Những điều kiện… lơ lửng
Vào giữa tháng 5, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tỏ ra khá tự tin khi công bố sẽ cắt giảm 110 điều kiện kinh doanh trên tổng số 212 điều kiện hiện có tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP. Mức cắt giảm này chiếm tới 51,9%, cao hơn mức tối thiểu mà Chính phủ đặt ra là 50%).
Tổ hợp Đại học và Công viên phầm mềm FPT Cần Thơ có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, quy mô đào tạo 10.000 sinh viên |
Kết quả là tới thời điểm ngày 15/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cắt giảm được 56,8% điều kiện kinh doanh, nhưng các nhà đầu tư, chuyên gia cũng cho rằng, vẫn còn nhiều điều kiện lửng lơ, làm khó nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Theo ông Tùng, điều kiện duy nhất mà ông tỏ ra đồng tình là quy định các nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phải có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng, bằng với mức các nhà đầu tư trong nước đang phải thực hiện tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ 1/8, thay vì 300 tỷ đồng như quy định tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP trước đó.
Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện được cắt giảm, còn điều kiện như đề nghị của ông Tùng liên quan tới mở ngành đào tạo lại chưa được Bộ xem xét.
“Khi cơ sở giáo dục có văn bản cho phép hoạt động thì vẫn phải mở ngành bao gồm những yêu cầu chung chung như dạy cái gì, dự kiến dạy bao nhiêu sinh viên, thủ tục xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh, dạy theo cách thức nào…Mỗi quy trình lại có nhiều “giấy phép con”. Mở ngành là quy trình rất phức tạp với điều kiện 3 năm trường không vi phạm mới được đề xuất mở ngành”, ông Tùng nói.
Với câu chuyện tự chủ, hiện có khoảng 24 trường công lập tự chủ, nhưng có tới 200-300 trường chưa được tự chủ, mà đã chưa tự chủ được thì liên quan nhiều tới cơ chế xin-cho.
“Những thủ tục lơ lửng đang khiến các trường rất khó hoạt động. Nếu doanh nghiệp chỉ vi phạm vì có căn cứ sai ở đâu, điều khoản nào cấm thì giáo dục lại liên quan tới khung xin phép, nghĩa là được phép làm hay không và làm có đúng quy trình cấp trên hay không. Trong một đợt thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lập danh sách 10 tiến sĩ của Đại học FPT chưa được công nhận bằng văn bản của Bộ. Tôi đã bác bỏ với lý do không công nhận thì sao, vì không có quy định nào khẳng định việc có hay không công nhận là vi phạm khi việc công nhận bằng văn bản chỉ quy định tới trình độ thạc sĩ. Một ví dụ khác khi Đại học FPT tổ chức sơ tuyển ngay lập tức bị Bộ phản đối vì cho rằng không được sự đồng ý của Bộ. Nếu chiếu theo các quy định, chúng tôi không vi phạm nên vẫn thực hiện. Sau nhiều lần tranh cãi thì Bộ không có ý kiến gì thêm, nhưng với những trường công lập thì rõ ràng câu chuyện sẽ khác”, ông Tùng khẳng định.
Chờ minh bạch, thông thoáng
Theo ông Tùng, đã cắt giảm thì phải có quy định cụ thể và những cắt giảm cụ thể này có đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư không, hay phải chờ tới khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học được thông qua.
Cách đặt vấn đề này là có cơ sở khi Nghị định 86 thay thế Nghị định 73 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã lập tức hóa giải được phần lớn các kiến nghị trước đó của bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam về cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Cũng cần nói thêm, những đề xuất của bà Dung đưa ra liên quan tới bỏ quy định tỷ lệ học sinh Việt Nam tại các trường có yếu tố nước ngoài, bỏ điều kiện xin cấp giấy phép thành lập với cơ sở đào tạo ngắn hạn, bỏ quy định kinh nghiệm 5 năm với giáo viên dạy ngoại ngữ... chỉ cách thời điểm Nghị định 86 được ban hành khoảng 3 tháng.
“Chỉ riêng với quy định không đòi hỏi giáo viên 5 năm kinh nghiệm hoặc cho phép các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp nhận học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục nước ngoài tăng từ 20% tới dưới 50% đã giúp cho thị trường đào tạo hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ với quy định mở hơn này. Cùng với đó, học sinh Việt Nam sẽ được hưởng lợi về chi phí vì khi du học được các trường nước ngoài tiếp nhận ngay. Riêng với quy định cho phép thành lập cơ sở giáo dục ngắn hạn với 2 giấy phép (cắt giảm 1 giấy phép so với trước) đã là tin vui lớn, khuyến khích mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo ngắn hạn như ngoại ngữ, kỹ năng, tin học, góp phần phát triển hình thức giáo dục thường xuyên ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Dung nói.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm là do không còn phù hợp với một số luật hoặc nghị định khác hiện hành. Như vậy, việc cắt giảm về số lượng như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố không mang lại hiệu quả thực chất như nhà đầu tư mong muốn là tạo cơ chế thực sự thông thoáng, minh bạch để hút được nguồn vốn vào lĩnh vực này.