HĐQT Minh Phú sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần hơn 15.774 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2020.
Cùng với đó, Minh Phú điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1.092 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch trong Báo cáo thường niên năm 2020 được đưa ra vào đầu tháng 4/2021 là 308 tỷ đồng.
Dù vậy, nếu kỳ vọng lạc quan lần này của ban lãnh đạo Minh Phú trở thành hiện thực, với mức lãi tăng 62% so với kết quả năm liền kề trước đó, thì năm 2021 trở thành năm ghi dấu lợi nhuận cao trong lịch sử của doanh nghiệp được gọi là “vua tôm” Việt Nam.
Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 sẽ được HĐQT Minh Phú trình Đại hội thường niên vào ngày 17/06 tới. |
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết, trong năm nay, HĐQT tiếp tục duy trì vị thế của công ty xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam và của thế giới, giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có cũng như không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
“Minh Phú đã phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon nhằm làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch, bền vững đồng thời đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán”, ông Quang thay mặt HĐQT nói và lý giải, chuỗi giá trị tôm này sẽ được triển khai xây dựng dưới 5 hình mô hình chính.
Đầu tiên là con giống quyết định trên 60% thành công của nuôi tôm.
Để có con giống tốt, chất lượng cao, Minh Phú đề xuất xây dựng khu sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận, kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm.
Thứ hai, đầu tư khu phức hợp nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn được kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain, xây dựng một ứng dụng di động thông minh để quản lý nuôi tôm....
Tiếp theo là các khu phức hợp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường; khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường và khu phức hợp nuôi tôm sú - lúa hữu cơ (1 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn.
Nhân viên làm việc tại trại tôm giống của Minh Phú (Nguồn: MPC). |
Minh Phú dự chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 20% trên mệnh giá, tương đương 400 tỷ đồng và cổ tức năm 2021 sẽ tăng thêm từ 30-50% lợi nhuận chưa phân phối.
Cùng với đó, MPM Investments Pte.ltd (sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu MPC) đã đề cử ông Tsukahara Keiichi tham gia HĐQT Minh Phú thay ông Osada Tsutomu vừa có đơn từ nhiệm. Ông Tsukahara Keiichi sinh năm 1965, là Phó giám đốc Food Business Unit của Mitsui & Co., ltd.
Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ triển khai phương án bán hơn 633.000 cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi (10.000 đồng/cổ phiếu) cho cán bộ công nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 2.810 tỷ đồng), trong khi chi phí bán hàng tăng gần 35% và lợi nhuận sau thuế giảm xấp xỉ 52%, chỉ còn 26,6 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty lý giải, do ảnh hưởng của đại dịch nên giá một số vật tư đầu vào và dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh đều tăng, đặc biệt là phí tàu cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, 3 tháng đầu năm là thời điểm chưa vào vụ thu hoạch, giá tôm nguyên liệu cao và để đảm bảo cung cấp những những đơn hàng đã ký, doanh nghiệp này phải mua nguyên liệu với giá cao.
Tính đến cuối năm 2020, Minh Phú có 16 công ty con và công ty liên kết. Doanh nghiệp này đang theo đuổi mục tiêu 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2045 (tức trong 25 năm kể từ năm 2020).
Hiện Minh Phú chủ yếu xuất khẩu cho thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật. Đây đều là những quốc gia và vùng lãnh thổ đang chịu tác động tiêu cực từ việc lây lan Covid-19.
Tác động của dịch bệnh làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng mua nhu yếu phẩm để tự chế biến tại nhà thay vì ra ngoài, kế hoạch tập trung phân phối tại các siêu thị, cửa hàng lương thực cũng đang được Minh Phú thực hiện.
Theo ban lãnh đạo công ty, trên thế giới, các nước xuất khẩu thủy sản như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador gây áp lực cạnh tranh gay gắt lên thủy sản Việt Nam về giá bán.
Ngành nuôi tôm và một số sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam đã được nhìn nhận và so sánh với các ngành tương tự tại các nước như Ấn Độ, Thái Lan cho thấy giá thành sản xuất của Việt Nam cao hơn từ 10 – 30% khiến giá bán xuất khẩu khó cạnh tranh với các thị trường này.
Trái lại, tại các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia thì sản lượng tôm trong năm 2020 giảm khoảng 10-20%, do các quốc gia này hiện nay vẫn đang phải đối phó với tình trạng lây lan dịch Covid-19 trên diện rộng.
Để giảm thiếu tác động của sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nước xuất khẩu có nguồn cung lớn trên thế giới, Minh Phú sẽ phải đẩy mạnh chế biến các sản phẩm tôm giá trị gia tăng, sản phẩm tôm tinh chế ăn liền, thúc đẩy nguồn cung để đảm bảo nguyên liệu đầu vào.