Chi nhánh và toàn hệ thống hướng về Trường Sa - Hoàng Sa bằng hành động thiết thực, dành hàng chục tỷ đồng cho lực lượng Cảnh sát Biển, xây bể chứa nước, Nhà văn hóa tại đảo Nam Yết… Tôi cho rằng, tinh thần doanh nhân Việt gắn liền và luôn được thể hiện cao nhất cùng với tinh thần dân tộc Việt.

Là người gắn bó nhiều năm với ngành ngân hàng, trên cương vị Tổng giám đốc một trong 4 ngân hàng lớn nhất thị trường hiện nay, ông có thể chia sẻ những cố gắng và nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hồi phục nền kinh tế và giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong suốt những năm qua?

Có thể khẳng định rằng ngành ngân hàng đã nỗ lực và có đóng góp to lớn trong việc cùng Đảng, Chính phủ phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về vĩ mô chúng ta có thể thấy thị trường tiền tệ tài chính, thị trường vàng đã dần đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tình trạng vàng hóa, đô la hóa đã giảm đáng kể và cơ bản được kiểm soát tốt. Đặc biệt giá trị đồng tiền Việt Nam được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất đã hạ thấp đã có tác dụng giúp các doanh nghiệp tiếp cận ngày càng tốt hơn với tín dụng ngân hàng, tối đa nguồn lực tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đây là những tác động rất thiết thực và hiệu quả giúp Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô. Trong từng lĩnh vực kinh tế, ngành ngân hàng đã cụ thể hóa chính sách, tiền tệ bằng việc khơi thông và thúc đẩy dòng vốn chảy vào nền kinh tế, trực tiếp tham gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ dòng vốn đó. Việc hạ mặt bằng lãi suất, ưu tiên những lĩnh vực kinh tế, những dự án đầu tư trọng điểm đã biến nguồn lực tài chính trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu…

Làm doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng có khó hơn so với những doanh nhân thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác không, thưa ông? Để thành công trong lĩnh vực ngân hàng, các doanh nhân cần phải có những yếu tố gì?

Tôi cho rằng làm doanh nhân, trở thành doanh nhân một cách thực thụ đã khó, nhưng để có thể là một doanh nhân thành công thì điều đó còn khó hơn rất nhiều. Mỗi ngành nghề lĩnh vực có tính chất, đặc điểm riêng và do đó có yêu cầu riêng, ngân hàng là lĩnh vực kinh tế đặc thù và được ví là “mạch máu” của nền kinh tế, tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế khác.

VietinBank hiện tham gia tích cực hỗ trợ trực tiếp nguồn lực tài chính đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, đi đầu thực thi có hiệu quả các chính sách dài hạn cũng như cấp bách của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.

Cụ thể với các dự án hạ tầng quan trọng, VietinBank đã tham gia tích cực trong việc tài trợ vốn cho các công trình, dự án quan trọng của đất nước như: Thủy điện Sơn La, Hầm Đèo Cả, Mỏ than Khe Chàm, Đường dây 500kv, Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Bên cạnh đó VietinBank tham gia và đang giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở, các gói hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ lĩnh vực thủy sản…

Trong quá trình cung cấp các sản phầm VietinBank luôn đem lại chính sách lãi suất ưu đãi, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích cùng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, khả năng tư vấn tốt nhằm mang lại lợi ích toàn diện cho khách hàng.

Vì thế, mức độ nhạy cảm của lĩnh vực kinh tế này thực sự đặc biệt và khác biệt. Trên thực tế ngành ngân hàng đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, trình độ học thuật cũng như nghiệp vụ chuyên nghiệp và khoa học, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập mà ngân hàng cần và buộc phải đáp ứng ngày một đầy đủ các chuẩn mực quốc tế. Doanh nhân dù ở lĩnh vực nào cũng phải có cái tâm vì cộng đồng, vì xã hội.

Dưới góc nhìn của doanh nhân, ông đánh giá như thế nào về vai trò “bà đỡ” của nhà nước trong việc giúp đỡ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn và từng bước lớn mạnh?

Vai trò của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là tối quan trọng và không thể phủ nhận. Nhà nước thông qua hành lang pháp lý và chính sách, tạo ra sân chơi rộng lớn cho cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp hoạt động, đồng thời quản lý và kiểm soát sự phát triển đó một cách khoa học, đúng đắn theo hướng tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp, loại bỏ những yếu tố bất lợi, phi pháp để sân chơi này luôn vận động an toàn và lớn mạnh.

Bên cạnh đó, có thể kể ra đây hàng loạt những việc làm mà Nhà nước đã tạo dựng cho cộng đồng doanh nghiệp: Đàm phán gia nhập WTO, ký kết thành công các hiệp định thương mại song phương, đa phương; hay vai trò xúc tiến, quảng bá thương mại; các cuộc đấu tranh pháp lý nhằm tránh sự chèn ép, giảm thiểu thiệt hại trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông để doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế cần có những hỗ trợ như thế nào từ phía nhà nước và bản thân doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần phải có những trang bị như thế nào?

Nhà nước có vai trò quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh, Nhà nước đã và đang phát huy vai trò khơi thông sự hợp tác, hội nhập, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích chính đáng cho quốc gia và doanh nghiệp khi tham gia vào các sân chơi khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước cũng đang tiếp tục được hoàn chỉnh hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, biết tìm tòi con đường để phát triển. Một yếu tố tất yếu của phát triển và cạnh tranh hiện nay đó là kinh tế tri thức. Tri thức giúp đưa ra ý tưởng, sản phẩm, công nghệ và giải pháp… Vì vậy, nguồn nhân lực có tri thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mỗi doanh nghiệp.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh đã cạnh tranh và hội nhập thắng lợi trên các sân chơi khu vực, quốc tế. VietinBank cũng khẳng định được vị thế và vai trò như vậy. Hiện Vietin Bank đang giữ vị trí số 1 tại Việt Nam, thu hút 2 nhà đầu tư lớn của nước ngoài là IFC (thuộc World Bank) và BTMU (Ngân hàng hàng đầu Nhật Bản) mua cổ phần, đồng thời đang hội nhập với thị trường khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tự hào khi đang có nguồn nhân lực trẻ, có kỹ năng và tri thức để cạnh tranh và phát triển.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông có thể chia sẻ những cảm nghĩ   của mình về thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay? Ông có lời khuyên như thế nào cho các doanh nhân trẻ, những người đang tiếp bước các thế hệ doanh nhân Việt với mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp?

Doanh nhân trẻ có trí tuệ, sức mạnh và hoài bão. Đó không phải là điều mới, mà những yếu tố này luôn hiện hữu trong nội tại mỗi doanh nhân Việt Nam. Cái mới và quan trọng ở thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay là tri thức và khả năng làm chủ tri thức và công nghệ; biết ứng dụng tri thức và công nghệ thành phương tiện để đạt được thành công.

Bên cạnh đó, thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay không chỉ có lợi thế là sự kế thừa những di sản kiến thức và công nghệ trước đó; mà còn có khả năng nắm bắt các kiến thức mới, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tôi luyện kỹ năng cá nhân liên tục, thường xuyên qua tất cả các kênh được hội tụ  trong đời sống, môi trường kinh doanh.

Thời đại ngày nay có nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nhân trẻ phát triển. Tôi tin rằng thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay sẽ kế thừa bề dày di sản của các thế hệ ông cha; tiếp thu và hội tụ những kiến thức hiện đại; phát huy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam để đi tới thành công. Họ sẽ tiếp tục góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

* Năm 2008, tổng tài sản của VietinBank là 194 ngàn tỷ đồng, đến ngày 30/9/2014, con số này đã lên tới 630 ngàn tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng hơn 300%).

* Năm 2008, VietinBank nộp ngân sách 1.623 tỷ đồng; năm 2013, con số này là hơn 4.000 tỷ đồng.

* VietinBank đang trên con đường trở thành Tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu Việt Nam, hội nhập sâu rộng thị trường thế giới. Thương hiệu VietinBank đã hiện diện tại Châu Âu với 2 Chi nhánh tại Berlin và Franfurk, Chi nhánh tại Lào. 

* VietinBank nằm trong Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới ngành ngân hàng và là ngân hàng Việt Nam duy nhất vào Top 10 ngân hàng thế giới có giá trị thương hiệu tăng cao nhất.

* Đặc biệt 2 năm liền (2012 – 2013), VietinBank nằm trong Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Tin liên quan
Tin khác