Đầu tư
Tổ hợp Hóa dầu miền Nam về tay người Thái?
Thanh Hương - 25/01/2018 08:05
Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đến từ Thái Lan đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho mua lại toàn bộ phần vốn góp của phía Việt Nam trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

10 năm tìm chủ đầu tư

Theo một báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngày 20/12/2017, phía SCG đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép SCG được mua lại toàn bộ phần vốn góp của PVN tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, kèm theo một số điều kiện để Dự án có thể triển khai thuận lợi.

Đề nghị mua lại phần vốn góp của PVN được đưa ra sau 9 tháng, kể từ thời điểm SCG cùng với PVN đã đặt bút ký lại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ công ty để chính thức trở thành 2 nhà đầu tư lớn trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (cuối tháng 3/2017).

Nếu thu về một mối, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có nhiều hy vọng đẩy được tiến độ nhanh hơn so với hiện nay.

SCG hiện nắm 71% vốn tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) - doanh nghiệp được thành lập để triển khai thực hiện Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

Để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 71% vốn tại dự án này, Tập đoàn SCG đã mua lại 25% cổ phần trong dự án của Công ty Dầu khí quốc gia Qatar (QPI), với trị giá khoảng 36 triệu USD (khoảng 1.300 triệu baht).

Nguyên nhân khiến QPI - nhà đầu tư, đồng thời là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho Dự án, rút vốn khỏi dự án này do phải tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển.

29% vốn còn lại tại LSP thuộc về PVN, sau khi đã nhận thêm 11% từ phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khi đơn vị này quyết định rời khỏi Dự án.

LSP đã tạm ứng tổng cộng 978 tỷ đồng tiền thuê đất và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành việc di dời toàn bộ 390 hộ trên tổng diện tích 464 ha mặt bằng chính của Dự án. Biên bản bàn giao đất thực địa cho LSP cũng đã được ký kết từ ngày 15/12/2016. 

Được biết, để có được 11% này, PVN đã trả khoảng 100 tỷ đồng cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, dù hiện tại vẫn còn 10% chưa thanh toán.

Tại thời điểm tháng 3/2017, Dự án được cho là có bước tiến rất dài khi chốt được các nhà đầu tư tham gia và kết thúc chuỗi biến động lớn về đối tác. Thay cho quy mô 3,7 tỷ USD được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, vốn đầu tư của dự án này đã tăng lên 5,4 tỷ USD.

Khi đó, ông Dhep Vongvanich, Giám đốc điều hành của SCG tại Việt Nam cho hay, dự tính trong quý II/2017, Dự án sẽ nhận được giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, sau đó sẽ tiến hành trao thầu và khởi công xây dựng vào quý III/2017, để có thể đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Theo một nguồn tin của Báo Đầu tư, sau khi PVN và SCG ký lại hợp đồng liên doanh, các bên đã khẩn trương triển khai các công việc liên quan nhằm thúc đẩy Dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, Dự án đã đối mặt rất nhiều khó khăn.

Khi PVN gặp khó

Trong đánh giá về Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam của PVN đưa ra đầu năm 2018, rất nhiều vấn đề không dễ triển khai từ phía PVN đã được nêu ra, như thu xếp vốn, đàm phán và ký kết các hợp đồng EPC của 3 gói thầu chính là A, F và G.

Đối với gói thầu B/C/D, do tới ngày 30/11/2017, nhà thầu thông báo không gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu và bảo lãnh dự thầu, nên từ ngày 1/12/2017, không còn nhà thầu nào tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu EPC cho các gói này. Do vậy, phía LSP đã đề nghị hoặc đàm phán trực tiếp lại như đã được Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc, hoặc đấu thầu lại.

Tuy nhiên, ngay cả việc đàm phán trực tiếp lại cũng có những vướng mắc, bởi trước đây, tỷ lệ vốn góp của phía Việt Nam trong LSP dưới 30%, nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, nhưng nay, do thực hiện theo Luật Đấu thầu hiện hành và thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nên các yêu cầu đã khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nguồn tin rất am hiểu tiến trình triển khai Dự án trên cho hay, với thực tế hiện nay, PVN rất khó triển khai các phần công việc liên quan đến trách nhiệm của mình trong Dự án, nên tiến độ không thể nhanh như mong muốn.

Trên thực tế, chỉ nói riêng việc giải quyết tồn tại của 5 đại dự án thua lỗ trong ngành dầu khí hay các biến cố ở một vài công trình trong ngành dầu khí thời gian gần đây đã là những khủng khoảng lớn mà PVN cần có thời gian khá dài để hồi phục.

“Đề nghị mua lại phần vốn của PVN trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam cũng nhận sự đồng ý về nguyên tắc của các cơ quan liên quan. Tất nhiên, sẽ còn nhiều công việc cần đàm phán để xác định trách nhiệm trong quá trình chuyển giao sau này, nhưng nếu thu về một mối, Dự án có nhiều hy vọng đẩy được tiến độ nhanh hơn so với hiện nay”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.

Tin liên quan
Tin khác