Ảnh minh hoạ . |
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn.
Nhận định trên được nêu tại báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 của Chính phủ, vừa được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra.
Nổi lên ở lĩnh vực này, theo báo cáo là tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương, biến tướng dưới nhiều hình thức mới.
Một số vụ việc được nêu tại báo cáo như Công an Thái Bình phát hiện đấu tranh, triệt phá hai đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng với số tiền đánh bạc từ 6.600 đến 8.400 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế 15 đối tượng đánh bạc qua mạng với số tiền giao dịch 250 tỷ đồng.
Còn tại Nghệ an 7 đối tượng đánh bạc qua mạng với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Công an thành phố Hà Nội triệt phá đường dây tổ chức cá độ bóng đá, đánh bạc trên mạng với số tiền giao dịch lên đến 1.500 tỷ đồng.
Cũng nổi lên trong năm 2022 là tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng thẻ tín dụng, tình trạng phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm ...mua bán văn bằng chứng chỉ giả; giả danh cơ quan pháp luật đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.
"Đáng chú ý, xuất hiện một số nhóm tội phạm nước ngoài tấn công xâm nhập vào hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để thu thập đánh cắp thông tin chiếm và số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng...", báo cáo nêu.
Liên quan đến vấn đề này, Tiểu ban 1 thuộc Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi tội phạm.
Đặc biệt, việc quản lý mạng viễn thông, internet, mạng xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu; tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, điển hình như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, xâm nhập hệ thống ngân hàng để thu thập, đánh cắp thông tin chiếm đoạt tài khoản của khách hàng, phát tán tin nhắn quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...
"Tội phạm lừa đảo trên mạng đi thẳng vào giường ngủ, vào bàn ăn của mình, vì vậy ở nhà cũng phải cảnh giác là như thế", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), uỷ viên Uỷ ban Tư pháp nhìn nhận,
Bên cạnh lĩnh vực trên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu theo đánh giá của Chính phủ cũng diễn ra rất phức tạp.
Năm 2022 đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế giảm 38,61 % so với cùng kỳ; nhưng số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33% (số vụ được phát hiện là 396).
Ở lĩnh vực này, nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu, dùng "quân xanh, quân đỏ" để thao túng giá trúng thầu..
Tội phạm vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế... báo cáo nêu rõ.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế tham nhũng. Công tác phòng chống phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao.