Ngân hàng - Bảo hiểm
Toàn cảnh hàng loạt thương vụ M&A ngân hàng nội - ngoại 15 năm qua
Thùy Liên - 24/07/2019 08:25
Tính cả thương vụ BIDV- KEB Hana, các ngân hàng nội đã thu về hàng tỷ USD nhờ bán vốn cho các đối tác chiến lược nước ngoài trong suốt 15 năm qua.
.

Ba ông lớn quốc doanh thu về gần 2,2 tỷ USD 

Thị trường M&A ngân hàng vừa đón thông tin về một thương vụ khủng: BIDV sắp 15% cổ cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc với giá gần 20,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 882 triệu USD. Đây là thương vụ  M&A có giá trị kỷ lục trong ngành ngân hàng. 

Với mức giá trên, mỗi cổ phiếu của BID đã được đối tác mua lại với giá 33.640 đồng. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, kiêm Cố vấn cấp cao HĐQT BIDV đánh giá, đây là mức giá rất tốt cho cả hai bên. 

BIDV là ngân hàng TMCP nhà nước cuối cùng bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trước đó, năm 2012, VietinBank bán 20% vốn cho Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ giá 743 triệu USD. Năm 2011, Vietcombank  bán 15% vốn cho Mizuho với giá 567,3 triệu USD.

Như vậy, tổng cộng cả ba thương vụ trên, các ông lớn quốc doanh đã thu về gần 2,2 tỷ USD nhờ phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài. 

Quá trình bán vốn của BIDV khá chậm so với hai ngân hàng còn lại, chủ yếu do IPO ngay vào thời điểm kinh tế rơi vào khủng hoảng (IPO năm 2011 và niêm yết đầu năm 2014),  việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược khó đạt hiệu quả cao.  

Lãnh đạo BIDV cho hay, đã có hàng chục nhà đầu tư nước ngoài tìm đến nhưng mãi đến năm 2018, BIDV mới “chốt” sẽ bán cổ phần cho KEB Hana. Việc hoàn tất thương vụ sẽ giúp BIDV thoát hiểm hệ số an toàn vốn (CAR), có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, xóa nợ xấu.

Sau khi hoàn tất thương vụ này, BIDV đã giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống 80% thay vì trên 95% như hiện tại. Room sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này vẫn còn trống 15%.

Trong khi đó, Vietcombank sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cho Mizuho năm 2011 đã xin Chính phủ được bán thêm 10% cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, cuối năm 2018, ngân hàng này mới chào bán thành công 3% vốn cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, 7% còn lại đang được ngân hàng này hoàn tất thủ tục để sớm chào bán.

Trong số ba ngân hàng kể trên, chỉ có VietinBank là đã kín room vốn ngoại và đang vất vả để tăng vốn. 

.

Hàng chục ngân hàng cổ phần tư nhân tấp nập bán, mua

Tuy các ngân hàng TMCP nhà nước giữ kỷ lục về các giá trị các thương vụ bán vốn nhưng các ngân hàng tư nhân mới là người đi đầu trong công cuộc bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Có thể nói, khối ngân hàng TMCP tư nhân đã mở ra làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng, bắt đầu là 3 thương vụ M&A đình đám năm 2005: Standard Chartered mua hơn 8,5% cổ phần ACB, HSBC mua 10% cổ phần Techcombank, ANZ mua 10% cổ phần Sacombank.

Ba thương vụ đình đám trên thành công khiến một loạt nhà đầu tư ngoại bắt đầu ồ ạt đổ vốn vào thị trường ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng như: VPBank, OCB, ABBank, Eximbank, Habubank, VIB, SeABank… cũng đua nhau tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Làn sóng gọi vốn ngoại qua con đường đối tác chiến lược chỉ tạm dừng vào năm 2011, khi hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào khủng hoảng.

Giá trị cụ thể của nhiều thương vụ không được công bố, nhưng với lượng cổ phiếu nắm giữ trung bình 10-15% mỗi thương vụ, số tiền mà các nhà đầu tư rót cho các ngân hàng trong nước lên trong giai đoạn này không hề nhỏ, từ vài chục đến cả trăm triệu USD.  Đây là nguồn lực quan trọng giúp các ngân hàng cải thiện vốn điều lệ,vốn chủ sở hữu và nguồn vốn kinh doanh.

Tuy nhiên, do hạn chế về tỷ lệ nắm giữ, đa phần đối tác chiến lược chưa thể giúp các ngân hàng nội thay đổi quản trị điều hành, công nghệ. Điều này khiến nhiều thương vụ M&A chưa mang lại nhiều giá trị cộng hưởng.

.

Kẻ hăm hở chốt lời, người nhăm nhe tìm đường rót vốn

Sau giai đoạn ồ ạt rót vốn năm 2005-2011, từ năm 2012, đặc biệt là 3 năm gần đây, thị trường chứng kiến sự chia tay của một số thương vụ. Trong đó, một số thương vụ chia tay là do nhà đầu tư chốt lời khi đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng, một số lại do hợp tác không mấy thành công.

Năm 2012, ANZ  chính thức thoái toàn bộ vốn khỏi Sacombank . Nhiều thông tin cho hay, một nhóm cổ đông đã tiếp cận và đề nghị ANZ bán lại số cổ phiếu này với mức giá hấp dẫn. Tương tự, năm 2013, OCBC thoái vốn khỏi VPBank, thu về hơn 14 triệu USD tiền lãi.

Tiếp theo đó, một loạt cuộc chia tay đã diễn ra trong năm 2017, 2018: Techcombank và HSBC, ACB  và Standard Chartered , OCB - BNP Paribas. Mới đây nhất, đầu năm 2019, thị trường chứng kiến thêm sự chia tay của SeABank và Société Générale. 

Như vậy, trong số 12 thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong vòng 15 năm qua, đã có tới 6 thương vụ nhà đầu tư thoái vốn. 

Theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng, đa phần nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào ngân hàng Việt đều nhằm mục đích kiếm lời chứ không hẳn muốn gắn bó dài hạn, nhất là các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Do đó, việc các đối tác này chốt lời hay tái cơ cấu danh mục đầu tư là dễ hiểu. 

Tuy nhiên, việc thoái vốn của một số nhà đầu tư ngoại không nói lên rằng, thị trường ngân hàng Việt Nam đã hết hấp dẫn. Bằng chứng là suốt 15 năm qua, các nhà đầu tư ngoại vẫn tìm mọi cách để thâm nhập vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Asean, Hàn Quốc, Nhật Bản… Số lượng ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. Chưa kể, hàng loạt nhà đầu tư ngoại bỏ vốn mua lại các công ty tài chính, các fintech trong nước.  

Bên cạnh những nhà đầu tư rút khỏi thị trường, cũng còn rất nhiều nhà đầu tư kiên trì nắm giữ như: Mizuho, CBA,  Deutsche Bank , Tokyo Mitsubishi UFJ, Maybank…

Ngoài ra, hàng loạt nhà đầu tư khác cũng đang tìm cách mua thêm cổ phần ngân hàng Việt như: Quỹ GIC(Singapore),  Ngân hàng J.Trust – Nhật Bản, Công ty Srisawad - Thái Lan, Tập đoàn Clermont – Singapore…

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán phục hồi cùng nhu cầu tăng vốn ngày càng mạnh mẽ để đáp ứng chuẩn Basel 2 của các ngân hàng Việt sẽ khiến các thương vụ M&A ngân hàng sôi động hơn nữa thời gian tới.

Tuy nhiên, hình thức huy động vốn ngoại của các ngân hàng sẽ đa dạng hơn: Có ngân hàng tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược, song có ngân hàng sẽ chọn cách bán cho các nhà đầu tư tài chính nước ngoài như Techcombank, HDBank…

Các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng Việt Nam từ năm 2005 đến nay:

****

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.

Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

Diễn đàn có các hoạt động chính: hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.
Tin liên quan
Tin khác