| ||
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Đặc biệt là niềm tin về việc thực hiện những cách thức, giải pháp của đề án tái cơ cấu, phương thức phát triển mới để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, hiệu quả cho nền kinh tế, những vấn đề đã được đặt ra từ Đại hội Đảng XI đến giờ nhưng vẫn chưa làm được.
Điểm quan trọng, thông điệp của Thủ tướng đã nhất quán những điều đã nói trong thời gian vừa qua, đặt động lực đổi mới thể chế trên nền phát huy dân chủ, gắn với nhà nước pháp quyền, dân chủ là nền tảng để vận hành thị trường.
Đây chính là 2 bánh xe của nhà nước pháp quyền, đưa nhà nước trở về đúng vai trò, chức năng của mình. Nhấn mạnh hai yếu tố này rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, vì nếu không, có thể gây ra những lệch lạc trong vai trò chức năng của nhà nước. Theo tôi, trong nội dung này, thông điệp đã thể hiện tầm tư duy chứ không chỉ là giải pháp.
Thủ tướng đã nói tới yếu tố then chốt là năng lực cạnh tranh. Trong những năm qua, chúng ta có những cái tụt hậu, không chỉ xa hơn theo nghĩa tương đối mà còn tụt hẳn. Chỉ số tụt hậu xa hơn vì GDP đầu người của Việt Nam và Trung Quốc năm 2001 chỉ cách nhau 400 USD, năm 2010 đã cách khoảng 3.100 USD. Nếu muốn cải thiện, chí có thể sử dụng yếu tố chất lượng.
Việc đặt vấn đề về năng lực cạnh tranh gắn với thể chế là yếu tố có giá trị hướng tổng thể trong xử lý vấn đề. Nếu không có cái nhìn tổng thể để xử lý vấn đề, chỉ đi gỡ từng nút thắt thì rất có thể sẽ gây thêm xung đột.
Với hệ thống các công việc phải làm như Thủ tướng Chính phủ nhắc tới trong thông điệp đầu năm, tôi tin là mọi việc sẽ được giải quyết dần một cách ổn thỏa theo hướng thị trường được vận động tốt hơn, giá cả vận hành đúng chức năng của nó, tư nhân phải tiếp cận được các nguồn lực. Đó chính là cải cách thể chế. Tôi cho rằng, Chính phủ đã có những chương trình triển khai rõ ràng. Và đặt vấn đề chất lượng thể chế là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh là cách đi đúng.
Về kinh tế, thông điệp có mấy nội dung đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là tái cơ cấu liên quan đến hệ thống giá. Mục tiêu tái cơ cấu là thay đổi cơ cấu phân bổ nguồn lực, đưa nguồn lực đến với những ngành có sức lan tỏa tốt, có năng lực sử dụng vốn tốt, đến địa phương nào có tiềm lực phát triển mạnh. Tuy nhiên, nỗ lực nhiều nhưng ta chưa làm được nhiều trong thực hiện tái cơ cấu 3 trọng tâm ưu tiên.
Có nhiều lý do, nhưng có một lý do là nguyên lý cơ bản để đảm bảo quá trình tái cơ cấu diễn ra theo 3 tuyến ưu tiên chưa được xác định rõ. Rất mừng là trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc áp dụng giá thị trường được nhấn mạnh rõ. Hệ thống giá cả của chúng ta những giá cơ bản không thị trường nên làm cho hệ thống điều tiết bị méo mó như giá năng lượng, đất đai, tiền lương, tỷ giá… Điều này tác động tới sự vận hành của các loại giá cả khác, thậm chí không thể phát huy đầy đủ tác dụng của cả hệ thống, thậm chí còn kiềm chế.
Hơn thế, nếu không có giá thị trường, phân bổ nguồn lực sẽ lệch lạc mà tái cơ cấu cụ thể vào ngan hàng, nhà nước để phân bổ lại cũng chỉ có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật còn về cơ chế không giải quyết được. Nếu làm được tôi tin rằng thì bảo đảm nguyên lý cơ bản cho phân bổ nguồn lực vận hành tốt, làm cơ sở cho tai cơ cấu 3 trọng tâm thực hiệ được. phải làm rất mạnh thì quá trình tái cơ cấu ì ạch mấy năm nay sẽ có bước tiến mạnh và khi có bước tiến mạnh thì sẽ thay đổi nhanh.
Thứ hai là, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Mấy năm nay, trong 3 ưu tiên tái cơ cấu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là việc phải phải làm nhanh và quyết liệt vì đây là nút chủ thể, làm méo mó thị trường, là rào cản cho khu vực doanh nghiệp tư nhân khó phát triển, khó tiếp cận với các nguồn lực của phát triển. Trong khi đó đang tiêu tốn một nguồn lực quốc gia lớn. Việc chọn trọng tâm của trọng tâm, chọn tọa độ đột phá là doanh nghiệp nhà nước sẽ thúc đẩy gỡ nút chủ thể quyết liệt trong năm nay là lựa chọn chính xác, nhất là khi năng lực tài chính, kể cả doanh nghiệp và ngân sách yếu để tổ chức tái cơ cấu trên mọi tuyến nên cần phải chọn trọng tâm. Tính đột phá ngày càng cao. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thể hiện sự quyết liệt thì tuyên bố cách chức người cản trở làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Trong phạm vi thẩm quyền của thủ tướng, Thủ tướng đã nói là làm được.
Thứ ba, điểm đặc biệt ấn tượng là thông điệp dành một phần nói về cải cách nông nghiêp, nông thôn, đưa nông nghiệp, nông thôn lên một tầm khác. Tôi cho rằng, Việt Nam có nền nông nghiệp đặc sắc, nhiều khả năng đạt giá trị gia tăng cao. Nhưng thời gian vừa qua, chúng ta chạy theo số lượng, chất lượng và hiệu quả không cao, người nông dân không hưởng lợi nhiều.
Bài toán hiện tại là cụ thể hóa các nội dung thành chiến lược hành động, với những giải pháp cụ thể bằng phương thức thị trường. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ có được bước ngoặt, thoát khỏi tình trạng trì trệ, trạng thái bệnh tật để đi lên.
Điểm cuối cùng là một tư duy phải làm triệt để là nhà nước phục vụ thị trường, phục vụ phát triển, không phải ra lệnh. Khi đó, kết nối giữa thị trường và doanh nghiệp sẽ theo hướng hiệu quả cho phát triển chứ không phải là hiệu quả của nhà nước. Tư duy này cũng cần được xác định là tinh thần của cải cách hành chính để từ đó tạo nên bước đột phá.
Tất nhiên, thực hiện không dễ vì lâu nay chúng ta cũng đã nói nhiều, nhưng làm không được bao nhiêu. Vì vậy, cần có thiết kế chương trình hành động cho từng nội dung trong thông điệp, cái gì có thể làm sớm, làm ngay thì phải thực hiện. Tôi tin lần này chúng ta sẽ hành động thực sự, có cơ hội thực sự để cải cách.
(*) Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
TS. Trần Đình Thiên*