Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đến nay vốn ĐTNN đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động ĐTNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới mà đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030”. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới.
Để có thêm những nhận định của những người gọi là trong cuộc đối với ĐTNN, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm: Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Tham dự cuộc tọa đàm có các vị khách mời:
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 50 về vấn đề này. Đây có thể nói là chúng ta chuyển sang giai đoạn mới là hợp tác đầu tư nước ngoài thay vì hiểu hạn hẹp là thu hút, sử dụng… FDI đã chính thức cấu thành một phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm xuyên suốt về vấn đề này?
Ông Vũ Đại Thắng: Từ những ngày đầu mở cửa Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài để tận dụng những tiềm năng lợi thế của họ trong vốn đầu tư, công nghệ, thị trường.
Các chủ chương của Đảng đã được cụ thể hóa bằng 4 bộ luật quan trọng về đầu tư nước ngoài (luật đầu tư nước ngoài 1987; luật đầu tư nước ngoài 1996; luật đầu tư chung 2005 và 2014). Thông qua 4 bộ luật đầu tư này, chúng ta đã tạo một cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tổ chức thực hiện thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài; nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành nguồn vốn quan trọng hỗ trợ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta với tư cách như một nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của đất nước, đóng góp cho việc tăng năng suất, tăng giá trị lao động.
Bên cạnh mặt tích cực đó, cũng có những hạn chế nhất định đặc biệt là đến thời điểm này, sau 30 năm, thế và lực của đất nước ta có nhiều thay đổi, đã đến thời điểm chúng ta cần ưu tiên lựa chọn những DN, dự án phù hợp với chúng ta về mặt khoa học, công nghệ.
Chính vì vậy Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng chủ trương về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này. Đặc biệt, Nghị quyết đã sử dụng chữ “hợp tác” chứ không phải thu hút và sử dụng, nó thể hiện sự bình đẳng, chủ động của chúng ta trong làm việc với các đối tác nước ngoài và đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư vào Việt Nam.
Những điểm nhấn trong Nghị quyết rõ ràng muốn định hướng một chiến lược quan trọng đó là chào mời những nhà đầu tư nước ngoài chân chính, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về công nghệ, lao động… và đương nhiên sẽ phải loại bỏ những nhà đầu tư núp bóng nhằm né thuế, chuyển giá… Ông bày tỏ quan điểm của mình thế nào về vấn đề này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trong thời gian qua đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế nước ta chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư. Trong một chừng mực nào đó, đầu tư FDI không có sự lựa chọn không những không kết nối được với DN vừa và nhỏ trong nước mà còn có hiện tượng chèn lấn khu vực DN vừa và nhỏ của Việt Nam.
Số liên doanh với DN Việt Nam chỉ chiếm 2 phần trong 10 phần của FDI. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp. Trong các FDI cũng có sự chuyển giá, có hiện tượng gian lận thương mại, chúng ta phải có những biện pháp rất chuyên nghiệp, quyết liệt để có thể khắc phục trong thời gian tới.
Chính vì vậy chúng tôi rất hoan nghênh Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã định hướng cho hệ thống thể chế pháp luật, định hướng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Vũ Đại Thắng: Tôi cho rằng nếu chúng ta chỉ nhìn những con số để quy chụp đầu tư nước ngoài lấn át trong nước thì chúng ta cần phải cân nhắc. Thay vì việc phê phán, chúng ta cần thúc đẩy chính các DN trong nước phát triển.
Trong Nghị quyết 50 cũng có đề cập đến vấn đề đảm bảo tính kết nối liên thông giữa đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước là một yêu cầu rất bắt buộc và cũng chỉ ra những định hướng rất rõ ràng.
Ngoài việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, khuyến khích DN nước ngoài mua hàng hóa của DN trong nước, Bộ Chính trị cũng chỉ ra những giải pháp hỗ trợ DN trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thành: Tại Hải Phòng, những năm đầu chúng tôi có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đặc biệt là khu công nghiệp Nomura, thời điểm đó làn sóng đầu tư vào Hải phòng còn rất hạn chế, việc thu hút được DN lấp đầy là cả một quá trình.
Trong thời gian vừa qua FDI cũng đóng góp khá lớn vào tổng vốn đầu tư trong nước, giải quyết 30% - 35% vị trí việc làm, đóng góp cho thu địa phương từ 17% - 20%. Đặc biệt trong quá trình thu hút đầu tư FDI chúng tôi thấy có nhiều DN họ chú trọng rất cao việc đào tạo tại chỗ.
Điểm quan trọng trong Nghị quyết 50 mà chúng tôi chú ý đến là việc chuyển giao công nghệ và chuyển giao trình độ quản lý, đây là điểm còn hạn chế chính vì vậy mà Nghị quyết 50 ban hành rất đúng thời điểm.
Làm thế nào để chúng ta có những giải pháp căn cơ để trong thời gian tới chúng ta làm tốt được việc kết nối các DN FDI và DN trong nước?
Ông Vũ Đại Thắng: Đây là một vấn đề chúng ta đã nhìn nhận ra từ rất lâu. Chúng ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các DN FDI mua nguyên vật liệu cung ứng trong nước; ngược lại đối với DN trong nước chúng ta cũng phải có các giải pháp để hỗ trợ DN của chúng ta để nâng tầm sản phẩm lên đáp ứng được yêu cầu của các DN nước ngoài.
Tiếp nối câu chuyện của ông Thành, cho rằng phải kết nối các DN FDI và các DN trong nước. Vậy làm thế nào để chúng ta có giải pháp căn cơ để trong thời gian tới chúng ta là tốt việc này?
Ông Vũ Đại Thắng: Nội dung kết nối giữa DN nước ngoài và trong nước như tôi vừa chia sẻ, chúng ta đã nhìn nhận từ lâu. Chúng ta đã có nhiều yêu cầu, nhưng thực chất vẫn chưa làm được.
Do vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 lần này đã chỉ ra những giải pháp như tôi vừa chia sẻ, giải pháp khuyến khích DN có đầu tư nước ngoài, những chính sách hỗ trợ để DN có thể sử dụng các dịch vụ như anh Lộc có chia sẻ, dịch vụ mua sắm nguyên, nhiên vật liệu từ các DN trong nước, cung ứng dịch vụ cho họ.
Nhưng ngược trở lại, đối với DN trong nước, chúng ta phải có chính sách để hỗ trợ DN trong nước để nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chuỗi giá trị của các DN đầu tư nước ngoài để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đó. Đây là biện pháp chúng tôi cho rằng vừa kéo vừa đẩy.
Trong quá trình xây dựng Đề án tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi được đi thực tế ở Hải Phòng. Hải Phòng là nơi thực thi rất nhiều chính sách thí điểm trong tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về đầu tư nước ngoài, các mô hình quản lý mới, khu công nghiệp… rất nhiều chuỗi giá trị lớn của các nước được thành lập trên thành phố Hải Phòng.
Chúng tôi học hỏi được nhiều, từ đó đưa ra báo cáo với các cấp có thẩm quyền để tổng hợp trong Nghị quyết 50 này. Chúng tôi thấy rằng trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị có bóng dáng rất nhiều của thành phố Hải Phòng.
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị có nhiều ràng buộc quan trọng về thu hút FDI lại đặt mục tiêu giải ngân cao hơn trước. Trong khi nỗ lực giải ngân của chúng ta đang gặp nhiều vấn đề mặc dù gần đây cũng đã có những kỷ lục trong giải ngân vốn xuất hiện. Ông có lo ngại về vấn đề này không, thưa ông?
Ông Vũ Đại Thắng: Với tư cách là người trực tiếp tham gia làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia vào quá trình quản lý các dự án đầu tư nước ngoài rất nhiều năm ở nhiều cương vị, tôi cho rằng nếu nói Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra nhiều ràng buộc với nhà đầu tư nước ngoài là chưa thực sự chính xác.
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị định vị lại thành phần kinh tế đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế của nền kinh tế của chúng ta, bình đẳng với tất cả thành phần kinh tế khác và phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Với tính chất hữu cơ như vậy, thành phần kinh tế đầu tư nước ngoài nằm trong quy trình hoạch định chiến lược, hoạch định chính sách phát triển của Việt Nam. Nghị quyết số 50-NQ/TW đưa ra những mục tiêu khá cụ thể về đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới như mục tiêu về vốn đăng ký, mục tiêu về vốn thực hiện…
Các mục tiêu này Bộ Chính trị đưa ra ở mức độ vừa phải, chúng ta đã tính toán đến nhằm để tránh khu vực vốn đầu tư nước ngoài lấn át khu vực kinh tế trong nước, chỉ đảm bảo để khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục thúc đẩy, lôi kéo phát triển thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước của chúng ta.
Tổng mức đầu tư của nguồn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới chúng tôi đặt ở mức khoảng từ 20 – 25% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đây là mức độ rất vừa phải, bảo đảm tính an ninh của nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Về giải ngân, trong thực tiễn chúng ta gọi là giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Giải ngân dành cho đầu tư công và ODA. Hiện nay mức thực hiện trên vốn đăng ký đầu tư khoảng 56%, có nghĩa trong 350 tỷ USD đã được đăng ký đầu tư vào Việt Nam có khoảng xấp xỉ trên 180 tỷ USD đã trực tiếp bơm vào trong nền kinh tế nước ta, vẫn còn dư địa khoảng trên 180 tỷ USD chưa được thực hiện. Lý do nhiều dự án rơi vào độ trễ về đầu tư xây dựng, nhưng nhiều dự án có vốn ảo, đăng ký lớn nhưng thực hiện nhỏ. Đặc biệt là những dự án bất động sản.
Với những chính sách liên quan đến giám sát, quản lý đầu tư chắc chắn trong giai đoạn tới với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chúng ta sẽ hạn chế được dự án vốn ảo. Chúng ta sẽ chọn được những dự án xác đáng, hiệu quả nhất, phục vụ trực tiếp đến công cuộc phát triển của chúng ta, đặc biệt là các đồng chí ở địa phương.
Hiện nay việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép dự án do chính quyền địa phương cấp. Các Bộ, ngành là cơ quan xây dựng chính sách. Việc lựa chọn dự án, các bộ ngành chắc chắn sẽ có ý kiến tham mưu, nhưng trách nhiệm chính thuộc về các địa phương.
Thưa ông Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng vừa có nói đến vốn ảo, ở địa phương ông đã xảy ra nhiều vấn đề này hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Thành: Tôi cho rằng vốn ảo địa phương cũng có, nhưng ở Hải Phòng đang ở mức độ chúng tôi kiểm soát được. Hiện nay tại thành phố Hải Phòng đến hết tháng 8/2019 chúng tôi có 673 dự án với tổng vốn đầu tư là 17,52 tỷ USD. Rất nhiều tập đoàn lớn của toàn cầu đã đầu tư vào Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng đang thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại với nền công nghiệp phát triển.
Tôi cho rằng, những định hướng đó cùng với Nghị quyết số 50-NQ/TW, chúng tôi đã chủ động xây dựng danh mục thu hút các dự án khuyến khích đầu tư và danh mục các dự án không khuyến khích đầu tư. Chúng tôi sẽ có vùng cấm với những dự án ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng đầu tư. Đặc biệt chúng tôi chú trọng đến những nhà đầu tư có vốn ảo, chúng tôi trực tiếp giao cho một số ngành địa phương có thể thẩm định, tìm hiểu trước về dòng vốn và tên DN từ phía nước ngoài.
Thứ hai, chúng tôi kiểm tra, đốn đốc với những án có dòng vốn đầu tư vào Hải Phòng lớn, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, xuống hiện trường để xem dòng vốn đó có thực đi vào thị trường và giải ngân tại thị trường Hải Phòng hay không.
Năm 2018, chúng tôi có tính toán lại giá trị thực hiện xuất khẩu qua cảng Hải Phòng các ngành trong thành phố là 8,1 tỷ USD, nhưng sau khi kiểm tra lại với Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) chúng tôi đã đạt 11,25 tỷ USD. Đây là con số chúng tôi thấy rằng giữa kiểm soát dòng đầu tư vốn của các nhà đầu tư vào thị trường có thật hay không và kết quả ra sản phẩm xuất khẩu. Đây là điều chúng tôi đánh giá về cơ bản kiểm soát được.
Đến nay Hải Phòng đã có quan hệ về thương mại với 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng các nhà đầu tư đến đầu tư tại Hải Phòng đã đạt 38 quốc gia với hơn 17 tỷ USD. Con số này so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa phải cao, nhưng với thị trường Hải Phòng trong những năm gần đây có sự đầu tư của trung ương và sự nỗ lực của Hải Phòng xây dựng kết cấu hạ tầng, khu cụm công nghiệp, đặc biệt là địa chính trị, địa kinh tế của Hải Phòng đã đem lại lợi thế và sức hút đối với các nhà đầu tư. Trách nhiệm của Hải Phòng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành để kiểm soát được nguồn vốn đó.
Tại sao đặt ra vấn đề an ninh quốc phòng trong Nghị quyết này khi mà các hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và hàng hoá mà chúng ta đã kiểm soát được? Hay nói cách khác là chúng ta đã có rất nhiều quy định chặt chẽ cũng như nhiều rào cản thương mại được dựng lên để kiểm soát vấn đề này? Thưa thứ trưởng và các vị khách mời, các ông có thể giải thích rõ hơn ý này được không?
Ông Vũ Đại Thắng: Tôi chia sẻ thêm phần anh Thành vừa nói rất đúng. Hiện nay việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do chính quyền địa phương cấp. Trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra chúng ta có quyền xây dựng các hệ thống tiêu chí về đầu tư để lựa chọn ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với các quy hoạch, định hướng phát triển với từng địa phương, từng ngành.
Hải Phòng xây dựng những tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn các dự án, tôi cho rằng rất xác đáng bởi như anh Thành chia sẻ, Hải Phòng hiện nay đang ở vị thế rất thuận lợi. Bên cạnh những tiêu chí về đầu tư, một điểm nữa là yêu cầu về cơ chế rà soát về an ninh đối với các dự án đầu tư.
Việc tạm dừng hay chấm dứt một dự án vì lý do an ninh quốc phòng hay về vấn đề môi trường, văn hóa…được quy định ở tất cả các bộ luật đầu tư của chúng ta từ trước đến nay. Nếu một dự án gây ra thảm họa môi trường, hoàn toàn chính quyền có quyền chất dứt, tạm dừng dự án. Không chỉ nước ta mà tất cả các nước đều có quy định này.
Trong bối cảnh vấn đề an ninh có nhiều biến đổi, không còn là vấn đề truyền thống, mà sang cả vấn đề phi truyền thống từ môi trường, văn hóa, tôn giáo… Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có cơ chế rà soát trước khi cấp chứng nhận đăng ký đầu tư là rất cần thiết.
Bộ Chính trị đã có chỉ đạo rất rõ ràng, cần tổ chức rà soát ngay trước khi cấp các giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia. Trong đó nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề môi trường, an ninh trật tự, không gây ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa của Việt Nam. Không chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án mới mà trong trường hợp mua bán lại cổ phần, cổ phiếu.
Hiện nay phát sinh rất nhiều vấn đề do pháp luật đầu tư của chúng ta ngày càng thông thoáng nên tình trạng núp bóng, người nước ngoài mạo danh người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của các DN của Việt Nam để tránh việc thành lập các dự án mới, thậm chí vào những vùng an ninh quốc phòng của chúng ta đã có. Chúng tôi cho rằng việc đưa an ninh quốc gia để rà soát là rất bình thường, cộng đồng DN rất hoan nghênh.
Ông Vũ Tiến Lộc: Chúng ta phải xuất phát từ đường lối của Đảng để khẳng định rất rõ định vị khu vực kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta khẳng định kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã tạo thành nền tảng của nền kinh tế. Khi xác định khu vực kinh tế trong nước là nền tảng, có nghĩa FDI sẽ đóng vai trò như khu vực bổ trợ. Khu vực liên kết, tích hợp với khu vực trong nước.
Vấn đề an ninh quốc phòng trước hết liên quan đến khả năng tự chủ của nền kinh tế, không chỉ liên quan đến DN nằm ở địa bàn, khu vực, vị trí, hay những ngành nghề họ không thể tham gia. Khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam sẽ được quyết định bởi sự vững mạnh của khu vực kinh tế trong nước, cộng hưởng với khu vực đầu tư nước ngoài.
Những ngày gần đây sau khi có Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, tôi tiếp rất nhiều đoàn nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược của chúng ta. Họ rất hoan nghênh chủ trương này. Các DN chân chính rất hoan nghênh Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chúng ta muốn thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo, cho thế hệ đầu tư mới dựa trên cơ sở kinh tế số thì phải hoàn thiện hệ thống chính sách để đảm bảo thúc đẩy kinh tế số, kinh tế đổi mới sáng tạo. Điều này cần sự nỗ lực lớn. Nếu để như hiện nay, ngay kể cả DN Việt Nam khi muốn đầu tư vào những lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhiều khi cũng “bó tay bó chân” không thể làm được. Cần phải có sự đột phá trong chính sách để thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho một thế hệ đầu tư mới cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Thành: Tôi cơ bản đồng tình với ý kiến anh Lộc. Về vấn đề anh ninh quốc phòng trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu ra, chúng ta cần nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Thứ nhất, an ninh quốc phòng và vị trí địa lý, có liên quan đến những vị trí phòng thủ của nước ta hay không. Thứ hai, an ninh quốc phòng đối với ngành nghề, hoặc liên quan đến công nghệ như anh Thắng vừa chia sẻ.
Hiện nay chúng ta đang có suy nghĩ mâu thuẫn, chúng ta vừa muốn giải quyết việc làm của lực lượng lao động đang ở khu vực nông thôn sản xuất nông nghiệp. Như anh Lộc chia sẻ, chúng ta phải có tỷ lệ nhất định để thu hút dòng vốn FDI cho những công nghệ, lĩnh vực ngành hàng sử dụng nhiều lao động.
Nếu đầu tư thái quá, nông nghiệp nước ta chưa có chuyển dịch về cơ cấu, công nghệ trong sản xuất công nghiệp. Dòng di cư từ lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp sẽ gây ra khủng hoảng trong sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề cũng cần quan tâm cụ thể là an ninh lương thực, an ninh cho phát triển nông nghiệp. Diện tích nông nghiệp nước ta vẫn còn rất lớn. Các khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên, dải miền Trung có dân số đông, lao dộng nông nghiệp chiếm phần lớn.
Chúng ta phải có những quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia để định hướng một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều lao động tại chỗ ở các địa phương đó, chúng ta sử dụng được lao động tại địa phương mà không phải di cư đến các khu vực thành phố lớn, ảnh hưởng đến giao thông và mật độ dân số ở các thành phố lớn. Đồng thời an ninh khu vực đó không có sự biến động dân số dân cư. Chúng ta cần có những định hướng cụ thể đối với các ngành trung ương.
Những ngành thâm dụng lao động chúng ta có thể thu hút về những vùng miền như ông Thành vừa chia sẻ, tôi xin thêm ý kiến của ông Thắng về vấn đề này?
Ông Vũ Đại Thắng: Tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Lộc và anh Thành. Tôi xin trích một ý kiến trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long”.
Đây là một chỉ đạo rất rõ ràng trên thực tiễn đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua chủ yếu phân bổ ở những vùng có thuận lợi về hạ tầng như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, một bộ phận rất nhỏ của Tây Nam Bộ. Những vùng khác có số lượng đầu tư nước ngoài rất nhỏ hoặc mang tính chất tượng trưng. Nếu tiếp tục thu hút đầu tư vào những vùng hiện nay quá tải về hạ tầng chắc chắn ảnh hưởng hệ lụy rất lớn. Qua khảo sát của chúng tôi, một số địa phương bị sức ép về hạ tầng rất cao. Trên tổng số gần 40 khu công nghiệp đối với một địa phương, sức ép số lượng lao động di cư đến, chỗ ăn chỗ ở cho số lượng lao động đó, nơi sinh hoạt văn hóa… là rất khó khăn.
Việc phân bổ hợp lý trong đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Khu vực nào có hạ tầng phát triển, chúng ta chỉ tập trung khuyến khích, thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao hơn. Đối với những khu vực khác còn khó khăn không chỉ đưa công nghiệp đầu tư nước ngoài mà còn công nghiệp trong nước để về vùng nông thôn, để người lao động được làm việc tại quê hương. Đây là điều mà Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra rất rõ. Mặc dù là Nghị quyết về đầu tư nước ngoài nhưng tôi cho rằng, Nghị quyết còn có ý nghĩa trong hoạt động thúc đẩy sản xuất, công nghiệp của đầu tư trong nước.
Về phía VCCI các ông nhìn nhận thế nào về các cơ hội mới trong tương lai đến từ nước ngoài? DN trong nước sẽ đón nhận như thế nào và có bị ảnh hưởng gì không?
Ông Vũ Tiến Lộc: Về Luật DN mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI thống nhất quan điểm, nâng cấp DN Việt Nam – đây là yêu cầu cốt lõi hiện nay.
Thời gian qua, năng suất của chúng ta không cao và không kết nối được khu vực đầu tư nước ngoài. Lý do quan trọng là khả năng hấp thu công nghệ, trình độ quản trị của Việt Nam thấp.
Theo số liệu của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu, Việt Nam đứng trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất.
Hằng năm ASEAN có đưa ra khảo sát năng lực quản trị của DN niêm yết trong thị trường chứng khoán, Việt Nam đứng thứ 6 trong số 6 nước được khảo sát. Trình độ quản trị của DN Việt Nam hiên nay là khâu rất yếu. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh DN, không chỉ có vấn đề cải cách thể chế của nhà nước mà DN phải tự nâng cấp mình.
Chúng tôi đang đề nghị, ít nhất đưa những hộ kinh doanh có đăng ký trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật DN, là một loại hình DN. Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, một cá nhân kinh doanh cũng có thể kết nối với toàn cầu, phải kinh doanh trên thị thường toàn cầu và chịu áp lực cạnh tranh toàn cầu thì họ phải đạt chuẩn của toàn cầu. Muốn làm được phải nâng cao trình độ quản trị của khối DN này, đó là vấn đề cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời đảm bảo rằng khu vực này có khả năng kết nối với FDI. DN Việt Nam được nâng cấp cao hơn có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ đáp ứng được cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những bài toán khó của các nhà đầu tư nước ngoài là họ không tìm được đối tác ở trong nước để cung ứng linh kiện, phụ tùng mà phải mua ở nước ngoài với chi phí vận tải cao. Nếu được cung cấp ngay trong thị trường nội địa thì tốt hơn rất nhiều.
Ông Vũ Đại Thắng: Chúng ta cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các DN của Việt Nam dần dần bắt kịp, hướng tới thay thế DNNN về mặt công nghệ, khoa học, quản trị... chứ không phải quan điểm do sợ nước ngoài phát triển mạnh quá mà ta phải kéo xuống.
Chúng ta vẫn phải thúc đẩy khu vực đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải ưu tiên tập trung hỗ trợ cho DN trong nước phát triển cao hơn, đó là mục tiêu và đúng như quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định.
Còn về các vấn đề ưu đãi, tôi cho rằng qua việc đánh giá đầu tư nước ngoài qua 30 năm và đặc biệt là nghiên cứu ở Hải Phòng, đúng là cơ chế ưu đãi đầu tư cho các DN nói chung vẫn cón hơi lạc hậu, chúng ta tập trung theo chiều rộng quá, chứ không theo chiều sâu.
Trong thời gian tới cũng cần có những nghiên cứu để thay đổi cách tiếp cận này, theo hướng chỉ ưu đãi với phần giá trị gia tăng được làm trên đất nước Việt Nam, ưu đãi với phần có kết nối với DN Việt Nam, về khoa học công nghệ.. những cái thực sự tạo ra giá trị hiệu quả thì mới được ưu đãi. Còn việc nhập khẩu máy móc, nguyên nhiên vật liệu rồi gia công xuất khẩu đi thì cần phải xem xét xem có được ưu đãi hay không.
Ông Nguyễn Văn Thành: Tôi cho rằng vấn đề ưu đãi đối với thu hút FDI trong giai đoạn mới hiện nay thì chính sách ưu đãi không quá quan trọng. Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại đa phương và song phương, chứng tỏ ưu thế của Việt Nam rất lớn. Với mỗi vị trí địa lý của các địa phương đều có đặc thù riêng và các DN mong muốn được đầu tư vào đó, chính sách ưu đãi chỉ là một phần để thúc đẩy họ thôi.
Tôi rất đồng tình vấn đề anh Thắng vừa nói là sắp tới sẽ xem lại các chính sách ưu đãi. Chúng ta đã có Nghị quyết 50 đối với dòng vốn FDI, trước đó, chúng ta đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, chính vì vậy, chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước cần có công bằng.
Trước đây có chênh lệch về chính sách ưu đãi, DN Việt Nam yếu thế về vốn, công nghệ, trình độ quản trị DN đã thế lại không được ưu đãi, trong khi DNNN có đầy đủ tất cả lại được hưởng thụ ưu đãi.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề chủ quan nữa, tôi cho rằng Luật DN và Luật Đầu tư sắp tới có những sửa đổi để làm sao thúc đẩy được DN trong nước phải chủ động. Bởi hiện nay, các DN trong nước đang bán cái mình có chứ không phải bán cái người ta cần, do vậy không thể kết nối được những cái cần của DN FDI muốn nội địa hóa, không vươn đến được dòng sản phẩm trong chuỗi giá trị của họ.
Tôi cho rằng thay đổi nhận thức của người quản trị DN trong nước với chính sách ưu đãi giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đầu tư trong nước phải làm đồng bộ, như vậy chúng ta mới có kỳ vọng là DN trong nước sẽ lớn lên trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi vào Việt Nam.
Hiện nay, ngoài việc đối diện với tình trạng núp bóng, đầu tư chui thì xuất hiện thêm tình trạng có dòng vốn ít, nhỏ lẻ. Ông có thể cho biết thêm nguy cơ khi chúng ta phải đối diện với thực trạng này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Không nên khuyến khích các dòng vốn này, trên thực tế dòng vốn quá nhỏ, trong lĩnh vực họ làm thì DN vừa và nhỏ trong nước cũng có thể làm. Hãy tạo dư địa cho DN trong nước, không nên khuyến khích cái dòng vốn quá mỏng, công nghệ quá thấp như vậy vào Việt Nam. Trong thể chế hóa sắp tới phải tính tới cái đó.
Trong văn kiện này, then chốt, quan trong bậc nhất là câu Nghị quyết của Bộ Chính trị nói rằng: Trước năm 2021, VIỆT NAM phải trở thành 1 trong 4 nền kinh tế lọt vào nhóm 4 của Asean về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Trước 2030, phải nằm trong nhóm 3 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Tức là chúng ta phải trở thành một trong những nền kinh tế dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Mục tiêu đó về thể chế là quan trọng bậc nhất để chúng ta cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Và chúng ta có thể nâng cấp thúc đẩy được cả DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài, tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự liên kết giữa DN trong và ngoài nước.
Đến thời điểm hiện nay, chất lượng môi trường kinh doanh, trong đó có chất lượng thể chế chưa bao giờ được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Đầu tư nước ngoài đang dựa rất nhiều vào chí phí thấp, vị thế địa kinh tế, địa chính trị của đất nước, vào quy mô thị trường của chúng ta và kết nối với các FDI, dựa vào tài nguyên, chi phí của chúng ta tương đối thấp, ngay cả chi phí về tài nguyên… tức là chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài dựa vào yếu tố giảm chi phí của nền kinh tế. Còn yếu tố về thể chế thúc đẩy cho sự đổi mới sáng tạo, sự an toàn của các nhà đầu tư, sự nhất quán của hệ thống chính sách… còn nhiều hạn chế. Thủ tục hành chính của chúng ta còn rườm rà so với các hệ thống khác trong khu vực. Chính vì vậy chúng ta mới đang ở chất lượng thể chế trung bình trong so sánh tương quan ASEAN. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, của Diễn đàn kinh tế thế giới mới xếp thứ 5. Khoảng cách của chúng ta với nền kinh tế thứ 4 là gần 20 bậc.
Chúng ta đang nói đến nền kinh tế số, các nhà đầu tư FDI thế hệ mới, tuy nhiên, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm ngoái, chúng ta vẫn thuộc nhóm các nền kinh tế chưa chuẩn bị sẵn sàng cho kinh tế số. Từ đó, yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và yêu cầu hàng đầu.
Ông Vũ Đại Thắng: Tổ chức Thương mại và phát triển của LHQ đánh giá Việt Nam là một trong 12 quốc gia trên thế giới sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ số môi trường kinh doanh đúng là còn nhiều cái cần phải thay đổi. Thế nhưng trong những năm qua, chúng ta tăng rất đáng kể. Năm 2018, tăng 13 bậc so với năm 2016. Chúng ta có thể hoàn toàn lạc quan vào những cái chúng ta đã dổi mới, cố gắng quyết liệt để thay đổi. Nghị quyết 50 với tên gọi hoàn thiện thể chế chính sách sẽ là một trong những mũi quan trọng, để chúng ta hoàn thiện, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần khẳng định thứ hạng trong ASEAN về môi trường kinh doanh: Thứ 4 từ nay đến 2025 và thứ 3 đến năm 2030.
Ngoài xu hướng đầu tư mới, nhưng nhìn vào thì thấy nhiều hoạt động của DNNN hay của tư nhân trong nước nhiều khi không hiệu quả. Chính vì thế sẽ đẩy mạnh xu hướng mua bán sáp nhập DN. Vấn đề này được đặt ra trong Nghị quyết như thế nào và các DN FDI cần lưu ý điều gì không?
Ông Vũ Đại Thắng: Các hoạt động M&A mua bán sáp nhập là hình thức đầu tư trên thị trường vốn được nhà nước thừa nhận, rất trong sáng minh bạch, trừ những trường hợp người ta lợi dụng hoạt động mua bán cổ phần cổ phiếu, để núp bóng, đội lốt.
Các hoạt động mua bán DN rất phù hợp với chủ trương chung của chúng ta. Hằng năm, chúng ta còn tổ chức những diễn đàn M&A lớn, để tìm cách phát huy hơn nữa chức năng huy động nguồn vốn, bổ sung thêm vốn từ thị trường cho các hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên những hoạt động núp bóng, trục lợi từ hoạt động này đúng là có, và những chính sách đã được cơ quan chức năng tính toán đến.
Thời gian tới sẽ cố gắng để giải quyết triệt để vấn đề này, trong đó có việc yêu cầu đăng ký các việc mua bán các nhóm cổ phần cố phiếu, đặc biệt đối với các nhóm, DN có lĩnh vực hoạt động nhạy cảm cũng cần có đăng ký.
Ngoài ra đối với các DNNN, việc chúng ta đang tích cực cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN là một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước. Bất kể nhà đầu tư tư nhân, trong và ngoài nước đều có quyền tham gia mua cổ phần, cổ phiếu khu mà NN cổ phần hóa, thoái vốn. Đây là việc bình thướng, chúng tôi sẽ cố gắng để mọi hoạt động diễn ra theo khuôn khổ pháp luật.
Muốn thực hiện tốt những mục tiêu Nghị quyết đề ra, ông có nghĩ chúng ta phải có phản ứng nhanh hơn nữa trong việc xây dựng chính sách thông thoáng phù hợp, nhất là phải có những tiêu chí, quy chuẩn chung khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài. Tới đây, Bộ KHĐT sẽ có động thái nào cho vấn đề này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thành: Thu hút FDI ở đây vấn đề chủ động của các địa phương, dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng đã quy hoạch cho các địa phương.
Ví dụ như Hải Phòng, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 821 phê duyệt điều chỉnh KT-XH, từ đó, thành phố sẽ tập trung làm tốt quy hoạch ở từng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp. Cố gắng phân định những lĩnh vực đầu tư của từng khu công nghiệp riêng để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, cùng nhóm ngành nghề họ vào khu vực đó.
Tiếp theo là chúng ta sẽ quản lý tốt được vấn đề môi trường, an ninh. Từ đó tạo ra mặt bằng chung để trong một địa giới hành chính, các nhà đầu tư hạn chế bớt được chi phí vận tải, hàng hóa, kết nối được các DN cùng ngành nghề, tạo dựng môi trường thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, cải thiện thể chế môi trường kinh doanh phụ thuộc vào các cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ ngành.
Ở góc độ địa phương, chúng tôi đang đánh giá các chỉ số, ví dụ như VCCI đang đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trách nghiệm của cán bộ công chức, khu vực quản lý nhà nước phải có tâm, trách nhiệm đối với định hướng của chính phủ, kế hoạch của địa phương trong việc thu hút các dòng đầu tư đó. Để khi nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư, họ cảm nhận đó như nhà của họ, người ta sẵn sàng định hình, quyết định đầu tư tại địa điểm đó. Tôi đó rằng đó là vấn đề chủ quan của mỗi địa phương. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sát sao vấn đề này, vai trò của mỗi địa phương sẽ đem lại thành công cho địa phương đó.
Ông Vũ Đại Thắng: Việc quan trọng nhất là phải cụ thể hóa các chỉ đạo, định hướng của Đảng vào các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các nội dung của NQ 50 đã được tích hợp vào các dự án luật mới, sửa đổi, hiện đang soạn thảo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xem xét trong kỳ họp sắp tới. Ví dụ, luật Đầu tư sửa đổi, luật DN sửa đổi, luật Chứng khoán….
Tất cả các luật này hiện nay trong quá trình sửa đổi, tích hợp toàn bộ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ việc định hướng xúc tiến đầu tư, ưu đãi đầu tư cũng đã được tích hợp. Chúng tôi tin tưởng rằng, một Nghị quyết quan trọng của Đảng, phù hợp với tình hình kinh tế mới của chúng ta, được cụ thể hóa bằng các bộ luật một cách nhanh chóng, chắc chắn viễn cảnh trong việc thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở đất nước ta sẽ có những chuyển biến tốt trong thời gian sắp tới./.