Nhiều doanh nghiệp dệt may thuộc VGT đã phân bổ chuyền may để tham gia sản xuất khẩu trang phòng chống virus corona |
Trước nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao dẫn đến khả năng khan hiếm mặt hàng này, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tiến hành sản xuất khẩu trang nhằm hạ nhiệt thị trường, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) đã triển khai may khẩu trang phục vụ thị trường từ ngày 4/2/2020 để có thêm nguồn cung ra thị trường. Tương tự, các doanh nghiệp lớn như May 10, Dệt kim Đông Xuân, May Đồng Nai...cũng không đứng ngoài cuộc.
Ngay trong ngày đi làm trở lại đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, 90.000 khẩu trang đã được phát ra, trong đó 40 ngàn khẩu trang được phát cho người lao động, thực hiện 100% người lao động dùng khẩu trang và vệ sinh đúng cách, 50.000 khẩu trang được tặng cho người dân tại điểm cổng Tổng Công ty May 10.
Hiện, May 10 đang tiến hành sản xuất thêm khẩu trang, không để kinh doanh mà để phát miễn phí cho người dân.
Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP một mặt vẫn sản xuất hàng xuất khẩu nhưng vẫn góp sức mình cùng cộng đồng phòng chống dịch, ngay từ ngày 1/2/2020 lô khẩu trang vải đầu tiên 100.000 chiếc đã hoàn thành và chuyển đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Thái Bình để kịp thời trang bị cho các trường học.
Riêng Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (TNG) đã tiến hành sản xuất khẩu trang với năng lực dự kiến 50.000 - 60.000 chiếc/ngày. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho rằng, trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, TNG hoàn toàn có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 200.000 chiếc mỗi ngày.
"TNG đã nhận sản xuất đơn hàng khẩu trang với số lượng lên tới 1.000.000 chiếc cho Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên", ông Thời nói.
Khẩu trang do TNG sản xuất có thể sử dụng nhiều lần, được sản xuất từ vải nano có độ co giãn tốt, nhẹ nhàng, thoải mái khi vận động. Vải được dệt từ các sợi siêu nhỏ, tạo thành một hệ thống hút ẩm lý tưởng, dẫn truyền hơi từ bên trong ra ngoài, giúp bề mặt da luôn khô thoáng, dễ chịu. Tính năng quan trọng của khẩu trang TNG nằm ở lớp than hoạt tính, có khả năng lọc bụi, mùi và vi khuẩn siêu mạnh nhờ các lỗ xốp trên bề mặt của lớp than giúp hấp thu các chất độc dưới dạng hạt li ti và ngăn chặn chúng đi vào cơ thể. Nguyên liệu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khẳng định, đơn vị có thể đảm bảo nguồn cung vải và cung ứng ra thị trường từ 300.000 - 400.000 sản phẩm/ngày đối với mặt hàng khẩu trang được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn với mức giá 7.000 đồng/chiếc. Đây là mức giá tương đương với chi phí sản xuất.
Trong ngày hôm qua (05/02), vải dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân đã được chuyển tới Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định (Natexco) và Công ty cổ phần May Nam Định (Nagaco) và một phần cho Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP (Hugaco).
"Với một sản phẩm mới, công nhân phải mất khoảng 3 – 4 ngày để tập và làm quen với quy trình. Do đó, để làm được sản phẩm khẩu trang dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân, hiện nay đơn vị đang phải chuyển giao quy trình công nghệ và chuyên gia tới các đơn vị trong hệ thống của Tập đoàn để triển khai sản xuất", đại diện Vinatex thông tin.
Nguyên liệu là mối lo ngại của không ít doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang, do phần lớn các nguyên liệu này đều nhập khẩu. Tuy nhiên, với năng lực xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm, Vinatex và nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn đã chủ động được một lượng vải cho sản xuất và có thể điều chuyển trong nội bộ để phục vụ sản xuất kịp ra thị trường.
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Tổng Công ty May Đồng Nai cho biết, hiện nay Tổng Công ty đang nâng công suất vải không dệt kháng khuẩn lên công suất tối đa, với khoảng 10 – 15 tấn vải được sản xuất mỗi ngày. Mỗi 1 kg vải có thể làm ra 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn dùng 1 lần.
Tuy nhiên, do đây là loại vải phải được may bằng máy chuyên dụng, máy may thường không thể sản xuất nên phía đơn vị phải thuê một bên thứ 3 sản xuất để cấp phát cho cán bộ công nhân viên và người dân địa phương, tới nay đã phát được 30 nghìn cái. Bên cạnh đó, ông Kích cũng cho biết, với máy may chuyên dụng có thể sản xuất được 6.000 chiếc trong 1 giờ. Do đó, sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hàng, sốt hàng như thời gian qua.
Với việc sản xuất một mặt hàng mới như khẩu trang, Vinatex và các đơn vị thành viên phải sắp xếp lại dây chuyền may, đào tạo cho công nhân về kỹ thuật, cũng như chuyển giao thiết kế tới các đơn vị trong Tập đoàn.