Thời sự
Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng
Nguyễn Lê - 17/10/2021 13:33
Năm 2021 đã phát hiện 371 vụ (tăng 22,44%), 687 đối tượng (tăng 5,69%) phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
Vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai được nêu trong báo cáo minh chứng cho nhận định đã điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng “bảo kê”, bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu 

Năm 2021 đã phát hiện 371 vụ (tăng 22,44%), 687 đối tượng (tăng 5,69%) phạm tội về tham nhũng, chức vụ.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vừa thay mặt Chính phủ ký báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9 /2021).

An ninh kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ thách thức, rủi ro do tác động của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng đánh giá.

Về kết quả cụ thể công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua công tác thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 2.925 tập thể, 4.286 cá nhân, kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng, 3.497 ha đất). Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đồng thời, tăng cường phân cấp, hướng dẫn cơ quan điều tra các địa phương thực hiện.

Trong kỳ báo cáo đã phát hiện 8.081 vụ (tăng 1,87%), 7.032 đối tượng (giảm 8,69%), 73 tổ chức (tăng 231,82%), trong đó có 10 pháp nhân thương mại phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 371 vụ (tăng 22,44%), 687 đối tượng (tăng 5,69%) phạm tội về tham nhũng, chức vụ.

Kết quả nổi bật, theo báo cáo là đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện các vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, trong đó đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế , giáo dục  có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực.

Một số vụ trong lĩnh vực y tế như vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La...Lĩnh vực giáo dục có vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Quảng Ninh.

Kết quả khác được nhấn mạnh là tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và của các địa phương; nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 . Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng “bảo kê”, bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu . 

Phát hiện, xử lý 325 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, thu giữ gần 5 triệu khẩu trang y tế và nhiều tấn găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Công an TP.HCM triệt phá 2 đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, không có nguồn gốc xuất xứ, thu giữ 800 bộ test nhanh Covid-19, 4.276 hộp thuốc trị giá hàng hóa vi phạm 1,2 tỷ đồng; triệt phá 1 đường dây tổ chức tiêm vắc xin “dịch vụ” với giá từ 2-4 triệu/người.

Công an thành phố Hà Nội bắt giữ 1 vụ mua bán 4.200 bộ test nhanh Covid; 1 vụ kinh doanh 17.000 khẩu trang 3M có dấu hiệu làm giả, làm nhái; 1 vụ đối tượng nhận tiền để cấp thẻ “luồng xanh” vào thành phố...

 Qua vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai đã khởi tố Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Qua vụ án sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội đã khởi tố Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và 4 đối tượng là cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Đại tướng Tô Lâm khái quát, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát lớn tài sản; các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ; hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, trốn thuế; tiêu cực, tham nhũng “vặt” trong thực hiện các thủ tục hành chính...

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp ngay cả trong điều kiện kiểm soát biên giới chặt chẽ phục vụ phòng, chống dịch . Các đối tượng lợi dụng cơ chế hải quan thông thoáng trong khai báo điện tử, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, sử dụng pháp nhân doanh nghiệp mở tờ khai, khai báo gian dối để buôn lậu với số lượng lớn.

Hoạt động lợi dụng thương mại điện tử sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm tiếp tục có xu hướng gia tăng; tập trung vào hàng thiết yếu, tiêu dùng, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, phân bón, đặc biệt là xăng giả và khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn phục vụ phòng, chống dịch, báo cáo nêu. 

Tin liên quan
Tin khác