Thị trường M&A tại Việt Nam năm 2024 diễn ra chậm hơn dự đoán, với giá trị giao dịch thấp hơn, phản ánh cách tiếp cận thận trọng của các nhà đầu tư. Tính đến tháng 10, có 174 giao dịch được ghi nhận, với tổng giá trị công bố xấp xỉ 2 tỷ USD. Mặc dù số lượng giao dịch tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng giá trị lại giảm đến 54%, cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân chính là do các những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, môi trường lãi suất USD cao và sự dè dặt của nhà đầu tư trước những bất ổn kéo dài. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn duy trì hoạt động, nhưng ưu tiên các giao dịch chiến lược, tập trung vào giá trị, thay vì các giao dịch mang tính chất đầu cơ. (Xem bảng 1)
Dù thị trường tổng thể suy giảm, một số lĩnh vực chủ chốt vẫn thu hút được sự quan tâm. Ngành công nghệ vẫn sôi động, đặc biệt là fintech và thương mại điện tử, khi các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngành tài chính cũng ghi nhận sự chú ý nhờ vào quá trình hợp nhất gia tăng và mở rộng dịch vụ tài chính tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Lĩnh vực y tế tiếp tục chứng tỏ sự bền vững, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư vào hạ tầng y tế và nhu cầu tăng về sản phẩm dược phẩm.
Ngành năng lượng tái tạo tiếp tục ghi nhận các giao dịch, dù ở tốc độ chậm hơn, khi các chính sách của Chính phủ tập trung vào tính bền vững và sáng kiến năng lượng xanh. Vận chuyển hậu cần và giáo dục thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng các mục tiêu phù hợp vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, dù bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm và điều kiện thị trường thắt chặt, vẫn ghi nhận đầu tư vào các doanh nghiệp có thương hiệu vững chắc và nền tảng khách hàng mạnh.
Các quốc gia đầu tư chính vào thị trường M&A Việt Nam năm nay gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà đầu tư từ các quốc gia này giảm nhẹ, phản ánh điều kiện thị trường chung. Các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tập trung vào Việt Nam, với Hàn Quốc nhấn mạnh vào công nghệ, còn Nhật Bản chú trọng vào y tế và hàng tiêu dùng. Nhà đầu tư Singapore vẫn hoạt động tích cực trong lĩnh vực bất động sản và vận chuyển hậu cần, phù hợp với xu hướng đô thị hóa của Việt Nam. Ngược lại, các nhà đầu tư từ châu Âu giảm sút khi các công ty từ những nước này áp dụng cách tiếp cận thận trọng giữa những bất ổn kinh tế toàn cầu.
Các giao dịch nổi bật năm 2024 đã cho thấy rõ hơn các lĩnh vực được quan tâm về mặt chiến lược trên nhiều ngành nghề, đặc biệt là tiêu dùng, tài chính, F&B, công nghệ và năng lượng tái tạo. Siam Commercial Bank PCL của Thái Lan đã mua lại Home Credit Việt Nam, nhà cung cấp tài chính tiêu dùng, với giá trị 20.970 tỷ đồng (tương đương khoảng 851,7 triệu USD), đánh dấu một trong những giao dịch lớn nhất trong năm. SK Group Corp của Hàn Quốc mua lại Iscvina Manufacturing, nhà sản xuất chất bán dẫn tại Vĩnh Yên, với giá 7.450 tỷ đồng (300 triệu USD). Trong lĩnh vực năng lượng, Quỹ chuyển đổi năng lượng SUSI Asia của Thụy Sỹ đã mua lại trang trại gió Đầm Nại từ Scatec của Na Uy với giá 983 tỷ đồng (40 triệu USD).
Ngành F&B cũng chứng kiến nhiều hoạt động đáng kể, như Nutifood mua lại 51% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido, một trong những doanh nghiệp sản xuất kem hàng đầu từ Tập đoàn Kido. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn mua thêm cổ phần tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây lên 59,62% thông qua đấu giá với giá trị 831,9 tỷ đồng (33,64 triệu USD).
Một số xu hướng chiến lược nổi lên trong bối cảnh M&A Việt Nam năm 2024. Trước những bất ổn kinh tế, các doanh nghiệp áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn, ưu tiên các khoản đầu tư nhỏ lẻ, gia tăng dần, thay vì cam kết số tiền lớn ngay từ đầu. Sự tham gia của các công ty nội địa tăng lên, phản ánh sự tự tin ngày càng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò dẫn đầu các thương vụ mua lại. Tuy nhiên, xu hướng này đi kèm với việc tăng cường mức độ kỹ lưỡng trong thẩm định, làm kéo dài thời gian hoàn tất cho các thương vụ.
Thách thức về lãi suất USD cao, bất ổn kinh tế toàn cầu và sự thiếu minh bạch thông tin đã gây áp lực lên chi phí vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận đầu tư, tạo ra khoảng cách định giá, dẫn đến các cấu trúc giao dịch phức tạp hơn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số tiếp tục là ưu tiên của các công ty để nâng cao hiệu quả vận hành.
Môi trường thoái vốn tại Việt Nam đã cải thiện nhờ những phát triển về quy định và các cơ hội hợp nhất mới, đặc biệt trong các ngành mà M&A có thể mang lại sự đa dạng, mở rộng chuỗi cung ứng, tăng cường hiện diện thị trường hoặc hỗ trợ nâng cấp kỹ thuật và công nghệ.
Trong năm 2025, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi dần, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của kinh tế toàn cầu, sự cải thiện của hành lang pháp lý và chính sách, mức độ thuận lợi của các chính sách lãi suất USD, tính tích cực của bối cảnh địa chính trị và sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Tâm lý nhà đầu tư có thể vẫn thận trọng trong nửa đầu năm 2025, nhưng nhiều yếu tố có thể thúc đẩy sự quan tâm trở lại. Khi lạm phát ổn định, lãi suất giảm áp lực và tỷ giá được kiểm soát, niềm tin của nhà đầu tư sẽ được củng cố, thúc đẩy nhiều hoạt động hơn.
Ngành y tế được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, với nhu cầu tăng về dịch vụ chất lượng cao và cải tiến hạ tầng. Giáo dục cũng sẽ thu hút đầu tư, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của các cơ sở tư nhân và tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Vận chuyển hậu cần có khả năng tiếp tục thu hút sự quan tâm khi Việt Nam củng cố vai trò là trung tâm sản xuất khu vực. Nông nghiệp được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ nhờ ý thức về tăng trưởng bền vững và các sáng kiến liên quan. Năng lượng tái tạo dự kiến là trọng tâm, phù hợp với các mục tiêu năng lượng sạch của Việt Nam. Công nghệ và kinh tế số, được hỗ trợ bởi dân số trẻ am hiểu công nghệ, vẫn đầy hứa hẹn.
Dù thị trường M&A năm 2024 đối mặt với nhiều thách thức kéo dài, triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam vẫn rất khả quan. Khi điều kiện vĩ mô được cải thiện, thị trường được dự đoán sẽ phục hồi, với tính bền vững, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số là những động lực chính thúc đẩy các khoản đầu tư trong tương lai gần.