Ông Đặng Sỹ Mạnh đã từng giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt Khu vực II, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) trước khi về nhận nhiệm vụ mới tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vào năm 2017. |
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa ký Quyết định số 11/QĐ – ĐS bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư cầu hầm, Thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/1/2020.
Như vậy, ghế Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có chủ sau hơn 1 năm bỏ trống, sau khi ông Vũ Tá Tùng nghỉ chế độ từ ngày 1/10/2018.
Năm 2019 được đánh giá là một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt, tương tự như các năm 1979, 1984. Kết thúc năm 2019, doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty với hơn 3 vạn lao động chỉ đạt 8.191,3 tỷ đồng, tuy bằng 100% so với cùng kỳ năm nhưng chỉ đạt 97,2% so với kế hoạch.
Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dù đã áp dụng nhiều biện pháp “quẫy đạp”, chủ động bám các chân hàng lớn; cải tiến chất lượng dịch vụ hành khách nhưng do vẫn ở trong một nền cơ sở hạ tầng thấp kém, cũ nát của ngành đường sắt tồn tại hơn 140 năm nên doanh thu cũng chỉ đạt 2.388 tỷ đồng, bằng 93,1% so với cùng kỳ, đạt 97,2% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 13,9 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại là trong năm 2020, khó khăn với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được dự báo là sẽ còn gay gắt hơn. Đây là năm mà 3 dự án cải tạo hạ tầng đường sắt Thống Nhất bắt đầu triển khai với nhiều đoạn sẽ bị phong tỏa, gián đoạn khai thác trong nhiều thời điểm sẽ làm giảm năng lực thông qua, giảm tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ, kéo dài thời gian chạy tàu.