Doanh nhân
“Tôi muốn có thêm nhiều doanh nhân nữ thành công”
Ánh Hồng - 08/03/2017 21:41
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Bến Tre) mong rằng, sẽ có thêm nhiều chị em ở các vùng quê khởi nghiệp kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN

Là một trong 100 gương mặt phụ nữ tiêu biểu được vinh danh tại Chương trình "Tự hào phụ nữ Việt Nam", cảm xúc của bà về sự có mặt của mình trong danh sách này?

Tôi thực sự rất vinh dự và tự hào. Những nỗ lực, cố gắng của tôi trong thời gian qua đã được ghi nhận và tôn vinh một cách xứng đáng.

.

Trong kinh doanh, thành công không dễ, nhất là để làm sống dậy nghề kẹo dừa – một sản vật địa phương trở thành đặc sản, vươn ra cả nước và quốc tế hẳn vô cùng khó?

Với tôi, thành công trong kinh doanh không chỉ là những con số. Điều tôi tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình đó là đã làm rạng rỡ và góp phần tô đậm thêm thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, từ đó làm sống dậy làng nghề kẹo dừa của tỉnh, tạo việc làm cho người dân, nhất là cho những người phụ nữ. Trong ngành của chúng tôi, hơn 90% lao động là nữ.

Chúng tôi đã xây dựng được hai nhãn hiệu kẹo dừa nổi tiếng là Yến Hoàng, Tiến Đạt với công nghệ hoàn toàn mới – đó là kẹo dừa giòn không dính răng, làm thay đổi hoàn toàn những định kiến của người tiêu dùng đối với loại đặc sản nổi tiếng này của tỉnh.

Là nữ doanh nhân, nói nhiều về lao động nữ, phải chăng vẫn có sự phân biệt nào đó về giới trong kinh doanh, thưa bà?

Tôi cho là không. Thành công trong sự nghiệp của tôi nói riêng và của các doanh nhân nữ trong ngành kẹo dừa của tỉnh Bến Tre nói chung đã chứng minh rằng, yếu tố giới tính nữ không phải là một bất lợi trong kinh doanh.

Tất nhiên, có những nữ doanh nhân gặp khó khăn trong kinh doanh, nhưng không phải do yếu tố giới tính, mà là sự lựa chọn không phù hợp về nghề nghiệp. Riêng với tôi, là phụ nữ chính là ưu điểm giúp cho việc kinh doanh thuận lợi hơn, bởi đặc thù ngành nghề thực phẩm cũng như tỷ lệ lao động nữ trong ngành cao. Chúng tôi có thể chia sẻ với nhau trong công việc, trong cuộc sống và điều này tạo nên sự phát triển bền vững của Công ty cũng như của mỗi thành viên.

Bên cạnh đó, Bến Tre cũng đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TU của Tỉnh ủy về “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, có lồng ghép yếu tố giới vào các chủ trương này, nên chúng tôi cũng nhận được những sự hậu thuẫn quan trọng và cần thiết.

Là người khởi nghiệp và thành công từ đặc sản vùng quê Bến Tre, bà nghĩ thế nào về cơ hội kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực đặc sản của các vùng quê Việt Nam?

Tiềm năng cho khởi nghiệp từ các đặc sản vùng quê Việt Nam còn rất lớn, đứng cả ở góc độ thị trường và thị hiếu. Nhưng tất nhiên, để biến tiềm năng thành cơ hội kinh doanh cần ý tưởng mới, sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi cũng bắt đầu kinh doanh từ những ý tưởng mới như vậy.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi rất mong các chị em mạnh dạn khởi nghiệp từ những đặc sản vùng quê nơi mình sinh sống, vì không ai hiểu tường tận về vùng nguyên liệu, đặc tính nguyên liệu và các bí quyết chế biến sản phẩm từ các nguyên liệu của vùng quê mình bằng chính những người phụ nữ ở vùng quê đó. Đó chính là yếu tố đầu tiên góp phần cho sự thành công trong kinh doanh.

Riêng với Công ty TNHH Vĩnh Tiến, bà đang có kế hoạch gì tiếp theo?

Chúng tôi nhận định, năm 2017 là năm có nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội cho phát triển doanh nghiệp, nhất là các cơ hội đến từ hội nhập. Chúng tôi đã lên kế hoạch để Vĩnh Tiến mở rộng kinh doanh.

Cụ thể, Công ty sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới, như Australia, Mỹ, châu Âu; chủ động hơn trong công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định phát triển mạnh hơn thị trường trong nước bằng cách cải tiến hệ thống dây chuyền thiết bị công nghệ; củng cố lại khâu sản xuất để hạn chế chi phí đầu vào và giảm giá thành sản phẩm; lập kế hoạch dự trữ nguyên liệu cho những tháng nghịch mùa nguyên liệu khan hiếm và giá thành cao…

Năm nay, chúng tôi cũng có kế hoạch thay đổi mẫu mã và phát triển thêm sản phẩm mới cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Tin liên quan
Tin khác