Doanh nghiệp
Toan tính của Lotte khi mua thêm 686.000 cổ phiếu Bibica
Đức Luận - 18/10/2013 08:42
Mặc dù khẳng định không có ý định thâu tóm Bibica, nhưng những động thái của Lotte đang cho thấy điều ngược lại.

Hơi hướng ý định thôn tính

Ngày 15/10/2013, Lotte thông báo mua thêm 686.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Bibica để nâng tỷ lệ sở hữu lên 43,1%. Động thái này diễn ra trước thềm đại hội cổ đông thường niên niên độ tài chính 2013 của Bibica dự kiến tổ chức lần 2 vào ngày 28/10/2013.

Những động thái của Lotte cho thấy Tập đoàn này đang hành động khác với khẳng định không có ý định thâu tóm Bibica

Mới trước đó 4 ngày (ngày 11/10), đại diện của Lotte khẳng định với báo chí rằng, Lotte không hề có ý định thâu tóm hay thôn tính Bibica và việc đầu tư vào Bibica chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận như các nhà đầu tư khác.

Trên thực tế, việc Lotte nắm giữ khối lượng lớn cổ phần tại Bibica có thể không chỉ để trông chờ vào một kết quả kinh doanh tốt.

Ví dụ, như khi Tổng giám đốc đề nghị tạm ứng cổ tức năm 2012 là 1.200 đồng/cổ phần theo nội dung đã được đại hội cổ đông thống nhất, thì phía Lotte lại phản đối.

Vậy Lotte trông chờ điều gì khi lợi nhuận sau thuế của Bibica có chiều hướng giảm trong những năm gần đây: năm 2009 là 57,3 tỷ đồng; 2010 là 41,8 tỷ đồng; 2011 là 46,4 tỷ đồng và 2012 là 25,9 tỷ đồng?

Lotte bỗng dưng còn muốn thay đổi “luật chơi” tại Bibica. Lâu nay, Bibica duy trì cách thức bầu thành viên HĐQT theo kiểu luân phiên, theo đó, mỗi năm bầu lại hoặc bầu mới 1/3 số thành viên. Đầu tư vào Bibica từ năm 2008, Lotte đã chấp nhận luật chơi này từ đó đến nay. Các thành viên HĐQT đại diện cho các cổ đông Việt Nam cũng đã được bầu lại theo cơ chế này trong những năm qua.

Năm 2013, khi đến lượt 2 thành viên HĐQT của Lotte sẽ phải bị bầu lại, thì Lotte cho rằng, cách bầu như thế là không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo Lotte, cần phải miễn nhiệm tất cả các thành viên HĐQT cũ và bầu mới toàn bộ.

Rõ ràng, với cách làm này, người của Lotte sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia HĐQT, qua đó Lotte có thể can thiệp vào công tác điều hành hoạt động kinh doanh của Bibica.

Lotte còn muốn đổi tên Bibica thành Lotte-Bibica, nhưng cuối cùng không được các cổ đông khác đồng ý.

Toan tính chiến lược

Trước đây, Lotte đã từng có ý định đầu tư dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie tại Thái Lan để cung cấp cho toàn thị trường châu Á. Khi đó, Bibica sản xuất sản phẩm tương tự có tên là Orienco và sản phẩm này cũng từng được xuất khẩu sang Nam Phi. Nắm bắt nhu cầu này của Lotte, Bibica đã đề xuất việc hợp tác sản xuất bánh Choco Pie tại Việt Nam.

Sau khi xem xét đề nghị, Lotte đã quyết định bỏ ý định đầu tư vào Thái Lan và mua cổ phần của Bibica, còn Bibica thì bỏ luôn việc sản xuất bánh Orienco. Hai bên đã bắt tay và sản phẩm “chung” giữa Lotte và Bibica là LottePie sau đó được ra đời.

Lotte cho biết, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng. Khi đầu tư vào Bibica, Lotte muốn biến Bibica trở thành công ty sản xuất bánh kẹo hàng đầu Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, ý định đầy tham vọng này của Lotte đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được và cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Lotte muốn từ bỏ mục tiêu.

Với dự án ở Hưng Yên của Bibica, Lotte vẫn “ôm mộng” đầu tư lớn vào Việt Nam. Dự án tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) có tổng mức đầu tư 265 tỷ đồng (vẫn bất động kể từ năm 2008, do chưa có quan điểm đầu tư thống nhất trong nội bộ). Bibica đề xuất sản xuất một số sản phẩm bánh quy tại đây, nhưng Lotte chỉ muốn hỗ trợ kỹ thuật đối với những sản phẩm Lotte có thế mạnh.

Lotte ước tính, dự án tại Hưng Yên, nếu đầu tư bài bản với 5 dây chuyền sản xuất hiện đại, thì cần vốn đầu tư tới 50 triệu USD. Lotte đề nghị Bibica thử tìm hiểu một số sản phẩm của Lotte đang được ưa chuộng ở thị trường Hàn Quốc và nếu thấy được thì đầu tư nhà máy để sản xuất tại Việt Nam.

Việc Lotte có thực hiện được những mục tiêu tham vọng của mình thông qua Bibica hay không phụ thuộc rất lớn vào số ghế của Lotte trong HĐQT của Bibica, mà việc này sẽ được đại hội cổ đông quyết định tại cuộc họp vào ngày 28/10 sắp tới.

Tin liên quan
Tin khác