Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải trao giải cho các doanh nghiệp thương mại dịch vụ tiêu biểu (Ảnh: K.T) |
Giải thưởng “Thương mại Dịch vụ Việt Nam 2016” - Vietnam Top Trade Services 2016 nhằm động viên, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong 11 nhóm, ngành hàng thương mại dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, bao gồm: Dịch vụ môi trường, Dịch vụ phân phối, Dịch vụ tài chính, Dịch vụ xây dựng, DỊch vụ thông tin, Dịch vụ kinh doanh tổng hợp, Dịch vụ du lịch, Dịch vụ vận tải, Dịch vụ y tế - xã hội, Dịch vụ giáo dục và Dịch vụ văn hóa - giải trí.
Lễ trao Giải lần này đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO (2007-2017).
Được khởi động từ tháng 10/2016, sau 04 tháng triển khai, Thường trực Ban Tổ chức đã nhận được hơn 400 đề cử từ hơn 30 Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và tự ứng cử cho các danh hiệu “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ xuất sắc”, “Doanh nhân Thương mại Dịch vụ xuất sắc” và “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ tiêu biểu ”.
Qua 3 vòng xét chọn, Ban tổ chức đã quyết định trao Giải thưởng Thương mại Dịch vụ Việt Nam năm 2016 cho Top 10 “Doanh nhân Thương mại Dịch vụ xuất sắc 2016”; Top 10 “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ xuất sắc 2016” và Top 82 “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ tiêu biểu 2016”.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sau 10 năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp, doanh nhân đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, chấp nhận cuộc chơi lớn, sòng phẳng. Tỷ trọng Thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm.
Chúc mừng các doanh nghiệp, doanh nhân được nhận giải thưởng lần này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống kiên cường, sáng tạo của người Việt Nam, không ngừng học hỏi, áp dụng các phương pháp sản xuất và quản lý hiện đại, đổi mới phương thức dịch vụ, đổi mới quản lý và tiếp thị, làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân thương mại dịch vụ ngày càng nâng cao, có sức lan tỏa lớn tại thị trường trong nước và quốc tế.
Đại diện Đại học RMIT Việt Nam nhận giải thưởng Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ năm 2016. RMIT Việt Nam từng nhận Giải thưởng Thương mại dịch vụ Việt Nam các năm 2007, 2008, 2009, 2010, và 2013. Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Gael McDonald cho biết, giải thưởng là bằng chứng thể hiện những giá trị và cam kết của trường trong đào tạo gắn liền với thực tế. |
Theo ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng biên tập Báo Công Thương, Đại diện Ban tổ chức của Giải, từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO,Thương mại dịch vụ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên cả hai hướng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.
Nếu như năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 48,6 tỷ USD thì đến năm 2016, con số này đã là 176,6 tỷ USD, tăng gần 3,5 lần; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2007 là 746 nghìn tỷ đồng thì con số này năm 2016 đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,7 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực Thương mại dịch vụ trong 10 năm qua luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân.
Cơ cấu Thương mại dịch vụ đóng góp trong GDP những năm qua thường xuyên ở mức từ trên 40 đến 45% năm, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ Nông nghiệp sang Công nghiệp và Thương mại dịch vụ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Thương mại dịch vụ và Công nghiệp đóng góp 85% trong GDP... mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã đề ra.
RMIT Việt Nam từng nhận Giải thưởng Thương mại dịch vụ Việt Nam các năm 2007, 2008, 2009, 2010, và 2013.