Nhiều dự án thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí
Một thông tin đáng chú ý trong Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Đoàn Giám sát của Quốc hội, đó là công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm, còn nhiều bất cập.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, chỉ cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% kế hoạch, với giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020.
Việc xử lý các dự án kinh doanh kém hiệu quả còn chậm |
Trong khi đó, thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch (giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng).
Không chỉ vậy, kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước cho thấy, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước đã khiến nghị thu ngân sách nhà nước tăng 32.219,25 tỷ đồng và 756.999 USD.
“Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài và trong nước còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn. Đặc biệt hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư ra nước ngoài không đạt được như kỳ vọng”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết.
Theo Báo cáo Giám sát của Quốc hội, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài quy mô lớn, trọng điểm chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả đầu tư. Điển hình là các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất.
Trong khi đó, 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương; một số tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư; nhiều tổ chức, cá nhân bị kỷ luật, khởi tố hình sự, để lại hậu quả lớn cho xã hội, gây bức xúc dư luận.
“Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước còn chậm, chưa được khắc phục triệt để”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Vẫn còn tình trạng bán rẻ đất công
Không chỉ là kinh doanh thua lỗ, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trong giai đoạn 2016-2021.
Theo đó, Đoàn Giám sát cho biết, có tình trạng các doanh nghiệp nhà nước chuyển giao đất công cho tư nhân với giá thấp, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Theo Đoàn Giám sát, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ.
Thậm chí, nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước; tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định; giao khoán đất cho hộ gia đình, cá nhân chưa đúng quy định; chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, hầu hết đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.
Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn đều theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch nên làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Chưa kể, việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất theo phương thức tự thực hiện dựa trên đàm phán, thỏa thuận giữa các bên, một số trường hợp có thuê các đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chưa có đầy đủ cơ sở về tính hợp lý của định giá nên dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Đoàn Giám sát, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.
Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.
“Một số trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất sai quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều tồn tại”, báo cáo của Đoàn Giám sát khẳng định.