Doanh nghiệp
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ồ ạt thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp
Anh Minh - 17/12/2015 08:34
Đợt thoái vốn nhà nước sâu và triệt để nhất từ trước đến nay tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ được thực hiện ngay trong quý I/2016.

Rộng cửa cho nhà đầu tư ngoại

Trong danh mục 11 công ty cổ phần mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước đang nắm giữ, Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), có trụ sở tại Ngọc Khánh (Hà Nội) là cái tên đáng chú ý nhất.

Theo phương án thoái vốn, VNR muốn thoái toàn bộ 7.425.511  cổ phiếu nắm giữ, tương đương 48,05% vốn điều lệ của RCC, thông qua hình thức bán đấu giá công khai cả lô tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

VNR sẽ thoái toàn bộ vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần

“Không chỉ có lượng vốn cần thoái lớn nhất, RCC cũng là doanh nghiệp xây dựng công trình hạ tầng đường sắt lớn nhất Việt Nam hiện nay, nên việc được các nhà đầu tư chú ý là điều đương nhiên”, một lãnh đạo VNR cho biết.

Theo thông tin từ RCC, giá trị sản lượng 9 tháng đầu năm 2015 của nhà thầu này đạt 592,249 tỷ đồng, đạt 65,8% so với nghị quyết năm; doanh thu đạt 610,034 tỷ đồng, đạt 76,25%  nghị quyết năm; lợi nhuận trước thuế dự kiến là 29,111 tỷ đồng (bao gồm cả cổ tức RCC dự kiến đầu tư vốn vào các công ty cổ phần), đạt 88,2%; thanh toán thu hồi vốn được 467,138 tỷ đồng, đạt 62%; thu nhập bình quân 7.315.000 đồng/người/tháng, đạt 104,5% so với nghị quyết.

“Đây là cơ sở để chốt mức giá khởi điểm của đợt thoái vốn tại RCC là 108,4 tỷ đồng/lô, tương đương 14.600 đồng/cổ phiếu”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, VNR đề xuất mở rộng cánh cửa tham gia mua lô cổ phần này cho cả cá nhân, tổ chức nước ngoài nếu thỏa mãn yêu cầu về tài chính và cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư là tổ chức, VNR yêu cầu phải làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu không thấp hơn tổng giá trị thoái vốn theo lô tính theo mệnh giá cổ phần (không thấp hơn 74,25 tỷ đồng). Các nhà đầu tư cá nhân phải chứng minh được năng lực tài chính thông qua tổ chức tài chính, ngân hàng cũng với giá trị không thấp hơn 74,25 tỷ đồng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong nước bày tỏ tham vọng mua hơn 48,05% cổ phần tại RCC. Trong số này, có Công ty cổ phần Phát triển bất động sản DPV. Vào thời điểm hiện tại, DPV – nhà đầu tư đang kinh doanh chuỗi biệt thự cao cấp Vinpearl Premium Villas, có tổng tài sản 3.461 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng, hoàn toàn đủ sức “gánh” các tiêu chí năng lực tài chính mà VNR đưa ra.

Nhiều hàng để chọn

Được biết, danh mục đầu tư gồm 5 công ty mà VNR đề xuất lên Bộ GTVT xin thoái toàn bộ vốn khá phong phú về ngành nghề kinh doanh.

Ngoài RCC, lĩnh vực cơ khí có Công ty cổ phần Toa xe Hải Phòng (thoái 1,38 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm 20,1 tỷ đồng); lĩnh vực kinh doanh khách sạn có Công ty cổ phần Hải Vân Nam, có trụ sở tại 132 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM (thoái 575.040 cổ phần, giá khởi điểm 9,5 tỷ đồng); lĩnh vực đầu tư có Công ty cổ phần Đầu tư GTVT (thoái 0,241 triệu cổ phần, giá khởi điểm 4,82 tỷ đồng; xuất nhập khẩu có Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt (thoái 1,597 triệu cổ phần, giá khởi điểm 27,475 tỷ đồng).

“Việc thoái vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần sẽ giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sắt”, ông Thành cho biết.

Liên quan tới công tác cổ phần hóa, VNR cho biết, tính đến giữa tháng 12/2015, Tổng công ty đã IPO thành công 14 doanh nghiệp, còn lại 9 doanh nghiệp sẽ thực hiện xong trước 14/12. Trong số 24 công ty phải cổ phần hóa trong năm nay thì chỉ còn 1 công ty xin phép lui lại thời điểm 30/12.

 “VNR sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư có năng lực tham gia trên tinh thần cạnh tranh minh bạch và bình đẳng vì sự ổn định, lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp sẽ được chúng tôi thoái vốn”, ông Thành khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác