Kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2021 sẽ giúp VIMC sớm trở lại vị thế là doanh nghiệp hàng hải số 1 Việt Nam. |
Đây là thông tin được ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty năm 2022 vừa được tổ chức vào sáng nay.
Theo đó, trong năm 2021, VIMC ghi nhận một năm kinh doanh đại thắng khi doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 19.604 tỷ đồng, bằng 124% cùng kỳ năm 2020 và bằng 129% kế hoạch năm 2021; lợi nhuận của VIMC trong năm 2021 ước đạt 3.750 tỷ đồng, bằng 554% kế hoạch năm. Đây là con số thực sự ấn tượng khi năm ngoái VIMC vẫn lỗ tới 145,3 tỷ đồng.
Khác với mọi năm khi lĩnh vực dịch vụ hàng hải là lĩnh vực đem lại lợi nhuận chủ yếu, năm 2021, khối vận tải biển của VIMC đã có sự bứt phá rất lớn khi chiếm tới 26% cơ cấu lợi nhuận toàn tổng công ty.
Lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của VIMC đã ghi nhận lợi nhuận 1.078 tỷ đồng trong năm 2021.
Một số đơn vị đạt kết quả nổi trội như: Công ty VIMC Shipping (đơn vị hạch toán phụ thuộc) ước lợi nhuận 496,8 tỷ đồng (kế hoạch 2021 cân bằng lợi nhuận), Công ty Vosco ước lợi nhuận 185,5 tỷ đồng (kế hoạch 2021 cân bằng lợi nhuận), Công ty Vinaship ước lãi 164,8 tỷ đồng (kế hoạch 2021 lãi 15 tỷ đồng), Công ty Biển Đông ước lãi 37 tỷ đồng.
Kết quả tích cực này xuất phát từ việc VIMC đã theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
“Nhìn chung, các tàu hàng khô của VIMC trong năm 2021 đều tận dụng được cơ hội thị trường để cải thiện hiệu quả. Ngoại trừ một số tàu đã ký hợp đồng dài hạn từ đầu năm, các tàu ký hợp đồng ngắn hạn đều nhanh chóng bắt kịp đà tăng của thị trường từ giữa năm 2021, đặc biệt là tăng mạnh trong quý 3/2021”, lãnh đạo VIMC cho biết.
Trong khi đó, khối các doanh nghiệp cảng biển VIMC vẫn tiếp tục là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho VIMC trong năm 2021 với các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2021 khối cảng biển ước đạt 2.234,9 tỷ đồng (chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC), trong đó một số cảng có kết quả nổi bật như: Cảng Sài Gòn 775,6 tỷ đồng; Cảng Quy Nhơn 410 tỷ đồng (256,3% KH 2021, nhờ tận dụng tốt cơ hội thị trường trong việc phát triển mặt hàng thiết bị điện gió mang lại lợi nhuận cao).
Riêng đối với Cảng Quy Nhơn, kể từ sau khi VIMC chính thức tiếp nhận lại ngày 29/5/2019, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của cảng này liên tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ chuẩn hóa quy trình khai thác, đẩy mạnh công tác thị trường, đổi mới quản trị, phát triển đa dạng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ cốt lõi, liên doanh khai thác bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ xếp dỡ container chuyên dụng, đầu tư công nghệ thông tin, hạ tầng, mở rộng mặt bằng đã giúp chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm tiếp nhận về VIMC.
Một tín hiệu tích cực khác là nhóm cảng liên doanh của VIMC sau nhiều năm thua lỗ cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật: Cảng SSIT (ước lãi 139,7 tỷ đồng) và CMIT (ước lãi 89,14 tỷ đồng) tiếp tục hoạt động có lợi nhuận. Cảng SP-PSA hoàn thành tái cơ cấu tài chính (khoảng 58,47 triệu USD, tương đương 1.344 tỷ đồng).
Cũng trong năm 2021, khối dịch vụ hàng hải VIMC đã vượt kế hoạch được giao về doanh thu (đạt 2.370 tỷ đồng - tăng 42% so với kế hoạch). Doanh thu toàn khối tăng do tăng doanh thu từ cước vận tải hàng không tăng trong đợt dịch Covid-19 và doanh thu từ các dự án vận chuyển hàng điện gió.
Cần phải nói thêm rằng, trong năm 2021, sản lượng vận tải biển toàn VIMC uớc đạt 22,85 triệu tấn, chỉ tăng khoảng 2,2% so với năm 2020; sản lượng hàng thông qua cảng toàn VIMC ước đạt 125,9 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2020 nhưng hiệu quả kinh doanh lại tăng đột biến.
“Thị trường vận tải biển, đặc biệt là thị trường tàu hàng khô bùng nổ đã đẩy giá cước tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Giá thuê chuyến và cho thuê định hạn đối với 2 phân khúc Supramax và Handysize đã tăng từ 2 - 3 lần so với đầu năm là nguyên nhân quan trọng giúp VIMC có được lực đẩy quan trọng trong sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo VIMC thông tin.
Trong năm 2022, VIMC sẽ ưu tiên chiến lược phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển container. Năm 2022, Tổng công ty sẽ khởi công và triển khai xây dựng dự án bến số 3, 4 cảng container quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục phát triển các dự án cảng biển tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng).
“Chúng tôi sẽ mở rộng và phát triển hoạt động vận tải container, trong đó VIMC với vai trò kết nối với các hãng tàu lớn để tiếp tục triển khai các tuyến, dịch vụ mới tại khu vực và quốc tế”, ông Tĩnh nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đặt hàng với VIMC về việc mở tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam-Trung Quốc nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc đường bộ xe vận tải hàng hóa ở cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị VIMC cần quan tâm phát triển các “cánh tay nối dài” của cảng biển là các cảng cạn và đội tàu đường thủy nội địa.
“Tiềm năng phát triển đường thủy nội địa phía Bắc không thua kém gì với phía Nam bởi trong Nam lượng hàng không nhiều như ngoài này. Tại phía Bắc hiện rất thiếu cảng cạn, tàu pha sông biển khiến các cảng biển được đầu tư lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả như cơ thể chỉ có chân mà không có tay”, ông Sang ví von.