Toàn cầu hóa - làn sóng không thể đảo ngược
Nếu có dịp đến nước Đức và quan sát ngẫu nhiên, trong một trăm người trên đường phố Berlin, nhiều khả năng bạn sẽ nhận ra người Việt trong đó. Thêm nữa, nếu đến Berlin, có lẽ bạn cũng muốn chụp bức ảnh kỷ niệm với một chân ở đặt ở phía Đông và một chân thuộc phía Tây, ngay trên phần móng còn lưu dấu của bức tường Berlin - bức tường chia nước Đức thành Đông Đức và Tây Đức trước đây.
Nếu việc dễ dàng nhận ra người Việt trên các đường phố của nhiều nước cho thấy quá trình toàn cầu hóa đã làm gia tăng dòng nhân lực luân chuyển trên toàn cầu, thì sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 là một chỉ báo quan trọng cho một giai đoạn mới trong quá trình toàn cầu hóa.
Bản sắc làng Việt như là mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống cộng đồng làng trước những biến đổi sâu rộng của quá trình toàn cầu hóa. |
Theo tác giả nổi tiếng Thomas L.Friedman qua ấn phẩm “Thế giới phẳng” thì thế giới đã trải qua ba giai đoạn của quá trình toàn cầu hoá. Giai đoạn đầu được ông gọi là giai đoạn 1.0, bắt đầu tư khi Colombus mở đường giao thương từ châu Âu sang châu Mỹ cho đến những năm 1800. Động lực thúc đẩy của giai đoạn này đến từ sức ngựa, sức gió, sức hơi nước và cách sử dụng các sức mạnh đó, còn các quốc gia, các chính phủ là nhân tố thúc đẩy. Trong giai đoạn này, toàn cầu hóa làm cho thế giới thu nhỏ lại từ kích thước lớn xuống trung bình. Toàn cầu hoá 2.0 là giai đoạn từ năm 1800 đến năm 2000, tức là kéo dài đến 2 thế kỷ. Đặc trưng quan trọng của giai đoạn này là việc giảm chi phí giao thông nhờ vào sự phát triển của động cơ hơi nước và đường sắt, sau đó là việc giảm phí liên lạc nhờ vào sự phát triển của điện tín, điện thoại, máy tính cá nhân, vệ tinh, cáp quang và phiên bản đầu tiên của WWW (World Wide Web). Sự phát triển của các công ty đa quốc gia, nền kinh tế toàn cầu dựa trên giao dịch và thông tin giữa các lục địa đủ lớn để phát triển thị trường toàn cầu là nhân tố thúc đẩy toàn cầu hoá trong giai đoạn này. Đây là thời kỳ mà toàn cầu hoá làm cho thế giới thu nhỏ kích thước từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ.
Từ năm 2000 đến nay là giai đoạn mà theo Thomas L.Friedman, nhân loại đã bước vào giai đoạn toàn cầu hoá 3.0. Trong giai đoạn này, các cá nhân, các nhóm nhỏ được trao quyền, được tạo điều kiện để cộng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, làm nên động lực mới của quá trình toàn cầu hóa. Dựa trên máy tính cá nhân, hệ thống cáp quang, phần mềm xử lý công việc trên internet, các cá nhân ở khắp mọi nơi trên thế giới, không phân biệt màu da, quốc tịch, nơi cư trú, vv… có thể vươn ra toàn cầu để hợp tác với nhau và cạnh tranh với nhau. Đây là giai đoạn mà toàn cầu hoá 3.0 làm thế giới phẳng ra và co lại từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ.
Theo nhà xã hội học người Anh là Anthony Giddens qua một ấn phẩm xuất bản năm 2009 thì thuật ngữ “toàn cầu hóa” (globalization) được đề cập đến nhiều tại các cuộc thảo luận liên quan đến chính trị, kinh doanh và truyền thông đại chúng trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, ông cũng đã lưu ý rằng toàn cầu hóa là quá trình đã bắt đầu từ rất lâu trong lịch sử loài người, chứ không chỉ giới hạn trong xã hội đương đại. Toàn cầu hóa mang đến những thay đổi toàn cầu, qua đó các xã hội, các nền văn hoá, chính trị, kinh tế dịch lại gần nhau hơn; các cá nhân, các nhóm, các quốc gia ngày càng phụ thuộc nhau.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chẳng hạn Nicolas Yeates (2001) thì nhiều chiều cạnh quan trọng phản ánh toàn cầu hóa, bao gồm: sự luân chuyển dòng vốn trên toàn cầu; sự hội nhập toàn cầu của hoạt động kinh doanh; dòng hình ảnh, tư tưởng, thông tin, và giá trị luân chuyển qua truyền thông; sự phổ biến của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân trên toàn thế giới; sự di động nhân lực vì công việc hay vì nhu cầu giải trí và tư tưởng xuyên biên giới quốc gia; tác động của hoạt động của con người lên môi trường và hệ sinh thái toàn cầu; nhận thức của công chúng đối với những vấn đề, những sự kiện, những rủi ro toàn cầu; sự nổi lên của các tổ chức phi chính phủ, hoạt động chính trị xuyên biên giới và hướng tới những diễn đàn khu vực.
Trong bối cảnh như thế, câu hỏi được đặt ra là quá trình toàn cầu hóa có làm mất đi bản sắc của các cộng đồng địa phương không? Toàn cầu hóa có đi liền với sự phổ biến, lấn át của các giá trị phương Tây trên toàn thế giới?
Và, bản sắc làng Việt sẽ như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay? Cụ thể hơn là những biến đổi xã hội theo sau làn sóng của toàn cầu hóa đóng vai trò như thế nào trong đời sống hàng ngày của làng Việt? Sự gia tăng di động xã hội, sự mở rộng mạng lưới buôn bán, sự du nhập sản phẩm và tư tưởng mới – những đặc điểm mang lại tính chất cởi mở cho làng Việt trong quá trình đổi mới và toàn cầu hóa – có làm mất đi bản sắc làng không? Hay là, những đặc điểm đó cho phép cư dân của làng thích nghi, tái tạo, khẳng định bản sắc làng Việt để duy trì ý nghĩa của cộng đồng làng?
Tin vào sức “đề kháng” của làng Việt
Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu thì toàn cầu hóa không đồng nhất với văn hóa toàn cầu. Thay vào đó, toàn cầu hóa dẫn đến nỗ lực nhận diện bản sắc, và tái tạo nên bản sắc thông qua các cơ chế như địa phương hóa, nội địa hóa, hay lai tạo.
Thực tế nhiều nghiên cứu gần đây về làng xã đã chứng minh xu hướng khẳng định bản sắc làng Việt trong tiến trình toàn cầu hóa. Nhiều tác giả như Lương Văn Hy (1993, 2010); Kleinen (1999); Nguyễn Tuấn Anh (2010); Mai Văn Hai, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Đức Chiện, Ngô Thị Thanh Quý (2013) qua nghiên cứu nhiều làng xã đã chỉ ra sự trở lại, sự tăng cường của các lễ nghi truyền thống trong các sự kiện phản ánh những bước chuyển quan trọng của chu trình đời người, hay sinh hoạt văn hóa và đời sống tín ngưỡng cộng đồng làng xã như hội làng, giỗ tết.
Thêm nữa, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bên cạnh sự trở lại của các lễ nghi truyền thống, nhiều nhân tố mới mang đậm dấu ấn của hiện đại hóa, toàn cầu hóa đã xuất hiện, bổ sung vào các sinh hoạt văn hóa văn hóa tín ngưỡng ở cộng đồng ở làng xã như tang ma, cưới xin, giỗ tết, lễ hội. Những nhân tối mới đó là việc giảm bớt thời gian tổ chức các lễ nghi, sự bãi bỏ các hủ tục, làm mới trang phục, tăng cường các phương tiện giao tiếp hiện đại, đổi mới cách thức tổ chức các lễ nghi...
Đáng lưu ý là việc bổ sung những yếu tố mới này không làm suy giảm tính thiêng liêng đã được kết tụ từ ngàn xưa trong các lễ nghi truyền thống. Như vậy, các lễ nghi cổ truyền trong các sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng làng xã không những được phục hưng, mà còn được đổi mới không ngừng trong với bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Khi nghiên cứu về sự phục hưng những lễ nghi này, Kleinen (1999) hàm ý rằng, việc nhìn lại quá khứ là để đối diện với tương lai. Lương Văn Hy (2010) lại khẳng định truyền thống làng xã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những ứng phó của cư dân làng xã đối với biến đổi toàn cầu.
Dưới góc nhìn của toàn cầu hóa thì sự trở lại của các lễ nghi truyền thống kết hợp với những yếu tố mới trong quá trình tổ chức các sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng đã và đang khẳng định bản sắc làng Việt như là mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống cộng đồng làng trước những biến đổi sâu rộng toàn cầu. Nói cách khác, bản sắc làng Việt không mất đi mà đang có những biến đổi qua cơ chế địa phương hóa, nội địa hóa, hay lai tạo trong bối cảnh của sự luân chuyển các dòng vốn, nhân lực, hàng hóa, hình ảnh, thông tin và hệ tư tưởng một cách phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu.
Nói như nhà nghiên cứu Đỗ Thái Đồng (1995) thì đối mặt với những thay đổi, làng Việt luôn tồn tại với tinh thần làng, tâm lý làng, quan hệ làng, cộng đồng làng. Phải khẳng định thêm rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng hiện nay, tinh thần làng, tâm lý làng, quan hệ làng, cộng đồng làng được thể hiện qua sự phục hưng, tăng cường, biến đổi của các lễ nghi truyền thống trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở làng xã. Đó là cách thức để khẳng định bản sắc làng Việt. Như vậy, bản sắc làng Việt không phải đang mất đi hay đang phai nhạt dần trong bối cảnh toàn cầu hóa, mà đang vận động, đổi mới và phát triển.