Hiện trên thị trường có khoảng 6.800 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành. Ảnh minh họa, Internet |
Hội thảo nhằm trao đổi thông tin chuyên ngành, thảo luận chung liên quan đến thực phẩm chức năng Việt Nam và quốc tế; Báo cáo thành tựu khoa học - công nghệ, các kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng; Định hướng nghiên cứu phát triển thực phẩm chức năng ở Việt Nam; Giới thiệu các công trình nghiên cứu về thực phẩm chức năng và các lĩnh vực liên quan của các đơn vị, hướng tới phát triển ngành thực phẩm chức năng bền vững vì sức khỏe cộng đồng và xây dựng ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng liên tục tăng. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.
Tuy nhiên, một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành thực phẩm chức năng bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng. Bởi vậy, thông qua những hội thảo chuyên ngành còn giúp cung cấp thông tin, kiến thức cho người tiêu dùng về thực phẩm chức năng.
Mục tiêu của ngành thực phẩm chức năng hướng tới là đến năm 2030 sẽ có 90% dân số hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng và 70% dân số Việt Nam sử dụng loại thực phẩm đặc biệt này.