Thời sự
Tổng cục Đường bộ Việt Nam bác thông tin VEC "chặn đường" để thu phí cao tốc
Anh Minh - 15/09/2021 17:07
Ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định VEC tuân thủ đúng quy định về thu phí trong điều kiện một số địa phương giãn cách theo Chỉ thị số 16.
Công tác thu phí các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai trong trường hợp tạm dừng thu phí để phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện đúng quy định của Nhà chức trách.

Theo ông Thắng, việc tạm dừng thu tại các trạm thu phí nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chỉ là một biện pháp để phòng chống dịch Covid - 19 chứ không phải miễn phí.

"Tạm dừng thu không đồng nghĩa với miễn phí. Tạm dừng có nghĩa là vẫn phải thu phí nhưng do các trạm nằm trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội, không có phương án nào để vừa thu phí vừa đảm bảo phòng chống dịch nên phải tạm dừng thu phí. Việc miễn phí chỉ được thực hiện đối với xe chở lương thực, thực phẩm ủng hộ chống dịch", ông Thắng khẳng định.

Đối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, thu phí, ông Thắng cho  biết, tuyến đường này đi qua nhiều tỉnh, thành phố, trong khi đó chỉ có đoạn thuộc TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì không thu phí.

Do vậy, các xe đi từ các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ Yên Bái, Vĩnh Phúc đều phải lấy thẻ thu phí vào cao tốc nếu không có chốt chặn tại Vĩnh Phúc sẽ không thu được phí.

Đây là tuyến cao tốc thu phí theo hình thức thu phí kín, không thể dựng barie giữa đường để phát thẻ thu phí nên bắt buộc luồng xe phải đi ra từ nút giao IC3. Nếu không chặn ở nút giao IC3 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (không thực hiện giãn cách xã hội) sẽ không thu phí được đối với xe đi từ Lào Cai về Hà Nội.

Việc chặn ở nút giao này cũng giúp thu được phí đối với phương tiện đi từ nút giao đi tỉnh Lào Cai. Đối với xe không có thẻ thu phí khi đến các trạm thuộc tỉnh khác thì được xác định xe đó đi từ Hà Nội để thu phí.

Đây là biện pháp tổ chức giao thông phù hợp để thu phí đối với đoạn cao tốc thu phí kín nằm trên địa bàn các địa phương không thực hiện giãn cách và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Đối với tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, ông Thắng cho hay, giới hạn để thu phí đối với đoạn không thực hiện giãi cách xã hội là trạm thu phí Đại Xuyên (đã dỡ bỏ). Tuyến cao tốc này cũng thu phí theo hình thức thu phí kín, trong khi chỉ tại trạm Đại Xuyên mới có đường ra vào cao tốc.

"Tuy từ trạm thu phí này đến địa bàn tỉnh Hà Nam (không thực hiện Chỉ thị 16) còn gần 5 km thuộc địa bàn TP Hà Nội nhưng vẫn thu vì đây là tạm dừng thu chứ không phải là miễn phí", ông Thắng cho biết.

Theo ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC, VEC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý khai thác, thu phí là để hoàn vốn đầu tư cho nhà nước theo phương án tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không phải là dự án BOT.

Khác với một số trạm thu phí BOT thu phí theo hình thức chỉ dừng tại một trạm để trả phí (một dừng). Toàn bộ các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đều thực hiện theo hình thức thu phí kín (vào lấy thẻ, ra trả tiền theo số Km thực tế sử dụng). Do đó, khi dừng thu phí tại một trạm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình thu phí của tuyến đường.

Đối với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC cho biết, đoạn tuyến đi qua TP. Hà Nội có chiều dài là 4,964 Km (Km 210+000 – Km 214+964) và mức phí là 1.500 đ/km đối với xe loại 1.

Tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình có đặc thù là thu phí liên thông với tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức thu phí kín nên khi các trạm tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ  (do Công ty BOT Pháp Vân Cầu Giẽ quản lý) tạm dừng thu phí, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và không thể thực hiện được theo quy trình thu phí đã ban hành. VEC đã phải điều chỉnh quy trình thu phí (từ thu phí kín sang thu phí lượt tại một số trạm thu phí).

Tuyến Nội Bài – Lào Cai dài 245 Km, trong đó có 7,66 Km qua địa phận TP. Hà Nội; toàn tuyến có 14 trạm theo hình thức thu phí kín.

Khi trạm tại Km6 dừng thu phí do khu vực trạm áp dụng giãn cách theo Chỉ thỉ 16, VEC phải tạm thời điều chỉnh lại quy trình để đảm bảo thu phí cho 238 Km còn lại. Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 16, Thông tư 37/2018/TT-BGTVT ngày 7/6/2018 của Bộ GTVT thì: Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tổ chức giao thông trên đoạn đường do mình quản lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý đường bộ.

Trong đó, công tác phân luồng giao thông và tổ chức thu phí tạm thời đã được VEC báo cáo Tổng cục Đường bộ tại văn bản số 1465/VEC-QLKT ngày 24/7/2021, được Cơ quan quản lý đường bộ là Chi cục I.3 lập Biên bản xác nhận, kiểm tra, giám sát, và tích cực hỗ trợ, phối hợp với VEC trong quá trình triển khai tại hiện trường.

VEC khẳng định không yêu cầu các phương tiện phải di chuyển ra tỉnh lộ 310 như phản ánh. Việc hướng dẫn các xe không đủ điều kiện vào Hà Nội nhằm giúp cho lái xe lựa chọn lộ trình phù hợp (không phải quay đầu tại chốt kiểm dịch Km 6).

“Do vậy, sau khi trả phí, các xe có thể tiếp tục lộ trình vào đường cao tốc cũng trong phạm vi nút giao IC3 (nếu đảm bảo yêu cầu của cơ quan y tế) để đi về Km6 (hoàn toàn miễn phí) hoặc di chuyển vào hướng khu công nghiệp Bình Xuyên”, ông Quang khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác