Tổng công ty Phát điện 3 đã nộp hồ sơ đăng ký chuyển niêm yết sang sàn chứng khoán TP.HCM. (HoSE) |
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3, mã chứng khoán PGV) với số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 1.123.468.046 cổ phiếu, tương ứng với mức vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm giao dịch trên sàn UPCoM, Tổng công ty Phát điện 3 đã nộp hồ sơ đăng ký chuyển niêm yết sang sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE). Trước đó, kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HoSE đã được các cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay.
Với tổng công suất 6.559 MW tại công ty mẹ và các đơn vị công ty con, công ty liên kết, EVNGENCO 3 hiện là nhà phát điện lớn nhất trên thị trường, không kể công ty mẹ EVN. Sản lượng điện sản xuất năm 2020 chiếm 13,57% tổng sản lượng điện quốc gia.
EVNGENCO 3 quản lý nhiều nhà máy điện lớn trực thuộc gồm Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Mông Dương và Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với tổng quy mô công suất 5.485 MW và EVNGenco 3 Power Service - đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện. Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị có công suất lớn nhất (2.540 MW). Đây cũng là công ty phát điện với tổng sản lượng điện từ khi hoạt động phát lên Hệ thống điện Quốc gia lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, Tổng công ty Phát điện 3 đang sở hữu hai công ty con với tỷ lệ trên 50% đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn gồm Nhiệt điện Bà Rịa (79,56%) và Nhiệt điện Ninh Bình (54,76%).
EVNGENCO 3 cũng nắm giữ trên 30% vốn tại ba công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là phần vốn góp 30,55% tại Vĩnh Sơn Sông Hinh với giá trị sổ sách 609 tỷ đồng.
Công suất sản xuất tại các nhà máy điện trực thuộc Tổng Công ty Phát điện 3. (Nguồn: Báo cáo thường niên) |
Đến cuối quý III/2021, quy mô tổng tài sản của Tổng công ty đạt 70.557 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD. Phần lớn tài sản đang nằm ở các nhà máy điện, riêng giá trị tài sản cố định tại ngày 30/9 là 45.458 tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng tài sản. Các năm gần đây, EVNGENCO 3 đã giảm mạnh dư nợ vay, kéo tỷ lệ nợ cuối quý III chỉ còn chiếm 76,2% cơ cấu nguồn vốn, đồng thời, giảm đáng kể chi phí lãi vay các quý gần đây.
Trong 9 tháng năm 2021, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ EVNGENCO 3 đạt 20.088 triệu kWh, bằng 85% cùng kỳ năm 2020. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính đạt 28.132 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi chênh lệch tỷ giá cùng việc tiết giảm chi phí lãi vay đã giúp lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 2.975 tỷ đồng, gấp 2 lần mức lãi đạt được cùng kỳ năm trước.
Bứt phá mạnh về giá cổ phiếu hồi cuối tháng 8/2021, EVNGENCO 3 là đơn vị ngành điện đã cán mốc vốn hóa tỷ đô. Giá cổ phiếu PGV đóng cửa ngày 8/11 ở mức 31.300 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đạt 35.164 tỷ đồng, nằm trong top 50 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.