Quả ngọt cho nỗ lực tái cấu trúc
Sau khi phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào tháng 8/2020, cổ đông lớn - SCIC - đã phối hợp với Sông Đà đánh giá toàn bộ hệ thống về năng lực tài chính, các khoản đầu tư và năng lực ngành nghề cốt lõi; định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy năng lực, thế mạnh của mình, Sông Đà đã củng cố hoạt động thi công các công trình hầm thủy điện, hầm đường bộ và các công trình ngầm khác; mở rộng hoạt động thông qua tìm kiếm các dự án mới ở nước ngoài; từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực thi công tại các đơn vị xây lắp để tham gia thi công các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, nhà dân dụng quy mô lớn...
Tổng công ty đã và đang đẩy mạnh và mở rộng thị trường ra nước ngoài, đã khẳng định được thương hiệu Sông Đà trên thị trường quốc tế, thông qua các dự án như thủy điện Tanahu - Nepal, thủy điện Nậm Nghiệp, thủy điện Nậm Theun, thủy điện Nậm Y Mun, thủy điện Nậm Phak... tại Lào.
Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp sở hữu thủy điện bao gồm vận hành an toàn, hiệu quả, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và nghiên cứu các dự án mở rộng, các dự án phát triển mới.
Tổng công ty Sông Đà đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu tài chính (thu hồi công nợ, tái cấu trúc một số khoản đầu tư), thoái một số khoản đầu tư. Kết quả, các giải pháp tái cấu trúc tài chính của Tổng công ty cơ bản đạt được mục tiêu đề ra: thanh toán được các khoản nợ vay đến hạn, cơ cấu lại tài chính, năng lực tài chính của Tổng công ty và các đơn vị thành viên được cải thiện.
Tìm đến “đại dương xanh”
Hành trình tái cấu trúc của Tổng công ty Sông Đà còn rất dài. Lãnh đạo Tổng công ty xác định, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc tài chính, mở rộng các hoạt động đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh xây lắp, sản xuất điện.
Sông Đà tập trung giải quyết các vướng mắc tồn đọng với chủ đầu tư, hoàn thành cơ bản công tác thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng tại các công trình, dự án lớn do Tổng công ty làm tổng thầu. Đặc biệt, Tổng công ty đã chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành công tác đầu tư và đưa Dự án Nhà máy Thủy điện Xêkaman 3 tại Lào vào phát điện, bán điện về Việt Nam.
Tổng công ty đang tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công và an toàn các công trình theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
Những chuyển biến tích cực ở Sông Đà đã đem lại sinh khí cho Tổng công ty và trở thành môi trường tốt cho việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng. “Sông Đà sẽ tăng cường chất lượng nguồn nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ chốt tại công ty mẹ và tại các đơn vị thành viên. Đây là giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động và triển khai có hiệu quả định hướng phát triển của công ty mẹ và các đơn vị”, ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sông Đà cho biết.
Sông Đà đang nỗ lực trở lại đường đua khi định hướng của Đảng, Chính phủ tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công, dự án hạ tầng lớn. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác tiếp thị, đấu thầu, tìm kiếm các dự án giao thông lớn... Song song với mở rộng nguồn việc mới, Sông Đà đang tập trung mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý chi phí, đảm bảo sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tích lũy vốn để phát triển. Những bước ngoặt mới đang được kỳ vọng mở ra với Tổng công ty.