Việc ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho các nhân viên hàng hải sẽ tránh làm đứt gẫy hoạt động tại các cảng biển.tiêm |
Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa ký văn bản liên tịch gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19; Bộ Y Tế; Uỷ Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ GTVT xin ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thuyền viên, công nhân cảng biển.
Cụ thể, VIMC đề nghị 4 cơ quan nói trên xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý khác có liên quan xem xét khẩn cấp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi đưa thuyền viên Việt Nam, công nhân làm việc tại các cảng biển và dịch vụ hàng hải, một trong những đối tượng lao động đặc thù đã được quy định trong Bộ luật Lao động vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid 19 trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo thuyền viên, công nhân làm việc tại cảng được tiêm đầy đủ vaccine để yên tâm công tác làm việc trên tàu và tại các cảng biển của Việt Nam.
“Đây là vấn đề có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển”, lãnh đạo VICM nhấn mạnh.
Được biết, VICM hiện đang hoạt động trên ba lĩnh vực là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với khoảng 2,5 vạn lao động đang công tác làm việc tại các doanh nghiệp Tổng công ty cả trên bờ và trên các tàu biển, đây cũng là khâu trọng yếu trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ về việc cùng chung sức đẩy lùi đại dịch Covid-19, riêng Tổng công ty đã góp một phần nhỏ vào Quỹ hỗ trợ phòng, chống Covid-19 quốc gia với số tiền 50 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty cũng đã nhiệt tình tham gia công tác phòng chống Covid-19 tại địa phương nơi trú đóng bằng những hành động đóng góp thiết thực.
Trước tình hình đại dịch Covid 19 đang có những diễn biến rất khó lường với những biến chủng mới, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và an toàn xã hội của tất cả các nước nói chung và hoạt động hàng hải nói riêng.
Hiện hàng vạn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu treo cờ Việt Nam chạy tuyến nước ngoài trong đó các thuyền viên của Tổng công ty vẫn đang tiếp tục khắc phục khó khăn, gian khổ để vận hành khai thác trên các tàu biển, chấp nhận xa gia đình, xa quê hương để vận tải lưu thông hàng hoá phục vụ cho các nhu cầu của nền kinh tế, dân sinh của đất nước.
Với đặc thù của nghề thuyền viên, công nhân bốc xếp tại các cảng biển và dịch vụ hàng hải tại các cửa ngõ của đất nước là thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều đối tượng ở các cảng (lực lượng biên phòng, hải quan, công nhân lên tàu xếp/dỡ hàng hoá…), do vậy nguy cơ thuyền viên làm việc trên các tàu biển và công nhân bốc xếp tại các cảng biển bị lây nhiễm dịch bệnh Covid 19 là rất cao.
Sự việc sẽ rất nghiêm trọng nếu thuyền viên bị lây nhiễm trên tàu do tàu phải hành trình trên biển nhiều ngày, khó tiếp cận ngay với các phương tiện hỗ trợ về y tế để có thể điều trị kịp thời. Hơn nữa, đây là lực lượng lao động nòng cốt để đảm bảo cho lưu thông hàng hóa thông qua dịch vụ chuỗi từ sản xuất, vận chuyển/xuất nhập khẩu đến người tiêu dùng. Do vậy nếu khâu dịch vụ này bị đình trệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.
Lãnh đạo VIMC cho rằng việc ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thuyền viên, công nhân cảng biển
Sẽ góp phần đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, ổn định nền kinh tế và cũng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ phải hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.
Đồng thời cũng rút kinh nghiệm từ bài học của Trung Quốc, do có dịch Covid-19 tại cảng biển đã làm ách tắc toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu, ảnh hưởng nghiêm trong tới nền kinh tế của Trung Quốc.