Vụ việc bắt đầu khi dư luận xôn xao và bức xúc trước thông tin ông Trịnh Xuân Thanh, từ chỗ là lãnh đạo một doanh nghiệp thua lỗ trên 3.200 tỷ đồng, được chuyển về Bộ Công thương công tác, rồi được luân chuyển vào Hậu Giang làm Phó chủ tịch tỉnh và mới đây đã trúng cử đại biểu Quốc hội.
Bức xúc là dễ hiểu vì rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra, từ chuyện chuyển đổi xe biển trắng thành biển xanh có phải là hành vi trục lợi, tới chuyện làm sao đang là lãnh đạo một doanh nghiệp thua lỗ lớn trên 3.000 tỷ đồng mà lại liên tục được thăng tiến? Có chuyện chạy chức, chạy quyền trong vụ này? Có chuyện tham nhũng, tiêu cực đằng sau việc bổ nhiệm hay không? Trách nhiệm của Bộ Công thương, của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đến đâu?...
. |
Cần phải qua thanh, kiểm tra mới có thể có kết luận và câu trả lời chính thức, song rõ ràng rằng, việc một cán bộ không trung thực như vậy nhưng vẫn thăng tiến rất nhanh là bất bình thường và có vấn đề trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Điều đáng nói là, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh chưa xong, lại xuất hiện thông tin liên quan tới một lãnh đạo trẻ tuổi tại một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lại được điều chuyển về Bộ Công thương và đang giữ vị trí Phó tổng giám đốc tại Sabeco. Cũng vẫn những câu hỏi được đặt ra về quy trình và sự minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ, về cơ sở pháp lý cho việc bổ nhiệm cũng như trách nhiệm liên quan…
Hai vụ việc được đưa ra công luận một lúc hẳn nhiên sẽ khiến dư luận bức xúc, nhất là khi “con voi” không chỉ lọt qua một, mà... nhiều lỗ kim. Chính vì vậy, chuyện chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi ám ảnh trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với bộ máy công quyền, thậm chí là với cả sự lãnh đạo của Đảng.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư là rất kịp thời trong việc thực thi pháp luật đối với cán bộ chủ chốt, là quyết tâm chính trị của Đảng nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Đây cũng có thể coi là “phát súng lệnh” cho cuộc chiến chống tham nhũng nói riêng, cho việc đưa Nghị quyết Trung ương 4 về “một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó có công tác cán bộ vào thực tiễn.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, công tác cán bộ là một trong những công tác trọng tâm mà ngay từ thời lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm. Người đã nhiều lần chỉ rõ, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, do vậy phải cân nhắc và khéo dùng cán bộ. Dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi nếu không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến lãng phí nhân tài - sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Và rằng, cất nhắc cán bộ, phải vì công tác tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái, chứ nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng, thì như thế là “có tội với Ðảng, có tội với đồng bào”.
Sẽ là có tội với Đảng, có tội với đồng bào nếu tiếp tục để công tác cán bộ thiếu minh bạch, thậm chí là có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”. Do vậy, chỉ có rốt ráo xử lý vụ việc, sòng phẳng làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan và nghiêm khắc xử lý vi phạm, thì mới có thể giúp củng cố niềm tin trong dân - yếu tố sống còn để Đảng tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc Đổi mới, đưa đất nước ngày càng phát triển.