Tôn Đông Á lãi ròng hơn 200 tỷ đồng trong nửa đầu năm
Sau năm 2022 đầy biến động và thách thức, Tôn Đông Á đã củng cố để có sự phục hồi trong quý I/2023 và đặc biệt là quý II/2023. Thông tin vừa được Công ty công bố trong tuần.
CTCP Tôn Đông Á, hãng tôn mạ lớn thứ hai ở Việt Nam, lãi ròng 204 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và vượt kế hoạch lãi ròng đề ra cho năm 2023. |
Trong quý II/2023, Tôn Đông Á ghi nhận tổng doanh thu đạt 4,792 tỷ đồng, bằng 71% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng trưởng 22% so với quý 1 liền kề. Lãi ròng quý II/2023 đạt 122,6 tỷ đồng, bằng 97,4% so với cùng kỳ nhưng tăng 50,3% so với quý I/2023.
Biên lợi nhuận ròng trong quý II/2023 thể hiện sự cải thiện với biên độ tăng 0,7% so với cùng kỳ và 0,5% so với quý liền kề nhờ cắt giảm các chi phí như chi phí lãi vay và chi phí hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, CTCP Tôn Đông Á ghi nhận đạt đạt tổng sản lượng kinh doanh 377.000 tấn, tổng doanh thu 8.734 tỷ đồng và lãi ròng đạt 204,3 tỷ đồng, lần lượt đạt kế hoạch năm đã đặt ra là 50%, 51% và 102%. Tuy mức doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm tương đối so với cùng kỳ nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi, đây là kết quả khả quan so với nửa cuối năm 2022.
Triển vọng của thị trường ngành thép lá mạ từ nửa cuối năm 2023 đến năm 2024 dự kiến dần phục hồi thúc đẩy bởi nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng cùng các chính sách hỗ trợ lãi suất, điều tiết lạm phát và tỷ giá.
Bên cạnh đó, xu hướng xây dựng bền vững và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng tạo ra cơ hội cho các công ty có sự đầu tư về mặt công nghệ và chất lượng. Công ty đã điều chỉnh chiến lược để phản ánh xu hướng và cơ hội mới trên thị trường.
Hiện tại, Công ty tiếp tục duy trì thị phần trong top đầu và chuẩn bị được chấp thuận giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM trong năm.
Petrovietnam hoàn thành vượt chỉ tiêu sản xuất
Nhiều chỉ tiêu sản xuất của PVN hoàn thành vượt mức đến 28% so với kế hoạch, sau bảy tháng sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo tại hội nghị giao ban tháng 7 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), một số chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, gồm: sản xuất điện tăng hơn 62%; sản xuất xăng dầu tăng 5,4%; khai thác khí tăng 0,6%; sản xuất đạm từ Cà Mau tăng 3,3%; NPK Cà Mau tăng hơn 13%.
Giàn khoan tại mỏ Sư Tử Vàng. Ảnh: Petrovietnam |
Trong bảy tháng qua, sản lượng khai thác dầu của tập đoàn đạt 6,2 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch, bằng 66,8% kế hoạch cả năm. Trong đó sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 5,15 triệu tấn; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,05 triệu tấn; sản lượng khai thác khí đạt 4,79 tỷ m3. Sản xuất và cung ứng điện đạt 14,94 tỷ kWh. Sản xuất đạm đạt 1,04 triệu tấn; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 4,18 triệu tấn.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn tập đoàn 495.700 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch 7 tháng, đạt 73% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn (không bao gồm NSRP) đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 7 tháng, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 5 tháng.
Tính riêng tháng 7, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn được triển khai tích cực. Mặc dù huy động điện, khí thấp hơn so với tháng trước do bước vào mùa mưa và việc ưu tiên huy động thủy điện nhưng nhờ tăng trưởng sản xuất ở các sản phẩm chủ lực khác như xăng dầu, phân bón góp phần đưa kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn tiếp tục hoàn thành ở mức cao so với kế hoạch Chính phủ giao.
Trong đó, sản lượng khai thác dầu vượt 15,5% kế hoạch tháng; sản lượng khai thác khí vượt 37%; sản xuất cung ứng điện vượt 47,8%; sản xuất đạm vượt 11,3%; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) vượt 2,2 lần kế hoạch tháng.
Trong tháng, Petrovietnam chú trọng, triển khai như hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành dự án LNG Thị Vải từ ngày 10/7 (đã cung cấp cho thị trường đến 31/7 đạt 20 triệu m3 LNG; hoàn thành đầu tư đưa công trình giàn RC8 (của Vietsovpetro) vào khai thác từ ngày 15/7, sớm hơn 30 ngày so với kế hoạch. Các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí được triển khai theo kế hoạch đề ra như: chuỗi dự án Lô B, dự án điện Nhơn Trạch 3, 4, dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất... Doanh nghiệp cho biết, việc tiếp nhận, bàn giao dự án nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV giữa EVN và Petrovietnam diễn ra tích cực.
Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được Chính phủ giao đã hoàn thành vượt kế hoạch song áp lực tăng trưởng của tập đoàn trong 5 tháng còn lại là rất lớn. Do đó, tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung công tác đánh giá, dự báo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện từng tháng, từng quý để bù đắp những chỉ tiêu sản lượng thiếu hụt theo kế hoạch quản trị.
Công ty than lớn thứ 2 Việt Nam lãi hơn 400 tỷ trong 6 tháng đầu năm
Tổng công ty Đông Bắc - trực thuộc Bộ Quốc phòng - là công ty than có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam sau Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV). Tổng tài sản tại cuối quý 2/2023 ở mức 11.633 tỷ đồng.
Tổng công ty Đông Bắc vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên năm 2023. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty đạt 417 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên 18,9%.
hai thác than Hầm Lò của Công ty 91 - Tổng công ty Đông Bắc. Ảnh: TCT Đông Bắc |
Trước đó, Tổng công ty cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó: sản xuất than: 3,2 triệu tấn (đạt 48% KH năm), tiêu thụ than: 4,4 triệu tấn (đạt 44% KH năm), doanh thu trên 10.952 tỷ đồng (đạt 46% KH năm), lợi nhuận trước thuế: 500 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1.525 tỷ đồng (đạt 58% KH năm).
Vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại ngày 30/6 ở mức 2.207 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 4,27, tương ứng với giá trị nợ phải trả ở mức 9.426 tỷ đồng, giảm 8% so với cuối quý 2/2022. Tổng tài sản ở mức 11.633 tỷ đồng.
Được thành lập năm 1994 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị khai thác than của quân đội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Đông Bắc - trực thuộc Bộ Quốc phòng - là công ty than có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam sau Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV).
Chỉ sau 7 tháng, TKV đã cán mốc 100.000 tỷ đồng doanh thu
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023, với doanh thu đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 60% kế hoạch 169.000 tỷ đồng của năm.
Về tình hình sản xuất, kết thúc tháng 7, Tập đoàn sản xuất 2,9 triệu tấn than nguyên khai; Than tiêu thụ 4,2 triệu tấn; Đất bóc 11,3 triệu m3; Đào lò 23.100 mét. Ở mảng khoáng sản, TKV đã sản xuất 116.000 tấn Alumin quy đổi và tiêu thụ 120.500 tấn; Sản xuất khoảng 9,13 tấn tinh quặng đồng trong tháng 7.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sản xuất và tiêu thụ điện khoảng 813 triệu kWh; Sản xuất, tiêu thụ 6.000 tấn thuốc nổ; Sản xuất 17.000 tấn Amon Nitrat…
Kết thúc tháng 7, TKV sản xuất 2,9 triệu tấn than nguyên khai |
Bước sang tháng 8, Tập đoàn TKV đặt kế hoạch sản xuất 3,18 triệu tấn than nguyên khai; Sản phẩm Alumin 127.000 tấn; Sản xuất 730 triệu Kwh điện; Sản xuất thuốc nổ khoảng 5.600 tấn, cung ứng 8.000 tấn…
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV yêu cầu các đơn vị thuộc tập đoàn cập nhật, bám sát các cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo mới của Chính phủ và diễn biến của thị trường để điều hành sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch từ nay đến cuối năm.
Đồng thời, các đơn vị cần sớm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến TKV theo ba Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia, Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khiến giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhưng doanh thu của TKV đạt mức cao nhất từ trước tới nay, khoảng 166.000 tỷ đồng (tương ứng trên 7,2 tỷ USD), tăng 22% so với năm 2021.
Trong đó, hơn 61% là doanh thu từ than, đạt khoảng 101.600 tỷ đồng; Khoáng sản 24.700 tỷ đồng; Sản xuất và bán điện 10.200 tỷ; Còn lại là khoản thu từ cơ khí, vật liệu nổ và các lĩnh vực khác.
Năm nay, TKV đặt mục tiêu doanh thu gần 169.000 tỷ đồng, tăng 2% so với 2022; Lợi nhuận sau thuế ở mức 4.000 tỷ đồng. Riêng về than, TKV đặt mục tiêu sản xuất than nguyên khai gần 39,2 triệu tấn; Than sạch sản xuất hơn 38,7 triệu tấn; Than tiêu thụ 46,5 triệu tấn, nhập khẩu 9,2 triệu tấn và xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn.
Lộc Trời xuất khẩu lúa gạo sang Indonesia và Malaysia
HĐQT Lộc Trời đã phát đi thông tin về việc chấp thuận các hợp đồng giao dịch giữa Lộc Trời và các đối tác liên quan đến việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và/hoặc Malaysia được thực hiện trong năm 2023, với mỗi giao dịch có giá trị tối đa 127 triệu USD. Tổng giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận được giao đại diện cho công ty ký kết các hồ sơ, tài liệu tham gia đấu thầu (nếu có), chào giá, liên quan đến giao dịch nêu trên.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.678 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng đem lại cho công ty khoản thu gấp 8,5 lần so với cùng kỳ, chạm mốc 49 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quý II/2023, công ty còn trích lập phần lãi gần 327 tỷ đồng trong công ty liên kết, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận. Đây là phần lợi nhuận của Lộc Trời sau khi mua lại CTCP Lương thực Lộc Nhân.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính trong quý của Lộc Trời đạt 231 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay. Sau khi khấu trừ thuế phí, Lộc Trời báo lãi 424 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 44 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.130 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực - lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn cơ cấu với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Trừ đi thuế phí, Lộc Trời thu về khoản lãi 343 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả trên cũng giúp Công ty hoàn thành gần 86% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.