Đầu tư
Tổng công ty 319 đối diện thua lỗ từ Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai
Anh Minh - 13/07/2016 09:27
Sau 15 tháng thu phí, doanh thu tại Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai hụt khá lớn so với phương án tài chính được phê duyệt.
Dòng tiền tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai đang thiếu mất 24,425 tỷ đồng/năm.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, tính đến cuối tháng 6/2016, doanh thu lũy kế từ ngày 1/3/2015 mà Chi nhánh BOT 319 Sông Phan - nhà đầu tư Dự án BOT  đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai chỉ đạt 298,35 tỷ đồng/350,9 tỷ đồng theo phương án tài chính được chốt trong hợp đồng.

Trong đó, doanh thu từ 1/3/2015 - 31/12/2015 đạt 150,85 tỷ đồng/173,463 tỷ đồng (phương án tài chính); doanh thu từ 1/1/2016 đến 30/6/2016 đạt 147,5 tỷ đồng/177,48 tỷ đồng (phương án tài chính).

Điều đáng quan ngại là lợi nhuận lũy kế tính từ 1/3/2015 đến 30/6/2016 đã lên tới – 20,7 tỷ đồng.

Được biết, Vietinbank là nhà tài trợ chính cho Dự án với số vốn lên tới 1.260 tỷ đồng.

Theo hợp đồng BOT được ký giữa Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng công ty 319, Dự án có tổng mức đầu tư 2.071 tỷ đồng, nhà đầu tư được sử dụng Trạm thu phí Sông Phan để khai thác thu phí hoàn vốn trong thời gian là 22 năm 7 tháng 20 ngày, tính từ ngày bắt đầu thu phí.

Trước đó, theo Kết luận thanh tra chuyên đề về công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên Quốc lộ 1 đối với Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra phát hiện đơn vị tư vấn lập dự án và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tính lưu lương xe chưa chính xác với thuyết minh dự án.

Theo thuyết minh dự án, phân lưu giữa dự án Phan Thiết - Đồng Nai và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 40% và 60%; trong phương án tài chính sử dụng tỷ lệ phân lưu giữa dự án Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 55% và 45%. Như vậy, đang có sự sai khác giữa lưu lượng xe trong thuyết minh dự án với lưu lượng xe trong báo cáo tài chính (sai khác 15%).

Điều đáng nói là, tỷ lệ phân lưu xe trong phương án tài chính được ghi rõ trong Báo cáo kết quả thẩm định số 02/ĐTCT ngày 7/3/2013 của Ban quản lý dự án đối tác công tư, Bộ Giao thông - Vận tải. Điều này cho thấy, trong quá trình hoàn chỉnh Dự án theo quyết định phê duyệt, tư vấn đã không cập nhật, điều chỉnh và PMU1 chưa soát xét cẩn thận trong quá trình nghiệm thu.

Theo ghi nhận của đoàn Thanh tra, sau 5 tháng thu phí, doanh thu thu phí thực tế tại Dự án lệch khá xa so với phương án tài chính được phê duyệt. Cụ thể, với doanh thu bán vé trước thuế bình quân thực tế chỉ đạt 13,6 tỷ đồng/tháng, tương đương 163,8 tỷ đồng/năm, dòng tiền tại Dự án đang thiếu mất 24,425 tỷ đồng/năm.

Cần phải nói thêm, thời gian hoàn vốn dự án được chốt là 22 năm 7 tháng, nên ngay cả khi được ký lại phụ lục hợp đồng để kéo dài thêm thời gian thu, bù đắp cho phần thiếu hụt, đây vẫn là rủi ro rất lớn về dòng tiền cho nhà đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác