Ngân hàng - Bảo hiểm
Tổ tiết kiệm và vay vốn: Cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội
Nhất Nam - 13/05/2017 10:45
Mới đây, có dịp thăm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm (Hà Nội), chúng tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện của Giám đốc Chi nhánh Đặng Văn Lâm về vai trò quan trọng của các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Người vay vốn có thêm động lực

Chúng tôi đã được các cán bộ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Gia Lâm dẫn đi thăm các  xã Yên Thường, Kiêu Kỵ để tìm hiểu các mô hình vay vốn sản xuất kinh tại địa phương và đã không khỏi bất ngờ trước hiệu quả mà nguồn vốn vay đã đem lại cho các hộ gia đình.

Anh Lê Đăng Quynh (xã Kiêu Kỵ), hộ vay 50 triệu đồng sản xuất kinh doanh chia sẻ: Chúng tôi khấm khá lên cũng nhờ có nguồn vốn vay ban đầu của NHCSXH, đã tạo đà cho sản xuất kinh doanh. Tích lũy dần dần, trả hết nợ, thoát nghèo rồi có của ăn của để như bây giờ”.

Nhờ nguồn vốn tín của NHCSXH và sự động viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình anh Quỳnh đã có của ăn của để từ nghề quỳ vàng, bạc.

“Điều chúng tôi thấy cảm kích hơn cả khi được biết đại diện cho NHCSXH, nhân viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã sát sao xuống tận mỗi gia đình để kiểm tra hiệu quả đồng vốn, động viên chúng tôi trong sản xuất”, anh Quynh cho biết.

Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Yên Thường là một trong những tổ hiệu quả nhất của NHCSXH huyện Gia Lâm, với tổng dư nợ hơn 3 tỷ đồng/154 hộ vay. Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thường, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã cho biết: “Nhờ có nguồn vốn tín dụng của NHCSXH, cuộc sống người dân được nâng cao cả chất và lượng. Thông qua các tổ vay vốn, những đồng vốn tín dụng được sử dụng hiệu quả hơn, trả nợ, lãi đúng hạn hơn và không có tình trạng nợ đọng, quá hạn”.

Trong 3 tháng đầu năm, vốn cho vay theo chỉ tiêu kế hoạch được Thành phố thông báo (kế hoạch tín dụng được giao): 249.417 triệu đồng. Cụ thể, vốn nhận ủy thác: 6.750 triệu đồng (Trong đó: nguồn ngân sách huyện là 5.650 triệu đồng, năm 2017 bổ sung thêm 500 triệu đồng; Mặt trận Tổ quốc huyện 1.100 triệu đồng). Vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế: 13.600 triệu đồng. Trong đó, vốn huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ Tiết kiệm và Vay vốn: 9.542 triệu đồng, với sự tham gia của 256 tổ Tiết kiệm và Vay vốn, tỷ lệ Tổ tham gia là 100% mức huy động bình quân/Tổ là 37 triệu đồng, mức huy động bình quân 1 thành viên là 50.000 đồng; huy động dân cư tại điểm giao dịch xã là 2.400 triệu đồng.

Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm, Đặng Văn Lâm cũng nhận xét, cho vay ưu đãi để mang lại thành công bao giờ cũng phải đặt yếu tố gần gũi người dân, bám sát cơ sở lên hàng đầu. “Chúng tôi phải thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa hoạt động của tổ đi vào nền nếp, rà soát để cho vay vốn đúng đối tượng. Hộ vay phải có phương án sản xuất kinh doanh khả quan, với cho vay giải quyết việc làm thì phải có nhân lực thực sự tốt”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, để có được sự sát sao đó, ngoài việc cử cán bộ bám địa bàn, một bộ phận được xem như cánh tay nối dài của NHCSXH để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và  sát sao với người vay vốn là các tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc này giúp chúng tôi rất nhiều khi đưa nguồn vốn tín dụng của Nhà nước xuống người dân một cách hiệu quả. 

Dân cần là có vốn

Bên cạnh đó, NHCSXH cũng phải thường xuyên phối hợp với các ban, ngành liên quan của huyện như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lâm để có sự kết hợp với các chương trình khuyến nông, hay các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Việc lồng ghép với các chương trình khuyến nông, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế với hoạt động vay vốn có vị trí quan trọng, để khi có vốn giải ngân, khách hàng có thể  tổ chức sản xuất được ngay và nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế. Xây dựng mạng lưới khuyến nông từ huyện đến cơ sở, hướng dẫn hội viên tham gia các đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ được vay vốn.

Cùng với đó, việc sinh hoạt của từng tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành kênh tuyên truyền đến từng hộ dân chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Chính sự gắn kết mang tính cộng đồng ở các tổ đã tạo cơ hội để các thôn giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng vốn vay, tạo thành một phong trào rộng rãi trong toàn huyện.

Tin liên quan
Tin khác