Dưới đây là chia sẻ của anh Phạm Thành Trung, 40 tuổi, hiện sống tại TP.HCM:
Nhìn vào gia đình tôi, có nhà để ở, có xe hơi để tránh mưa tránh nắng khi đi lại trên đường, mọi người đều chúc mừng nhưng đâu biết chúng tôi đang ôm một đống nợ trong người. Mỗi tháng tôi phải trả ngân hàng 6 triệu tiền vay mua xe, 10 triệu tiền vay mua đất xây nhà. Trong khi mọi người hào hứng đón ngày nghỉ lễ thì tôi tranh thủ đi làm ngoài giờ để được tăng lương.
Cả một thời trẻ không biết tiết kiệm, đến lúc bạn bè mua nhà, mua xe hết, vợ chồng tôi mới giật mình nhìn lại bản thân.
Tôi và vợ (kém tôi 2 tuổi) kết hôn năm 2010. Thời trẻ, chúng tôi đều là những người ham chơi, thích đi du lịch. Kiếm được bao nhiêu tiền, chúng tôi đều đổ vào những chuyến đi, những lần đi xem phim hay ngồi la cà các quán xá. Vì thế, dù lương không thấp so với bạn bè, tôi nhớ hồi năm 2010, thu nhập tổng của chúng tôi đã vào khoảng 30 triệu/tháng nhưng chúng tôi chả mấy khi có tiền dư trong tài khoản.
Sau lần đi ăn mừng tân gia của cậu bạn thân năm 2013, thấy bạn bè đứa nào cũng đã mua được nhà đất, tôi tự thấy xấu hổ. Về nhà, tôi bàn với vợ quyết tâm phải có mảnh đất cắm dùi tại TP.HCM. Lúc đó, chúng tôi chỉ có hơn 200 triệu trong tay. Huy động bố mẹ được 500 triệu, vay thêm ngân hàng 300 triệu, chúng tôi mua một miếng đất trong một dự án phân lô ở Phú Hữu, quận 9 nhưng chưa xây dựng ngay vì xung quanh khu vực khá vắng vẻ. Mãi đến khi vợ tôi chuẩn bị sinh đứa con thứ hai vào năm 2015, tôi mới vay ngân hàng 400 triệu để xây tạm một căn nhà cấp 4.
Sau khi có nhà, tôi tiếp tục gồng mình vay ngân hàng 350 triệu để mua một chiếc ô tô nhập khẩu của Nhật, lắp ráp tại Thái Lan, một phần để đi lại nhưng mục đích chính là cho thuê xe hay chạy taxi công nghệ những lúc rảnh. Tôi xác định, nếu để tự tiết kiệm, tôi rất khó mua được đồ đắt tiền, chỉ có cách trả góp, tuy mất thêm chút lãi cho ngân hàng, mới ép tôi tiết kiệm được.
Vì mới có xe, nên dịp 30/4 năm 2016, gia đình tôi cùng hai gia đình khác rủ nhau đi Phan Thiết và La Gi (Bình Thuận) chơi, tôi muốn thử nghiệm cảm giác lái xe đường dài thế nào. Đặt phòng trên mạng ngay từ đầu tháng nhưng chúng tôi vẫn không thuê được cùng một nhà nghỉ mà phải tách ra làm hai vì họ đã hết phòng. Cứ tưởng bỏ 880.000 đồng/đêm cho một phòng gia đình chúng tôi sẽ có chỗ ngủ tử tế. Ai ngờ cả đêm, nhà nghỉ bị mất điện không dưới 10 lần. Máy phát điện công suất yếu nên không thể bật được máy lạnh, mà mở cửa thì muỗi bay vào nhà. Việc ăn uống cũng vất vả. Chúng tôi vào quán, phải tranh chỗ ngồi, phải chờ không dưới 30 phút mới có món ăn, khiến bọn trẻ đói gào ầm ĩ. Phục vụ kém, món ăn cũng không tươi ngon mà lại đắt đỏ.
Ba ngày đi chơi lễ, dù cố gắng tiết kiệm, 4 người nhà chúng tôi vẫn tốn hết 7 triệu. Sau lần đó, vợ tôi quyết định những kỳ nghỉ lễ sẽ chỉ ở lại Sài Gòn hoặc về quê để không tốn kém và được hưởng không khí thanh bình. Còn tôi với khoản nợ treo lơ lửng trên đâu, chả thiết tha chơi bời gì, chỉ muốn ở nhà kiếm tiền.
Năm nay, kỳ nghỉ 30/4, tôi xin trực luôn 2 ngày, để được hưởng lương gấp 3 lần này thường. Tôi làm IT ở một ngân hàng, những ngày lễ vẫn phải có người trực để đảm bảo giao dịch cho khách. Dù định dành một ngày lái xe đưa vợ con đi chơi lòng vòng cho có không khí ngày lễ nhưng khi có người quen đề nghị cho thuê xe bốn ngày với số tiền 3 triệu đồng, tôi đồng ý ngay.
Tối hôm qua, con trai tôi hỏi, có phải mấy hôm nữa, nhà mình đi xem đảo khỉ ở Cần Giờ không. Tôi cảm thấy hơi buồn khi nghe vợ trả lời con là "Không, bố bận rồi" và nhìn mặt thằng bé hơi thuỗn ra. "Bao nhiêu người được nghỉ mà bố chả nghỉ" thằng bé lẩm bẩm. "Con ơi, những cô chú phục vụ ở nhà hàng, siêu thị, những người lái xe, những người phục vụ ở sân bay... ngày lễ còn làm việc mệt hơn ngày thường đấy thôi", tôi trả lời con và cũng tự an ủi mình.
Khi nào trả hết nợ, tôi sẽ cho con đi chơi ngày lễ thật nhiều, chỉ sợ lúc đó, thằng bé lại bận ôn thi lên lớp, không còn hào hứng muốn đi.