Đầu tư và cuộc sống
Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề lớn trong giáo dục
Hưng Anh - 19/11/2024 14:06
Sáng 18/11, tại Hà Nội, trong cuộc gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo.

Những điểm nổi bật đã làm được của ngành giáo dục và đào tạo

Trong cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.

Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ nhiều thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo đã làm được.

Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số. Trong 3 năm 2022-2024 hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục từ mầm non, phổ thông; lần đầu thực hiện thành công việc kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm và thực hiện thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; thí điểm triển khai học bạ điện tử đối với tiểu học vào năm 2023 và triển khai học bạ điện tử đại trà với giáo dục phổ thông từ năm 2024.

Đất nước ta vừa mới thoát nghèo và còn đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Nhưng về giáo dục và đào tạo, chúng ta đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được, chẳng hạn như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.

Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới.

Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học (con số này được thống kê nhờ cơ sở dữ liệu dân cư của ngành Công an), 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Chúng ta đã có 4 đại học có mặt trong top 1000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.

Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và được nhân lên trong thời đại mới.

Giáo dục và đào tạo của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu.

Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề lớn trong giáo dục và đào tạo

Trước những thành tích đã đạt được của ngành giáo dục và đào tạo, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra những điểm còn là hạn chế chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm ngoài gửi lời chúc đặc biệt đến các nhà giáo nhân ngày 20/11 còn gợi mở 3 vấn đề lớn trong ngành. 

Đồng thời Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề lớn trong ngành đó là:

Phải tập trung thực hiện bằng được “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”. 

Tổng Bí thư nêu 4 nội dung cụ thể: Một là, hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, song từ những bài học còn nguyên giá trị từ phong trào bình dân học vụ, củng cố niềm tin vững chắc chúng ta sẽ thành công khi có mục tiêu trong sáng, chính sách thông minh và cách làm sáng tạo.

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu thấu đáo phong trào bình dân học vụ, trên cơ sở những bài học còn nguyên giá trị và thực tiễn hiện nay, đề xuất Bộ Chính trị vấn đề này.

Hai là, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.

Ba là, bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước (chúng ta xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh).

Bốn là, phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030, Việt Nam trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt top 100 trường hàng đầu trên thế giới.

Vấn đề thứ 3 mà Tổng Bí thư nhấn mạnh đó là tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức có tài. 

Vấn đề thứ 2 cần làm ngay đó là có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. 

Tổng Bí thư yêu cầu, tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo”, Tổng Bí thư gửi gắm. 

Tin liên quan
Tin khác