Nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 3.873,59 tỷ đồng
Kinh doanh có lãi trở lại trong nửa đầu năm 2024, nhưng đơn vị kiểm toán vẫn đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của Tisco.
Trong đó, Công ty kiểm toán là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho biết dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành.
Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.
Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của dự án đến giá trị các khoản mục “trả trước cho người bán”, “chi phí xây dựng cơ bản dở dang”, “phải trả người bán”, “chênh lệch tỷ giá hối đoái”; giá trị chi phí lãi vay được vốn hoá vào giá trị dự án kể từ thời điểm dự án chậm tiến độ; và tổn thất có thể có liên quan đến dự án cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các chỉ tiêu khác có liên quan trên báo cáo bán niên.
Bên cạnh ý kiến ngoại trừ, đơn vị kiểm toán còn đưa ra các vấn đề nhấn mạnh như tại thời điểm 30/6/2024, Tisco đang ghi nhận nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 3.873,59 tỷ đồng, nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng 1.076,52 tỷ đồng, chi phí lãi vay phải trả cho dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2 quá hạn 1.695,96 tỷ đồng.
“Những sự kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tisco”, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nhấn mạnh.
Lý giải về ý kiến ngoại trừ của Kiểm toán, ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng giám đốc Tisco cho biết hiện nay, Công ty, VNSTeel và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang tiếp tục làm việc với nhà thầu Công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC) thảo luận hướng xử lý, vướng mắc, tồn tại của hợp đồng EPC, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện Báo cáo phương án xử lý dự án để sớm đưa dự án vào vận hành.
Lãi trở lại trong nửa đầu năm 2024
Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 5.253,64 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lãi 4,39 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 135,67 tỷ đồng, tức tăng thêm 140,06 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 0,3% lên 3,8%.
Trong kỳ, việc biên lợi nhuận gộp cải thiện giúp lợi nhuận gộp tăng 12,18 lần, tương ứng tăng thêm 184,69 tỷ đồng lên 199,85 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 3,5%, tương ứng tăng thêm 0,49 tỷ đồng lên 14,39 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 16,3%, tương ứng giảm 14,22 tỷ đồng về 72,97 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 44,2%, tương ứng tăng thêm 41,51 tỷ đồng lên 135,46 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù chịu áp lực chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao nhưng lợi nhuận của Tisco vẫn tăng cao trong nửa đầu năm 2024, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu tăng và cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Trong năm 2024, Tisco đặt kế hoạch doanh thu 12.953 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi trước thuế đạt 7,52 tỷ đồng, Tisco đã hoàn thành 50,1% so với kế hoạch năm 2024.
Ngoài ra, về dòng tiền, mặc dù lãi trở lại nhưng trong nửa đầu năm 2024, Tisco vẫn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 70,1 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 17,2 tỷ đồng. Thêm nữa, dòng tiền đầu tư âm 6,36 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 134,7 tỷ đồng, chủ yếu tiếp tục tăng vay nợ.
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Tisco vẫn tăng thêm 3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 307,2 tỷ đồng lên 10.559,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 6.751,8 tỷ đồng, chiếm 63,9% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.711,5 tỷ đồng, chiếm 16,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.100,5 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Tisco thuyết minh tài sản dở dang dài hạn chủ yếu ghi nhận 6.738,9 tỷ đồng dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2. Trong đó, kế hoạch tổng vốn đầu tư dự án ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, tổng giá trị đầu tư đã nâng lên 8.104,91 tỷ đồng
Ngược lại, về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Tisco tăng thêm 4,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 204 tỷ đồng, lên 4.678,6 tỷ đồng và bằng tới 292,2% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 4.474,6 tỷ đồng và bằng 262,1% tổng vốn chủ sở hữu).