Ngân hàng
Tọa đàm "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế"
Kỳ Thành - Chí Cường - 30/11/2021 08:45
Toạ đàm: “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” nhằm giới thiệu với công chúng về những giải pháp mà NHNN, các tổ chức tín dụng thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Để thích ứng, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp phù hợp trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì hỗ trợ tăng trưởng, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều cơ chế kinh doanh linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chung tay cùng cộng đồng thực hiện trách nhiệm xã hội với nhiều đóng góp thiết thực.

Trong bối cảnh đại dịch chưa chấm dứt, Việt Nam chuyển thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm vừa hạn chế tác động xấu tới sức khỏe người dân, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Điều này có nghĩa, ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch nền kinh tế sẽ phải có thêm những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp, cũng như các biện pháp cùng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian tới.

Để giới thiệu với công chúng về những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã thực hiện trong thời gian qua cũng như sắp tới, vào lúc 9h00 sáng nay (30/11), Báo Đầu tư với sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện Toạ đàm: “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”.

Toạ đàm: “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”

Các diễn giả sẽ tham gia buổi Tọa đàm:

1. Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

3. TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

4. Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV

5. TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

6. Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank

Nội dung buổi Tọa đàm sẽ được đăng tải và phát trực tuyến trên các nền tảng của cơ quan Báo Đầu tư.

 
11/30/2021 09:10

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư:

Việc chung tay cùng vượt qua khó khăn mùa dịch là nỗ lực rất lớn mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua, trong đó có rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Trong đó chúng ta thấy những yếu tố quan trọng, giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, hướng tới tăng trưởng.

Riêng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, đã có nhiều cuộc thảo luận để giải quyết một số câu hỏi lớn như liệu có cần một gói kích cầu lãi suất đủ lớn để giảm chi phí vay, tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp hay không? Nếu có thì triển khai thế nào để tránh tác động xấu? Việc kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thế nào? Sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán và tăng mạnh thị trường trái phiếu thời gian qua có vai trò gì và cần phát triển thế nào để mở ra kênh đầu tư mới cho các cá nhân hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp phục hồi?

Các chính sách về tỷ giá cần điều hành thế nào? Xử lý nợ xấu thế nào để không tạo cục máu đông trong nền kinh tế? Các chính sách về đầu tư công nghệ, sandbox với ngành tài chính để ngành tài chính Việt Nam không lạc hậu so với thế giới?

Cuộc tọa đàm hôm nay sẽ tập trung vào những vấn đề như vậy để góp thêm tiếng nói chính sách.

 
30/11/2021 09:24

Là diễn giả đầu tiên trình bày tại tọa đàm, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tóm tắt 7 chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã thực thi thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế, đưa ra một số vấn đề lớn và định hướng giải quyết thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.

11 tháng, thị trường tiền tệ dồi dào, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn vay của nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với 2020.

Điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, tập trung các lĩnh vực cung ứng vốn, sản xuất kinh doanh, cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời cho nền kinh tế.

Triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp người dân gặp khó khăn.

Triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ với một số đối tượng gặp khó khăn nhất do đại dịch.

Thị trường ngoại tệ, tỷ giá từ đầu năm đến nay ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại quốc tế, tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Miễn giảm phí thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Sang năm 2022, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,9%, giá cả hàng hóa cơ bản và lạm phát ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung, các nước giảm dần hỗ trợ, nhiều nước tăng lãi suất điều hành để giảm lạm phát.

 
11/30/2021 09:27

TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trình bày báo cáo Đánh giá về sự thay đổi trong điều hành kinh tế và cách thích ứng của các quốc gia khu vực châu Á với đại dịch. Ông Cường cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách.

Đây là cuộc khủng hoảng chưa bao giờ xảy ra.

Trước khi cuộc khủng hoảng này, kinh tế toàn cầu đã trải qua cuộc đại khủng hoảng 2008-2010. Thay vì các biện pháp truyền thống, các nước đã chuyển chính sách tài khóa thuận chu kỳ sang ngược chu kỳ.

Trước khi xảy ra khủng hoảng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và đang định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba là vấn đề địa chính trị.

Khi các nước chuẩn bị chuyển sang chính sách tài khóa thì cuộc khủng hoảng này xảy ra. Việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong 10 năm qua đã đẩy một lượng thanh khoản rất lớn ra thị trường, tạo ra những tác động dài hạn.

Ở khu vực châu Á, dịch bệnh có xu hướng giảm, tốc độ tiêm chủng nhanh. Vắc-xin đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, góp phần làm tốc độ phục hồi kinh tế ở châu Á tăng rất nhanh, mạnh mẽ.

Trong đại dịch, thương mại của Trung Quốc tương đối mạnh, nhưng khi các nước châu Á phục hồi thì tốc độ tăng trưởng thương mại của các nước châu Á cũng đã được thu hẹp với Trung Quốc.

Về đầu tư, châu Á cũng bị ảnh hưởng của đại dịch, nhưng dự báo của ADB thì đầu tư sẽ phục hồi dần, bắt đầu từ năm 2021-2022.

Về nợ công, xu hướng của châu Á là tăng, một số nước đã tăng trần nợ công để tạo dư địa cho chính sách tài khóa nhưng nhìn chung vẫn nằm trong tổng kiểm soát.

Lạm phát cú xu hướng tăng, nhưng nhìn chung lạm phát châu Á tăng nhẹ, sẽ tiếp tục tăng và có nhiều rủi ro năm 2022 nhưng không nhiều rủi ro như Mỹ hay châu Âu.

Về điều hành chính sách tiền tệ, nhìn chung các nước châu Á duy trì chính sách điều hành tiền tệ mở rộng. Nhưng một số nước đã bắt đầu nâng lãi suất.

Về chính sách tài khóa, năm 2020 các nước đã tung ra những gói rất mạnh. Việt Nam còn rụt rè so với các nước khác. Năm 2021 các nước chưa siết lại, nhưng 2022 sẽ siết chặt ở một số nước.

Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam:

Mức độ rủi ro của đại dịch còn rất lớn, những biện pháp đưa ra nếu không tính toán đến yếu tố dịch tễ thì rất khó.

Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn các nước, trong khi chính sách tài khóa còn khiêm tốn, rụt rè. Do đó, chính sách tài khóa đóng vai trò lớn trong thời gian tới. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn.

Phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn.

 
11/30/2021 09:50

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế nêu kinh nghiệm xử lý các vấn đề tài chính, tiền tệ sau mỗi đợt nền kinh tế gặp khó khăn và phản biện chính sách hiện nay.

Trong đại dịch, Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. Các nước coi dịch bệnh này là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc, vì thế nó xuống rất nhanh và phục hồi rất nhanh theo hình chữ V.

Việt Nam có vẻ như đang là chữ U chứ không phải chữ V.

Có thể Việt Nam có cả vấn đề về cấu trúc chứ không đơn thuần là tai nạn y tế. Điều đó cũng đúng vì chúng ta đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế.

Báo cáo của anh Cường cho thấy Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh, hầu hết mới là các gói gián tiếp mang tính giãn, hoãn, chưa tới 1% GDP.

Chính sách có vẻ lúng túng, chính sách tài khóa 2021 không có mục nào là chống Covid cả. Cả giai đoạn tới đây cũng không có mục nào là tài chính dành cho Covid cả, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước.

Cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để điều hành như trong tình trạng khẩn cấp.

Trong các cuộc khủng hoảng, người ta không kéo ngân hàng vào cuộc. Ông Nghĩa khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009. Nó đã làm tốc độ tăng trưởng tăng lên rất cao, kéo theo lạm phát. Đấy là cách làm không đạt hiệu quả như mong muốn, thứ hai là năng lực quản trị của ngân hàng trung ương thời điểm đó chưa được như bây giờ.

Do đó, nếu làm thì phải kiên quyết đạt được các nguyên tắc:

Một là không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các doanh nghiệp vay đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì đến Bộ Tài chính, chứ không cấn trừ ngay vào lãi suất của hệ thống ngân hàng, làm méo mó, khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ, đó là điều tối kị.

Hai là không kéo dài kế toán kiểm toán và xử lý tài chính.

Ba là không ảnh hưởng gì đến méo mó lãi suất thị trường.

Bốn là không đẩy ngân hàng thương mại vào rủi ro có thể có.

Làm thế nào để kiểm soát lạm phát? Bây giờ chúng ta có kinh nghiệm rồi, NHNN kiểm soát lạm phát chặt chẽ và bài bản.

Không biết lần này các nhà hoạch định đưa ra chính sách đã tính toán hiệu quả của chính sách này chưa? Khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm, điều này phải cân nhắc.

 
11/30/2021 10:12

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank chia sẻ thực tế hoạt động của ngân hàng 2 năm qua và một số giải pháp đem lại thành công, hiệu quả.

Về mặt công nghệ, các ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, quản trị nội bộ và tương tác với khách hàng.

Các ngân hàng đã có một số hình thức dịch vụ giúp khách hàng thuận tiện giao dịch.

Đẩy mạnh truyền thông, marketing online, telesale.

Về các giải pháp hỗ trợ, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển và vượt qua dịch bệnh.

Phân tích tình hình các đối tượng gặp khó khăn do Covid, đưa ra giải pháp nhằm làm giảm thiểu khó khăn, thiệt hại như cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, miễn giảm các loại phí…

Về chi phí, các ngân hàng đều tiết giảm tối đa chi phí vận hành, chi phí không cần thiết, nâng cao năng lực hoạt động, năng suất lao động.

Về quản trị rủi ro, các ngân hàng ngày càng nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, tiến sát đến các chuẩn mực thế giới.

Về kế hoạch phát triển kinh doanh, các ngân hàng đều có xu hướng cơ cấu theo hướng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, nhiều ngân hàng nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn, nâng cao năng lực quản trị.

Từ thực tiễn, Liên Việt đề xuất, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hoạt động của ngân hàng có hệ lụy không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ cá nhân. Dù ngân hàng đã có nhiều giải pháp thiết thực, nhưng vẫn cần giải pháp đồng bộ từ Chính phủ để hỗ trợ người dân trong phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chính phủ phải có các giải pháp, gói kích thích kinh tế kịp thời, công tác phòng chống dịch phải đi đôi với phát triển kinh tế.

Về hỗ trợ tài chính, Chính phủ phải tiếp tục có kế hoạch miễn, giảm, giãn thuế phí.

Tránh tạo ra cản trở, đứt gãy trong hoạt động của doanh nghiệp, tiến hành cải cách hành chính, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Với NHNN, đề xuất xem xét tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi dịch bệnh thông qua ưu đãi lãi suất.

Về áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thế giới dự báo tăng, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất Việt Nam, rất cần kịch bản chính sách vĩ mô, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, hỗ trợ lãi suất.

Đề xuất NHNN cho phép các NHTM được thực hiện tăng trưởng tín dụng phù hợp với tiềm năng, quy mô của từng ngân hàng để chia sẻ tới người dân, doanh nghiệp gặp ảnh hưởng, ưu tiên một số lĩnh vực nông thôn, công nghiệp sạch, DNNVV…

 
11/30/2021 10:26

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Đức HiếuUỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV tập trung vào vấn đề, nếu đưa ra các biện pháp thì áp dụng cho đối tượng nào, và đối tượng đó có chính xác không?

Từ kinh nghiệm quốc tế, quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng “zombie”, là những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp, kéo dài tình trạng “xác sống” trước khi rút khỏi thị trường. Sợ nhất là khoản vay đó không đi vào đúng đối tượng.

Xu hướng hiện nay là tạo ra sự sàng lọc mạnh mẽ, làm mới lại các khu vực doanh nghiệp, phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới.

Ở đây có 2 thứ là tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải sử dụng các biện pháp thị trường, tránh hành chính hóa.

 
11/30/2021 11:07

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư:

Một điểm chung mà các diễn giả đã nêu là câu chuyện lãi suất và lạm phát. Có những lo ngại về dư địa thời gian và xu hướng chung trên thế giới. Chúng ta nhìn nhận xu hướng chung trên thế giới và đặc biệt là châu Á, đó là thắt chặt một số biện pháp hỗ trợ và gia tăng lãi suất. Trong khi đó chúng ta đang nhấn mạnh câu chuyện hỗ trợ thông qua giảm lãi suất. Điều đó có dẫn tới rủi ro do tác động mới từ bên ngoài cũng như từ bên trong hay không?

Trong bối cạnh lạm phát thế giới lên cao và hướng tới việc kiểm soát thì chúng ta bơm tiền ra sẽ thế nào nếu gia tăng hỗ trợ?

 
11/30/2021 11:15

Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Mặt bằng lãi suất giảm so với năm 2020 khoảng 0,5-0,7% là mức giảm khá lớn, so với các nước trong khu vực, NHNN đã có sự điều chỉnh mạnh trong năm 2020.

Với bối cảnh lạm phát năm 2021, việc tiếp tục hạ lãi suất huy động thời gian tới thực sự không khả thi, có thể gây xáo trộn lớn cho nguồn vốn, ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Ở góc độ lãi suất thị trường hiện nay khá thấp, quan ngại của NHNN về an toàn hệ thống nên việc điều hành lãi suất thời gian tới đảm bảo hài hòa.

Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ ngành xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, về nguồn lực đang giao Bộ KHĐT xác định đối tượng cụ thể tiếp cận hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính và NHNN sẽ xác định nguồn lực, trên nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.

Về rủi ro lạm phát, NHNN dự kiến năm 2022 có áp lực lớn do độ mở của nền kinh tế và áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu. IMF, các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo khoảng 3,5-4%, rủi ro lạm phát vượt 4% sẽ phụ thuộc giá cả thế giới.

Lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức kỷ lục nên NHNN phải chuẩn bị các kịch bản cần thiết.

 
11/30/2021 11:28

TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB:

Việc siết lại các chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước phát triển sẽ có ảnh hưởng nhưng không mạnh đối với các nền kinh tế châu Á như năm 2013.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách này và đến ngưỡng phải cân nhắc về sự an toàn, chúng tôi dự báo đã khoảng 7%.

Ngân hàng là lĩnh vực nhảy cảm, nếu tiếp tục gây áp lực thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Khuyến nghị của ADB là chính sách tài khóa sẽ là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Theo ADB và các tổ chức khác, các chính sách tài khóa của Việt Nam mới hỗ trợ khoảng 2% GDP, là mức rất thấp so với các nước trong khu vực, cho thấy chúng ta hoàn toàn có dư địa để tăng lên. Nhưng quan trọng hơn là hiệu quả, nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả thì về mặt số lượng cũng không có ý nghĩa nhiều.

 
11/30/2021 11:49

TS. Lê Xuân Nghĩa:

Các nước đi đến cuối đoạn đường, Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào 2 lạm phát, một là lạm phát chi phí đẩy (do thiếu cung), hai là do kích thích từ rất sớm, cách đây 2 năm dẫn tới lạm phát cầu kéo, tức là số tiền bỏ ra cách đây 2 năm giờ phát huy tác dụng.

Người ta hi vọng giảm phát này có thể giảm xuống vì khi cung tăng lên, giá cả sẽ giảm đi. Nhưng tôi không nghĩ như vậy vì số lượng tiền các Chính phủ in ra lần này cực lớn, chưa từng có trong lịch sử. Số tiền đó từ máy in tiền ra hết, đó là rủi ro lạm phát cầu kéo trong tương lai, có thể dẫn đến chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ. Ông đã in tiền nhiều như vậy là sẽ phá giá tiền của ông, tức là ăn cắp tiền của tôi. Ngoài ra còn là rủi ro về tỷ giá.

Tôi đồng ý nên chăng tập trung vào các biện pháp ngắn hạn, mà trước mắt là phục hồi lao động. Ngoài gói kích thích lãi suất ra, tôi muốn có thêm gói tài chính trực tiếp, có thể Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho DNNVV vay, phục hồi việc làm, tài trợ an sinh xã hội.

 
11/30/2021 11:53

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank:

Đối với NHTM, cụ thể là LienVietPostBank, chúng tôi đã vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho khách hàng, giảm các loại phí.

Ngân hàng đánh giá bản thân doanh nghiệp sẽ đối mặt với nợ xấu, ngân hàng phải ngồi lại với từng doanh nghiệp để rà soát, xem ngân hàng phải hỗ trợ đến đâu. Nếu doanh nghiệp phát sinh nợ xấu thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngân hàng. Đến 2022 nợ xấu của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do hỗ trợ doanh nghiệp, nên cần chính sách đồng bộ từ Chính phủ, NHNN để có thể đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh.

 
30/11/2021 12:08

TS. Lê Xuân Nghĩa:

Cho đến khi có dịch, hệ thống ngân hàng thương mại bứt lên khủng khiếp, nếu chúng ta chứng kiến số liệu tốc độ tăng tài sản của ngân hàng thương mại, tốc độ tăng lợi nhuận, tốc độ tăng vốn CSH đều trên 60% trong 5 năm vừa rồi, quá khủng khiếp. Tôi không hiểu tại sao tốc độ tăng “Thánh Gióng” như vậy.

Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, tốc độ tăng lợi nhuận một số ngân hàng có thể lên hàng trăm %. Đó là điều không nên vui mừng, đó là điều không bình thường, đáng lo ngại. Chúng tôi đang phân tích sâu hơn, kỹ hơn.

Sơ bộ có mấy vấn đề như sau:

Khối lượng nợ xấu là rất lớn, không phải như con số thông báo. Bằng chứng là mức ROE, ROA của ngân hàng đang tăng nhanh, tức là không phải trích lập dự phòng rủi ro nên lợi nhuận tăng như vậy, nói cách khác lãi dự thu là rất lớn. Dòng tiền của ngân hàng khó khăn, tức là tồn ở nợ xấu. Chúng tôi phân tích 11 ngân hàng, thấy đáng lo hơn đáng mừng. Vì vậy chúng tôi rất lo ngại các gói kích thích kéo ngân hàng thương mại vào, đó là rủi ro kinh tế vĩ mô thực sự.

Sắp tới đây, nên rút củi đáy nồi với gói giãn hoãn, giảm bớt liều lượng, kể cả thuế, lãi suất, phí, phân loại nợ… Đồng thời cho phép NHTM trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Hiện nhiều NHTM ghi nhận lãi cao đến mức họ phát sợ.

Sau cuộc khủng hoảng này, doanh nghiệp vất vả nhất là các NHTM. Vì thế nếu kinh tế phục hồi thì bắt đầu là vấn đề của ngân hàng và thị trường chứng khoán.

 
11/30/2021 12:11

Bà Nguyễn Ánh Vân:

Sức khỏe tài chính của các NHTM đã tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước đây, hầu như đã hoàn thành các chuẩn mực Basel II, Thông tư 41… Như LienVietPostBank đã tiếp cận tiêu chuẩn Basel III.

NHTM đã phân hóa dần rủi ro nhờ tăng thu từ dịch vụ, nguồn thu từ thanh toán, bảo hiểm, đặc biệt là banca đã mang lại nguồn thu nhập khá tốt cho các NHTM và không có nhiều rủi ro tín dụng.

Các NHTM đã thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Những ngân hàng nào ý thức bảo vệ sức khỏe của mình thì đã nâng tỷ lệ lên.

Tôi không quá quan ngại về tình hình khó khăn, việc đồng hành để giãn nợ, cơ cấu lại nợ cũng phải theo sát sức khỏe của doanh nghiệp.

 
30/11/2021 12:14

Ông Lê Trọng Minh: Nghị quyết 42 sắp hết thời gian thí điểm. Theo các diễn giả, có nên luật hóa hay có biện pháp thay thế nào khác?

Ông Phan Đức Hiếu: Luật hay không chỉ là hình thức văn bản, quan trọng hơn là nội dung, hình thức chính sách còn phù hợp không. Luật hay không chỉ là hình thức kỹ thuật. Tôi muốn nghe thêm ý kiến của chị Vân.

Bà Nguyễn Ánh Vân: Đứng từ khía cạnh NHTM, rất cần tiếp tục gia hạn Nghị quyết 42. Nếu luật hóa thì càng tốt, còn không thì vẫn phải có cơ sở, sở cứ để các tổ chức tín dụng bám vào xử lý nợ xấu.

Từ thực tế triển khai của các NHTM, Nghị quyết 42 có nhiều hiệu quả tích cực, nhưng cũng có nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai.

Bà Bùi Thúy Hằng: NHNN đã hoàn thiện dự thảo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng. Đồng thời đánh giá hiệu quả Nghị quyết 42. Trên cơ sở đó có đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu.

 
11/30/2021 12:23

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu bế mạc tọa đàm.

Trong đề dẫn ban đầu, chúng tôi có tham vọng nhiều nội dung trao đổi hơn, nhưng trong khuôn khổ thời gian tọa đàm hôm nay, chúng ta không thể giải quyết được hết các câu hỏi đặt ra.

Nhưng chắc chắn thông qua các tham luận, nghiên cứu và trao đổi thảo luận, các diễn giả đã tham khảo được của nhau và mang đến cho khán giả những thông tin thiết thực, hữu ích, liên quan đến dẫn mạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế, sử dụng hiệu quả, hạn chế rủi ro vĩ mô trung và dài hạn.

Các chủ đề khác chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục được trao đổi tại các tọa đàm tiếp theo do Báo Đầu tư tổ chức.

Tin liên quan
Tin khác